Miễn, giảm lãi suất cho 260.000 khách hàng, với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng

Như Báo Hànôịmới đã đưa tin, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, ngày 13-5, hàng loạt ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất huy động tiền gửi. Đây là điều kiện cần thiết để các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

Tại các ngân hàng thương mại, trước ngày 13-5, lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ mức 3,9 - 4,75%/năm. Sau khi có văn bản điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trên.

Cụ thể, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất tối đa cho kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống còn 0,2%/năm; lãi suất tối đa kỳ hạn dưới 6 tháng giảm về mức 4,25%/năm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng từ 4,3% xuống 4%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng giảm xuống 4,25%/năm.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này ở mức 6,8%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng và từ 24 tháng đến dưới 36 tháng.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK), lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng dao động từ 3,35 - 4%/năm...

Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất huy động cùng với việc tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.

Trên thực tế, sau đợt giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ trước đó, nhiều doanh nghiệp đã có cơ hội hồi phục sản xuất. Theo ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Ngân hàng Vietcombank đã chủ động cùng với Vinacomin trao đổi và thống nhất tăng hạn mức tín dụng cho tập đoàn từ 3.000 tỷ đồng theo kế hoạch lên 9.000 tỷ đồng; giảm lãi suất vay và tìm nguồn tài chính hỗ trợ tập đoàn thực hiện những dự án lớn, trọng điểm để phát triển. Nhờ sự hợp tác của Vietcombank và các tổ chức tài chính khác, tập đoàn vượt qua khó khăn, gần 10.000 người lao động ổn định, yên tâm làm việc.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank, ngân hàng đã có 2 đợt giảm lãi suất, trong đó, tính riêng đợt 2 có 90.000 khách hàng được giảm lãi suất, với quy mô tín dụng là 300.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu tại Vietcombank. Dự kiến lợi nhuận của Vietcombank chia sẻ cho khách hàng trên 2.240 tỷ đồng.

Còn theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), tính đến hết tháng 4-2020, VietinBank đã giải ngân cho hơn 6.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh với số vốn 130 nghìn tỷ đồng; hạ lãi suất cho vay 2-2,5%/năm đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế. Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí, chia sẻ khó khăn với các khách hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 8-5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi lũy kế từ 23-1 (ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố có dịch Covid-19) đến nay đạt 630.000 tỷ đồng, với 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5-2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh nghiệp chiếm gần 80% tổng số khách hàng được tổ chức tín dụng hỗ trợ.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch; ổn định tỷ giá, sẵn sàng can thiệp bảo đảm ngoại tệ cho nền kinh tế; đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế, sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm.

Hà Linh - Thanh Hương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/967283/mien-giam-lai-suat-cho-260000-khach-hang-voi-du-no-tren-1-trieu-ty-dong