Miễn dịch cộng đồng trong đại dịch Covid-19: Tương lai xa vời với thế giới?

Khi các biến thể mới đe dọa hiệu quả của vaccine và phần lớn dân số toàn cầu chưa thể tiêm chủng trong năm nay, câu hỏi về thời điểm đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc có thể đạt được trên phạm vi toàn cầu hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Khi nào đạt được miễn dịch cộng đồng?

Khả năng miễn dịch cộng đồng, khi có đủ dân số miễn dịch với SARS-CoV-2 để hạn chế sự lây lan của virus, là mục tiêu của các quốc gia kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Hiện nay, khi một vài nước đã tiêm chủng cho ít nhất 1/2 dân số, câu hỏi khi nào thế giới đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng đã liên tục được đặt ra.

Miễn dịch cộng đồng sẽ giúp các nước có chính sách “không khoan nhượng” mở cửa biên giới và các nước khác sẽ mở lại hoàn toàn văn phòng và trường học.

Những ước tính dựa trên các biến thể mới cho thấy, số người bị lây nhiễm virus sẽ cao hơn và khiến thời gian dự kiến để đạt miễn dịch cộng đồng kéo dài hơn. (Ảnh minh họa: SCMP)

Những ước tính dựa trên các biến thể mới cho thấy, số người bị lây nhiễm virus sẽ cao hơn và khiến thời gian dự kiến để đạt miễn dịch cộng đồng kéo dài hơn. (Ảnh minh họa: SCMP)

Tuy nhiên, khi các biến thể SARS-CoV-2 mới đe dọa hiệu quả của vaccine và phần lớn dân số toàn cầu chưa thể tiêm chủng trong năm nay, các chuyên gia cho rằng câu hỏi về thời điểm đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc có thể đạt được trên phạm vi toàn cầu hay không vẫn chưa có câu trả lời.

“Nhiều chuyên gia gắn khả năng miễn dịch cộng đồng với thời điểm kiểm soát đại dịch thành công hoặc chấm dứt đại dịch, nhưng nó phụ thuộc vào định nghĩa về sự kết thúc của đại dịch. Nếu nói rằng không có sự lây nhiễm là mục tiêu cuối cùng, tôi không chắc điều này có thể đạt được. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch cộng đồng”, Kwok Kin-on, phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng và Chăm sóc ban đầu JC thuộc Đại học Trung văn Hương Cảng, Hong Kong (Trung Quốc), cho biết.

Hai trong số những yếu tố là mức độ hiệu quả của vaccine và mức độ dễ lây lan của virus. Hai yếu tố này có thể thay đổi với sự xuất hiện của các biến thể mới.

Các ước tính ban đầu để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng đều dựa trên chủng SARS-CoV-2 ban đầu. “Vào thời điểm đó, một người mắc bệnh sẽ lây truyền virus cho 2-3 người khác. Nhưng những ước tính gần đây dựa trên các biến thể mới cho thấy, số người bị lây nhiễm virus sẽ cao hơn. Điều này khiến thời gian dự kiến để đạt miễn dịch cộng đồng sẽ kéo dài hơn. Chúng tôi thực sự đang hướng tới mức độ miễn dịch cộng đồng cao hơn để ngăn chặn hoàn toàn sự lây truyền virus”, Jodie McVernon, Giám đốc dịch tễ học tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, cho biết.

“Ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng chắc chắn là trên 80% để giảm đáng kể nguy cơ ca bệnh đến từ nước ngoài gây ra một đợt bùng phát ở các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp”, Mike Ryan, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết.

Vaccine có phải là chìa khóa cho miễn dịch cộng đồng?

Việc triển khai vaccine trên khắp thế giới đã cung cấp một số gợi ý về miễn dịch cộng đồng sẽ diễn ra như thế nào và gặp những khó khăn gì.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine trong tháng 6 cho thấy, mức độ tiêm chủng Covid-19 cao ở Israel, sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech, có liên quan đến “sự giảm đáng kể” tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ em chưa được tiêm chủng. Điều này cho thấy hiệu quả của vaccine trong phạm vi cộng đồng.

Vào tháng 5, các nhà khoa học Brazil cho biết, nghiên cứu của họ tại một thành phố ngoại ô Sao Paulo cho thấy, những người chưa tiêm vaccine được bảo vệ trước Covid-19 khi khoảng 3/4 dân số, trong đó 95% là người trưởng thành, đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine CoronaVac của công ty Sinovac Biotech.

Theo nghiên cứu trên, tiêm chủng giúp số ca tử vong do Covid-19 trong thành phố giảm 95% và số ca mắc bệnh có triệu chứng giảm 80%.

Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu và chính quyền địa phương cũng chỉ ra rằng, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao, vẫn có những trường hợp mắc bệnh trong thành phố, nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiêm vaccine cao không thể loại bỏ được lây nhiễm.

Hơn 45% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: USA Today

Ngoài ra, một lý do nữa khiến dù mức độ tiêm chủng cao nhưng vẫn không loại bỏ được lây nhiễm SARS-CoV-2 là vaccine không hoàn hảo. Trong số các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng, tỷ lệ hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng là khoảng 95% đối với vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna nhưng giảm xuống 51% đối với vaccine CoronaVac.

Các chuyên gia cho biết, điều này đồng nghĩa với việc một phần dân số đã được tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc Covid-19. Họ hy vọng rằng, tình trạng bệnh của những người nhiễm virus sau khi tiêm vaccine sẽ ít nghiêm trọng hơn.

“Với một số loại vaccine có hiệu quả khoảng 80%, 1 trong 5 người tiếp xúc với ca nhiễm bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng mắc Covid-19”, Joanna Kirman, nhà miễn dịch học và phó giáo sư tại Đại học Otago ở New Zealand, cho biết.

Theo bà Kirman, khi các quốc gia tăng cường mức độ tiêm chủng, vẫn có một “điểm mấu chốt” để có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

“Ngay cả khi đã tiêm chủng cho một nửa dân số, virus vẫn có thể lây nhiễm trong cộng đồng nếu đó là một bệnh nhiễm trùng lây truyền tương đối nhanh”, bà Kirman nói thêm.

Đây chính là mối lo ngại ở các nước như Mỹ, nơi tỷ lệ lây nhiễm virus đã giảm đáng kể khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng, hiện đã có hơn 45% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có nguy cơ đối mặt sự lây lan của biến thể mới hoặc việc nới lỏng các biện pháp hạn chế có thể làm bùng phát một đợt dịch ở những người chưa được tiêm chủng.

Ông Kwok cho biết, cần phải xem xét về mức độ hiệu quả của các loại vaccine khác nhau vì các loại vaccine có hiệu quả thấp hơn có thể yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng cao hơn để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

“Một trong những vấn đề là các biến thể mới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Ngoài ra, một vấn đề khác là các loại vaccine đã được cấp phép có hiệu quả cao hay không”, ông Kwok nói.

“Chúng ta sẽ không thể xóa sổ đại dịch trong một thời gian dài ở hầu hết các quốc gia, nhưng những gì chúng ta sẽ làm là có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm xuống mức thấp nhất”, Peter Collignon, giáo sư vi sinh vật học tại Đại học Quốc gia Australia, nói.

Ông Collignon cho biết, hậu quả của đại dịch đối với con người sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều nếu phần lớn những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao được tiêm chủng.

Khi các quốc gia đưa ra kế hoạch triển khai vaccine và các biện pháp kiểm soát dịch khác nhau có thể ghi nhận những kết quả và rủi ro khác nhau trong vài năm tới. Một số chuyên gia cho rằng có thể xảy ra các đợt bùng phát Covid-19 theo mùa giống như bệnh cúm mùa.

Peter Chin-Hong, giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco (Mỹ), cho biết, các quốc gia có thể mở cửa trở lại một cách an toàn, đặc biệt nếu sử dụng vaccine có hiệu quả cao và tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao.

“Nhưng điều đó không có nghĩa là các quốc gia đang sử dụng vaccine hiệu quả thấp hơn sẽ gặp khó khăn”, ông Peter Chin-Hong nói.

Những rào cản lớn

Các chuyên gia cho biết, hiện nay, rào cản lớn nhất để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng toàn cầu là hạn chế về nguồn cung vaccine và phân phối không đồng đều.

Hơn 2,6 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 1 tỷ liều vaccine trong số đó được cung cấp ở Trung Quốc và 1/4 (trong số 2,6 tỷ liều) ở 27 nước giàu nhất, theo dữ liệu từ Bloomberg.

“Bởi việc triển khai vaccine vẫn chậm và dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan, các biến thể xuất hiện trong tương lai có thể ảnh hướng đến những tiến bộ của chúng ta”, ông Chin-Hong nói.

Một số biến thể có thể làm giảm khả năng bảo vệ của một số loại vaccine, nhưng theo thông tin hiện có, vaccine phần lớn vẫn có hiệu quả.

“Điều tôi lo lắng nhất là trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều biến thể đáng lo ngại hơn nữa, vì chúng ta còn lâu mới phá vỡ được chuỗi lây nhiễm trên toàn cầu”, ông Chin-Hong nói.

Ông Collignon cho biết, điều này đồng nghĩa với việc các biện pháp hạn chế đi lại vẫn tiếp tục được áp dụng trong vài năm tới khi các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao muốn ngăn chặn các biến thể mới đáng lo ngại.

“Chúng ta càng tiêm chủng nhiều trên khắp thế giới, chúng ta càng cần ít biện pháp hạn chế hơn. Nhưng nhìn chung, chúng ta vẫn sẽ gặp vấn đề cho đến khi phần lớn thế giới được tiêm chủng”, ông Collignon nói./.

*Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/mien-dich-cong-dong-trong-dai-dich-covid-19-tuong-lai-xa-voi-voi-the-gioi-868359.vov