Miền Đông Bắc mến yêu

Lần nào cũng vậy, dù đi công tác hay du lịch ra miền Đông, thế nào tôi cũng phải dừng chân ở Tiên Yên. Đôi khi chỉ là để ăn một bát phở gà nóng hổi ngày rét mướt hay để gặp một vài người quen thân. Chốc lát vậy thôi nhưng cũng đủ ấm lòng bởi trong tôi đã sẵn có một Tiên Yên rất ấm áp nghĩa tình.

Tiên Yên- Mảnh đất ngã ba sông.

Tiên Yên- Mảnh đất ngã ba sông.

Tiên Yên, cũ và mới

Ngược dòng lịch sử, có một Tiên Yên rất xưa. Vào thời Hùng Vương, đất này thuộc bộ Ninh Hải, một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang. Từ thời Tiền Lê đến đời Trần thuộc huyện Tân An. Tân là mới còn an là bình yên, là yên ổn. Như thế rõ ràng tiền nhân đã gửi gắm bao nhiêu tâm tình hy vọng vào cái tên cho một vùng đất. Đó là khát vọng về một miền đất mới yên bình.

Đến đời vua Lê Thánh Tông đổi thành châu Tân An. Đời vua Lê Trung Hưng kỵ chữ Tân của vua Kính Tông Lê Duy Tân nên Tân An đổi thành Tiên An. Đến thời chúa Trịnh Cương vì kỵ tước An Đô Vương nên "an" đọc là "yên", "Tiên An" đọc là "Tiên Yên" bắt đầu từ đó.

Tiên Yên là mảnh đất đầy mới mẻ và thử thách, mới từ địa hình địa mạo. Tiên Yên có cả các dạng địa hình miền núi trung du và đồng bằng ven biển. Phía Tây Bắc có dãy núi Cái Kỳ với đỉnh cao nhất là Ngà Là chảy dài ra cửa sông Ba Chẽ theo hướng Đông Bắc- Tây Nam. Dưới chân núi là đồng bằng ven biển Hà Dong trù phú, thuộc xã Hải Lạng. Phía Bắc là vùng đồi núi trùng điệp tiếp giáp với huyện Bình Liêu và huyện Đình Lập (Lạng Sơn).

Phía Đông Tiên Yên là dãy Thông Châu và Pạc Sủi ngàn năm róc rách tiếng suối reo. Núi chạy ra biển thấp dần xuống tạo nên vùng đồng bằng duyên hải Đông Ngũ và Đông Hải, vựa lúa của Tiên Yên tự bao đời. Dưới chân Pạc Sủi còn là rừng quế thơm ngát, là hồ Khe Táu trữ tình là thung lũng Đại Dực với những bản làng người Sán Chỉ sống men theo những thửa ruộng bậc thang.

Thi đẩy gậy trong Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Dao xã Hà Lâu năm 2019.

Núi rừng cũng đã tạo ra hai chi lưu của con sông Tiên Yên. Một dòng từ Cao Ba Lanh chảy xuống, dòng kia thì từ núi rừng Đình Lập chảy về sông Phố Cũ nay gọi là sông Khe Tiên. Hai dòng này hợp lại hòa vào nhau thành sông Tiên Yên chảy vào vụng Vạn Hoa. Thị trấn Tiên Yên nằm trọn trong vùng hợp lưu của hai nhánh sông này. Đối diện với thị trấn, là cánh đồng Đồng Châu chạy dài hơn 6 cây số ra biển. Như vậy, Tiên Yên núi tạo ra sông suối. Sông sinh ra làng mạc, đồng ruộng và sông còn sinh ra phố. Phố cũ của người Tiên Yên.

Cũng chính vì địa hình chia cắt như thế nên xa xưa giao thông chủ yếu ở Tiên Yên là đường thủy. Sự ngặt nghèo về giao thông đã khiến mảnh đất này trở nên hoang vu, hiểm trở, xa xôi, được sử cũ gọi là đất "ô châu ác địa" nơi lưu đày những người có tội, những quan lại bị thất sủng. Nhưng từ đầu thế kỷ 20 trở đi, khi hệ thống giao thông được nối liền, Tiên Yên đã dần chiếm lĩnh vị trí đặc biệt là cửa ngõ miền Đông, giao điểm giữa các quốc lộ, có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự quốc phòng. Tiên Yên là một trong những cứ điểm tiền tiêu bảo vệ vùng biển trời Đông Bắc. Nhận thức được vị trí chiến lược của Tiên Yên nên ngay khi đặt ách cai trị, thực dân Pháp đã cho xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc, nhà tù ở gần sông Phố Cũ, hệ thống quân cảng ở Mũi Chùa.

Tuy nhiên, thực dân Pháp không dễ dàng gì khi chiếm được đất Tiên Yên, đặc biệt khó mà khuất phục được người Tiên Yên. Những ngày đầu đặt chân lên Tiên Yên, thực dân Pháp đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Năm 1885, Thiên địa hội- một tổ chức yêu nước tự phát gồm đủ các thành phần dân tộc được thành lập lấy Tiên Yên là một trong những địa bàn hoạt động chính đã tập hợp được hàng nghìn người đứng lên khởi nghĩa. Một năm sau, Thiên địa hội đã vây hãm và diệt hết quân Pháp ở đồn Móng Cái. Hoạt động của Thiên địa hội kéo dài đến mãi năm 1892 mới bị thực dân Pháp dập tắt.

Có một Tiên Yên giàu bản sắc văn hóa

Cũng chính nhờ vị trí giao thoa, hợp lưu của sông nước như thế nên từ rất sớm Tiên Yên đã trở thành một điểm thương mại quan trọng. Đây là nơi mà các sản vật núi rừng Đồng Bắc được tập kết, chuyển tới thương cảng Vân Đồn để giao lưu với thương nhân trong và ngoài nước.

Ngược lại, Tiên Yên cũng là nơi chuyển giao thủy hải sản giàu có của vùng biển Đông Bắc cho các tỉnh núi rừng Cao Bắc Lạng. Phố cũ vừa là trụ sở của châu Tiên Yên xưa lại vừa là điểm buôn bán sầm uất của cả vùng Đông Bắc lúc bấy giờ.

Tiên Yên vẫn được coi là một điểm đến đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh, không phải chỉ cho những ông quan thất sủng, bị biếm trích hay những thương nhân buôn bán mà đây còn là điểm đến của những con người kiến tạo văn hóa và yêu văn hóa. Nằm cạnh 2 trục Quốc lộ 18 và quốc lộ 4 B, từ rất nhiều năm, vùng đất này đã là nơi hội tụ nhiều luồng văn hoácủa cộ ng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc như: Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ.

Thị trấn Tiên Yên hiện nay là một đô thị hình thành sớm và phát triển mạnh vào giai đoạn 1910-1954 với những kiến trúc của người Hoa xen lẫn kiến trúc của người Pháp. Và theo thời gian, với sự giao thoa đan xen văn hóa ấy, bản sắc riêng của Tiên Yên, vùng đất nơi ngã ba sông, ngã ba đường vùng Đông Bắc, đã được tạo lập. Năm 1963, khi khu Hồng Quảng sáp nhập với tỉnh Hải Ninh để trở thành tỉnh Quảng Ninh, Tiên Yên không những vẫn giữ nguyên được các nét đẹp văn hóa này mà còn trở thành cửa ngõ ra miền Đông của tỉnh.

Tái hiện đám rước dâu của dân tộc Dao Thanh Y huyện Tiên Yên.

Trong bức tranh chung của Quảng Ninh, Tiên Yên không có điều kiện tự nhiên với đường bờ biển kéo dài như: Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, không có dày đặc các di tích lịch sử như Uông Bí, Quảng Yên nhưng lại có được những tập tục sinh hoạt văn hóa rất độc đáo đã được hình thành lâu đời trong lịch sử của các dân tộc vùng Đông Bắc.

Đặc thù ấy đã tạo nên cho đất và người Tiên Yên những nét riêng mang đậm màu sắc địa phương, được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Vốn văn hóa dân gian đa dạng còn được thể hiện nhiều qua các lễ hội trong năm như: Lễ cấp sắc, lễ cúng thành hoàng làng, lễ hội xuống đồng, lễ cầu mùa, lễ cơm mới, lễ thượng điền hạ điền, lễ cầu đảo v.v.

Ở Tiên Yên có hai người mà mỗi khi nhỡ độ đường tôi lại thường tá túc trong nhà họ. Đó là ông Đinh Viễn và ông Cấn Đình Loan. Ông Đinh Viễn là cựu giáo chức, từng là giáo viên dạy sử của Trường THPT Tiên Yên. Nếu muốn hiểu rõ lịch sử mảnh đất này thì nhất định phải đến gặp ông Đinh Viễn. Vì sao vậy? Không chỉ vì ông gắn bó cả đời với mảnh đất này mà còn vì ông là người viết sử của các làng xã. Lịch sử các xã trong huyện rồi đến lịch sử Đảng bộ huyện đều có sự tham gia của ông. Thu nhập từ việc viết sử chẳng thấm tháp là bao so với mồ hôi và trí tuệ mà ông và cộng sự đã bỏ ra nhưng ông vẫn hăng say làm. Ông làm vì yêu Tiên Yên vì muốn trả mối nợ với mảnh đất này.

Một người nữa cũng yêu Tiên Yên da diết đó là ông Cấn Đình Loan. Ông Loan là nghệ sĩ nhiếp ảnh nên không chỉ lưu giữ Tiên Yên trong tâm trí ông còn lưu giữ hình ảnh mảnh đất này trong những thước phim. Ông mải mê chụp Tiên Yên, gần như cả đời chỉ chụp nơi này mà chưa hết. Thậm chí có cái đập tràn và con sông Phố Cũ trước nhà thôi ông chụp ti tỉ lần rồi vẫn còn muốn chụp. Những giải thưởng nhiếp ảnh ông có được cũng từ Tiên Yên mà ra.

Ông Cấn Đình Loan (bên phải, hàng trước) cùng đồng nghiệp sáng tác ảnh trên đỉnh Thông Châu.

Và mặc cho mọi người gọi thế nào ông Cấn Đình Loan vẫn thích gọi trấn lỵ Tiên Yên là Phố Cũ. Thời thế đổi thay nếp xưa ngày càng bị mai một. Ông Loan tiếc lắm. Bởi thế ông như một con người hoài cổ, đang ở Tiên Yên mà luôn nhớ Tiên Yên. Ông nhớ một trấn lỵ Tiên Yên xưa với sự pha trộn giữa kiến trúc của người Hoa và người Pháp. Ông nhớ từng ngôi nhà ống chỉ 2 tầng, mái ngói thâm nâu, từng góc phố mái ngà, ngói đất nung lợp âm dương đã ngả màu thời gian, tường vôi gạch có chỗ đã tróc lở ra rồi. Nhà ở phố luôn có giếng trời để đón gió và điều hòa ánh sáng. Nhà nào cũng có phù điêu nhiều hoa văn trang trí mang dấu ấn Gothic, phố không có vỉa hè, theo ô bàn cờ gọn ghẽ.

Ông Loan đã lưu giữ từng khoảnh khắc, từng góc phố, từng nhà, từng ngõ, từng con người đi qua. Có quy luật phát triển, nhưng sự phát triển ấy cũng không thể lấn át hết cái cũ. Tiên Yên vẫn là Tiên Yên. Cái hồn cốt của nó vẫn còn. Vẫn là hồn xưa nét cũ. Điều đó làm ông Loan yêu Tiên Yên hơn, tự hào về Tiên Yên hơn.

Phụ nữ dân tộc Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên) trong trang phục truyền thống.

Tiên Yên là cái thị trấn nhỏ bé yên bình nằm bên bờ sông hiền hòa, thơ mộng. Phố Tiên Yên có dòng sông chảy qua, từ thượng nguồn xuống mang theo tiếng sáo, tiếng kèn lá gọi bạn tình của chàng trai người Sán Chỉ, tiếng chày, giã bánh dày của người Tày. Bờ sông đỏ sắc hoa đỗ quyên, hoa kim ngân.

Nhiều con đường, tuyến phố, hàng cây, từng ngôi biệt thự là chứng nhân lịch sử, in đậm trong ký ức của những người luống tuổi. Những đêm trăng sáng, trẻ nhỏ chơi đùa, người già thưởng trà trên phố, ven sông hay trên nhà cổ.

Phố cũng là nơi bán những thức quà quê như: Khau nhục, bánh gật gù, bánh gio, tài lồng ệp, gà Tiên Yên ngon nức tiếng. Mỗi một góc phố rêu phong, một ngôi nhà ở Tiên Yên đều có một câu chuyện riêng về chủ nhân của nó, rồi chuyện riêng của cả mảnh đất này. Trải qua bao nỗi thăng trầm của thời gian, phố Tiên Yên có cái dần xuống cấp và có cái nhà đã được cải tạo, chỉ còn khoảng 40 ngôi nhà cũ nằm rải rác.

Phố Tiên Yên hợp với những người yêu văn hóa, thích tìm hiểu lịch sử. Tôi có một anh bạn làm bảo tàng, mỗi lần tôi ra Tiên Yên đều nhắn nhủ xem nhà cổ có cái nào bị mất đi không. Và chụp ảnh lại cho nhanh đi kẻo mai này thời gian làm băng hoại tất cả. Nhưng tôi đã trấn an anh rằng, điều ấy không lo vì hơn ai hết người Tiên Yên họ yêu mảnh đất của họ, yêu không gian sống của họ. Họ mới là chủ thể giữ gìn văn hóa một cách bền vững nhất.

Cảnh quan thiên nhiên ở Tiên Yên rất tươi đẹp.

Người ở phố Tiên Yên có tính cách rất riêng, dường như không bị ảnh hưởng của cái nhịp sống ồn tạp đô thị. Nhà họ cửa mở thoải mái cả ngày mà không sợ trộm. Cả thị trấn quen biết nhau, ra đường là gặp ai cũng hỏi, gặp ai cũng chào. Đấy mới là Tiên Yên của riêng ông Loan, ông Viễn. Chỉ cần xa Tiên Yên một ngày thôi ông đã tha thiết nhớ lắm rồi.

Theo lời ông Cấn Đình Loan, chính vì yêu mảnh đất này nên người Tiên Yên vẫn luôn ý thức giữ gìn hồn phố cũ. Quả đúng như lời ông Loan nói, tôi đã đi nhiều phố đi bộ rồi nhưng thật hiếm có nơi nào lại có sức sống như ở Tiên Yên. Phố đi bộ là ngày hội của họ. Người dân coi đây là một góc tâm hồn xưa cũ. Phố đi bộ là phố hoài niệm, là nhịp sống của riêng Tiên Yên. Không có người dân, không có những tâm hồn yêu xưa mến cũ thì không có sự thành công của phố đi bộ Tiên Yên.

Từ phố Tiên Yên tôi ngược lên Đông Ngũ, Phong Dụ, Đại Dực, Hà Lâu để dạo bước trên những thửa ruộng bậc thang, bên suối thác mát lành, nghe hát then, tiếng đàn tính thiết tha của người Tày, lời hát đối của người Dao, câu soóng cọ mênh mang của người Sán Chỉ. Tôi chưa hiểu được ca từ vì không biết tiếng của bà con dân tộc, nhưng sao vẫn thấy những giai điệu kia say đắm đến nhường vậy. Có lẽ, họ cất lên tiếng hát từ tình yêu mảnh đất này - mảnh đất Tiên Yên ngã ba vùng Đông Bắc. Tiếng hát cất lên từ tình yêu ấy dễ tìm đến và bắt nhịp được với cõi lòng của những ai yêu mến Tiên Yên. Đơn giản thôi, vì những gì xuất phát từ trái tim thì dễ đi đến với trái tim mà.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202010/mien-dong-bac-men-yeu-2506358/