Miến dong xứ Thanh đón Tết Tân Sửu

Những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021, làng nghề miến dong xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) nhộn nhịp hơn.

Khách qua đường dừng lại mua miến dong ở thôn Tô, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa).

Khách qua đường dừng lại mua miến dong ở thôn Tô, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa).

Những người làm miến thức dậy từ 3 giờ sáng để sản xuất miến, còn khách hàng, thương lái thì tấp nập đến mua hàng.

Tết sung túc nhờ miến dong

Ở huyện Cẩm Thủy giờ đây đã có hàng trăm hộ dân tham gia làm miến dong riềng. Những ngày áp Tết, người làm miến dong ở xã Cẩm Bình, Cẩm Liên lại càng thêm tất bật hơn.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bà con nơi đây đang huy động nhân lực để chạy kịp đơn hàng Tết. Người làm miến dong phải thức dậy từ 3 giờ sáng và kết thúc công việc vào đêm khuya, để đáp ứng nhu cầu mua hàng của thương lái từ nhiều nơi về thu mua.

Ông Hồ Kim Song - cán bộ nông nghiệp dẫn chúng tôi đến thăm Hợp tác xã sản xuất miếng dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình. Ông cho biết, xã Cẩm Bình hiện có rất nhiều hộ dân làm miến dong. Trong đó, có gia đình bà Đỗ Thị Huyên (44 tuổi), ở thôn Tô, Cẩm Bình đã thành lập Hợp tác xã miến dong Đồi Ao. Hiện, hợp tác xã này sản xuất mỗi năm hàng chục tấn miến, để bán ra thị trường.

“Nghề làm miến dong ở địa phương chúng tôi bây giờ đang phát triển khá mạnh. Ngoài Hợp tác xã miến dong Đồi Ao, còn nhiều gia đình sản xuất miến ở dạng thủ công nhỏ lẻ. Nghề miến dong bận bịu nhất là vào thời điểm 3 tháng cuối năm. Bởi lẽ, mùa thu hoạch dong riềng bắt đầu từ tháng 11 âm lịch trở đi. Bên cạnh đó, thị trường có nhu cầu tiêu thụ miến dong vào dịp Tết cũng cao hơn”, ông Song nói.

Ông Đặng Ngọc Đỉnh (56 tuổi) ở thôn Hạc Sơn, xã Cẩm Bình là một trong những hộ có truyền thống sản xuất miến dong lâu đời. Ông cho biết: “Từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy cho cách làm miến và phụ giúp bố mẹ làm nghề. Trước đây, người ta làm miến thủ công, nguyên liệu tự cung, tự cấp, từ việc trồng dong riềng, lấy củ và làm bột.

Việc thái miến được người ta lam bằng dao, chứ chưa có máy cắt như bây giờ. Vì thế, ngày trước, nhìn sợi miến to, không đều, không đẹp mắt. Khoảng hơn chục năm nay, nhu cầu thị trường cao hơn, nguyên liệu tại chỗ không đủ cung cấp cho sản xuất, nên bà con làm miến phải lấy bột dong ở Mộc Châu (Sơn La) và mua máy móc về làm”.

Còn bà Nguyễn Thị Tý, ở thôn Xăm cho hay, nghề làm miến dong tất bật vào cuối năm. Đặc biệt, vào thời điểm gần Tết, đơn hàng nhiều hơn nên phải huy động thêm nhân lực để kịp đơn hàng giao cho khách. Trung bình một ngày, gia đình bà Tý (3 lao động) làm ra 1,8 tạ miến.

Giá miến ngày thường là 60.000 đồng/kg, vào ngày Tết giá miến cao hơn, khoảng 80.000 đồng/kg. Tận dụng thị trường Tết, gia đình bà Tý phải làm miến đến hết ngày 30 Tết mới nghỉ. “Nói chung, nghề làm miến cũng khá vất vả vì phải thức khuya, dạy sớm. Thế nhưng, cũng nhờ nghề làm miến dong phát triển, nên bây giờ ở xã này có nhiều gia đình sung túc hẳn lên”, bà Tý chia sẻ.

Xây dựng sản phẩm OCOP miến dong

Trong vài năm trở lại đây, cây dong riềng đã khẳng định ưu thế trong việc giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hiệu quả. Do đó, huyện Cẩm Thủy đang hỗ trợ các chính sách, để khuyến khích người dân phát triển nghề sản xuất miến dong, nhằm đưa loại hàng hóa này thành sản phẩm OCOP.

Ông Hà Thanh Sơn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Thủy, cho biết: Nghề làm miến dong riềng ở Cẩm Thủy trước đây chỉ có vài hộ tự phát. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có khoảng 300 hộ dân ở 2 xã Cẩm Bình, Cẩm Liên tham gia. Không những làm miến, mà trồng cây dong riềng cũng mang lại thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/ha. Còn chế biến tinh bột dong riềng để làm miến dong, thì mang lại lợi nhuận cao hơn (khoảng 100 - 110 triệu đồng/ha) và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

“Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thanh Hóa hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến, tiêu thụ dong riềng do phụ nữ 2 xã Cẩm Bình, Cẩm Liên. Với mục tiêu tạo vùng nguyên liệu đầu vào sạch, sản xuất quy mô lớn, tập trung. Kiểm soát chất lượng sản phẩm, phấn đấu xây dựng thương hiệu miến dong Cẩm Thủy đạt sản phẩm OCOP. Các thành viên tổ hợp tác được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, phân bón, máy chế biến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, từ 2 ha cây dong riềng trồng thử nghiệm trong năm 2018, đến nay, diện tích trồng dong đã được nhân rộng lên 30 ha. Xây dựng được 2 xưởng sản xuất miến dong tại 2 vị trí xa khu dân cư. Đảm bảo diện tích phơi miến cũng như vấn đề xử lý môi trường sau sản xuất. Bước đầu, sản phẩm của 2 tổ hợp tác đã đóng gói, có nhãn mác, được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, người dân tin dùng.

Theo nhận định của Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Thủy, cây dong riềng rất phù hợp với điều kiện địa lý, thổ nhưỡng ở địa phương này. Dong riềng cũng là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc thấp, năng suất trung bình đạt 60 - 65 tấn/ha, có hàm lượng tinh bột đạt 45 - 55%. Giá bán dong củ bình quân đạt 2.000.000 đồng/tấn. Năng suất bình quân khoảng 60 tấn củ/ha, đạt giá trị thu nhập khoảng 120 triệu đồng. Trong đó, tổng chi bình quân 1ha chỉ khoảng 40 triệu đồng.

“Nghề làm miến dong riềng hiện đang được xem là nghề phụ ở địa phương. Bởi lẽ, chỉ làm rộ 3 tháng cuối năm, thời gian còn lại người dân vẫn làm nông nghiệp là chính. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề làm miến dong mang lại đã giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, khó khăn lớn nhất hiện nay của người sản xuất miến dong là thiếu nguyên liệu, mặt bằng để sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Nguồn nguyên liệu ở địa phương khan hiếm, do vậy chủ yếu nhập bột dong ở Sơn La và một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất miến dong trên địa bàn huyện đang là các hộ nhỏ lẻ, trong khu dân cư nên chưa bảo đảm cho quá trình sản xuất, phơi miến, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, môi trường. Bên cạnh đó, sản phẩm miến dong chủ yếu bán cho tư thương, chưa qua các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm. Nhãn mác, bao bì còn làm thủ công, chưa đáp ứng các yêu cầu đưa vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại...

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/mien-dong-xu-thanh-don-tet-tan-suu-6EVbaYYGg.html