Miễn dịch cộng đồng thất bại, quan chức Thụy Điển đổ lỗi bộ máy

Chuyên gia dịch tễ học Anders Tegnell từ chối thừa nhận ông là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cho 'thất bại' của Thụy Điển trong ứng phó đại dịch Covid-19.

Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf ngày 17/12 đã công khai gọi cách đất nước Bắc Âu ứng phó đại dịch Covid-19 là "một sự thất bại". Riêng trong ngày hôm sau, nước này ghi nhận đến 9.654 ca nhiễm mới và 100 ca tử vong.

Trong khi đó, phát biểu cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nhấn mạnh không ai muốn chứng kiến con số tử vong này, nhưng việc xác định trách nhiệm cũng không phải điều dễ dàng. Ông cho rằng không thể "chỉ vào một người và nói người đó chịu trách nhiệm".

 Một điểm đặt hoa tưởng niệm những người đã chết vì virus corona tại quảng trường Mynttorget, Stockholm. Ảnh: AFP.

Một điểm đặt hoa tưởng niệm những người đã chết vì virus corona tại quảng trường Mynttorget, Stockholm. Ảnh: AFP.

Không ai nhận lỗi về mình

Đối diện làn sóng thứ nhất của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, quốc gia Bắc Âu chọn không phong tỏa hay siết chặt giãn cách xã hội để ngăn chặn virus lây lan. Chuyên gia dịch tễ học của chính phủ Thụy Điển Anders Tegnell vào cuối tháng 3 từng thừa nhận mình có thể bị quy trách nhiệm vì quyết định này.

"Nhìn nhận một cách nghiêm túc, tôi có thể được xem như nhân vật hàng đầu, nhưng các cơ quan ở Thụy Điển làm việc như một thể hoàn chỉnh. Chiến lược này không phải do tôi tự quyết mỗi sáng ở phòng làm việc của mình", ông trả lời Guardian.

Khi ông Tegnell trao đổi cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tháng 9, kịch bản Thụy Điển kiểm soát làn sóng Covid-19 thứ 2 dễ dàng hơn nhờ phần đông dân số đã nhiễm virus corona vào mùa xuân vẫn được xem là khả thi.

Giờ đây, những hy vọng này đã tan biến. Số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và số ca tử vong tại Thụy Điển tiếp tục cao hơn nhiều so với các nước láng giềng ở khu vực Bắc Âu. Ông Tegnell và cựu đồng nghiệp Johan Giesecke không còn được giới ủng hộ "miễn dịch cộng đồng" mời phỏng vấn trên truyền thông Mỹ và Anh như trước.

Mức tin tưởng của công chúng dành cho ông Tegnell đã rơi xuống 59%, thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Thụy Điển. Vào tháng 10, mức ủng hộ của người dân dành cho chuyên gia dịch tễ chính phủ còn ở mức 72%.

Dư luận thay đổi thái độ

Dư luận Thụy Điển cũng thay đổi rõ rệt. Mức độ nghiêm trọng của làn sóng thứ 2 vượt ngoài dự báo thúc đẩy truyền thông chỉ trích chiến lược ứng phó đại dịch của ông Tegnell và các đồng nghiệp gay gắt hơn. Jenny Madestam, giáo sư ngành chính trị tại Đại học Sodertorn ở Stockhom, nói phần đông dư luận đã cảm thấy chiến lược chống dịch thất bại.

Trước đó, vào tháng 3 và tháng 4, truyền thông Thụy Điển còn đứng về phía nhà chức trách nhiều hơn là đăng tải các ý kiến chỉ trích. Một số nhà nghiên cứu lên tiếng cảnh báo về "miễn dịch cộng đồng" vào tháng 4, nhưng họ lại bị các trang báo công kích là "nỗi nhục của Thụy Điển" hay "những người thích tạo bê bối về corona".

Nhà dịch tễ học chính phủ Thụy Điển Anders Tegnell được cho là "kiến trúc sư trưởng" cho chiến dịch ứng phó Covid-19 của nước này. Ảnh: AFP.

Eva Burman, tổng biên tập Eskilstuna-Kuriren, còn nhớ dư luận đã làm ngơ hoàn toàn với bài điều tra tháng 5 của tờ báo địa phương. Bài viết hé lộ tình trạng người cao tuổi ở nhà dưỡng lại không thể nhập viện điều trị khi nhiễm virus corona.

"Câu chuyện đó không được đăng tải trên các báo khác. Có lẽ họ không tin đó là sự thật", bà chia sẻ.

"Tôi không hiểu vì sao truyền thông Thụy Điển lại quá chậm chạp trong việc đặt ra những câu hỏi quan trọng thật sự", bà nói.

Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallengren không đề cập trực tiếp đến khả năng từ chức khi được truyền thông đặt câu hỏi. Thay vào đó, bà lưu ý hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia Bắc Âu mang tính phân mảnh cao, với trách nhiệm chăm lo hàng ngày cho người dân nằm ở nhà chức trách 21 vùng, còn nhà dưỡng lão là trách nhiệm của chính quyền các thành phố.

Bà cũng lưu ý rằng các đảng đối lập đã ủng hộ chiến dịch ứng phó trong nửa đầu năm 2020. Bà nhận định việc quy trách nhiệm "là điều dễ dàng", nhưng đòi hỏi "giải pháp quá dễ dàng đó" giữa tình hình đại dịch cũng không cải thiện được "mảng chăm sóc người cao tuổi" hay đưa ra hướng giải quyết nào.

Tuần trước, một báo cáo về tình hình dịch Covid-19 tại Thụy Điển đã cáo buộc chính phủ lẫn Bộ Y tế Công "thất bại" trong việc bảo vệ nhóm dân số cao tuổi.

Truyền thông tiết lộ chỉ 1/20 người nghi nhiễm virus corona tại các nhà dưỡng lão được gặp bác sĩ. Một số vùng còn ra chỉ định không đưa thành viên nhà dưỡng lão đến bệnh viện điều trị vì bất kỳ bệnh lý hay chấn thương nào. Một số bác sĩ còn ra y lệnh giảm mức độ điều trị mà không xem qua bệnh sử của người nhiễm virus.

Theo Marina Ghersetti, chuyên gia ngành báo chí tại Đại học Gothenburg, phần lớn những người làm việc trong truyền thông vẫn có niềm tin rất lớn vào nhà chức trách Thụy Điển giống như dư luận nước này. Do đó, trong trường hợp khủng hoảng vừa xảy ra và tình hình còn mơ hồ, họ tập trung "truyền lại những thông tin do nhà chức trách cung cấp mà không đặt nhiều câu hỏi".

Chỉ khi tình hình bắt đầu ổn định, truyền thông Thụy Điển mới bắt đầu chỉ trích gay gắt và điều tra nguyên nhân cuộc khủng hoảng.

"Mọi tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình lớn đã bắt đầu vào cuộc. Họ không chỉ nhìn vào tình hình ở các nhà dưỡng lão, mà còn xem xét cả góc độ chiến dịch", Ghersetti nói.

Ngược dòng trong chống dịch, kinh tế Thụy Điển vẫn tổn thất nặng nề Việc Thụy Điển không phong tỏa chống dịch Covid-19 gây ra nhiều tranh cãi, nhưng các ngành kinh tế vẫn bị dự đoán sẽ tổn thất khoảng 5% với hàng trăm nghìn người mất việc.

Thanh Danh

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mien-dich-cong-dong-that-bai-quan-chuc-thuy-dien-do-loi-bo-may-post1165206.html