Miền biên viễn

Ngày xưa, mạn kênh Vĩnh Tế là biên cương lãnh thổ. Khi tướng quân Nguyễn Văn Thoại chiêu mộ hàng vạn người xẻ rừng, hạ thú dữ, đào con kênh ấy, ông cũng không hình dung được sau này nó là con đường nhộn nhịp thương hồ như nó đang có ở thế kỷ 20.

Và cửa khẩu Tịnh Biên, Tịnh Biên là địa danh nói lên ước nguyện của người dân hai nước vốn dĩ liền nhau một cánh đồng, cùng nhau hình thành con kênh để làm ranh giới.

Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên là nơi có khá đông người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới mỗi ngày

Dù vậy, biên giới bao giờ cũng xa mờ trong tâm tưởng người dân. Bình yên, biên giới là nơi qua lại có kiểm soát. Gây hấn, dân chạy lùi vào, người lính xông ra, máu xương sông núi. Hầu như không nhà nào không có người lên biên, các lượt lính thay nhau, mẹ tiễn con, vợ tiễn chồng. Hàng mấy trăm năm chiến trận, chữ biên cương chưa diễn tả được nỗi niềm, người ta biến nó thành biên thùy, biên tái và… biên viễn.

Sau tháng Giêng năm 1979, tức thời điểm quân đội Việt Nam thần tốc tiến vào Phnôm Pênh đẩy lùi tàn quân Pôn Pốt vào rừng, giải phóng người dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, tôi đi với tư cách nhà báo sang đất họ. Khi ấy phải đi đường Mộc Bài - Tây Ninh vì đường cửa Tịnh Biên chưa tịnh. Tâm trạng hòa bình ngự trị trong lòng người dân Campuchia, chúng tôi đi trong ánh hào quang của cứu tinh, mưa móc. Ấn tượng chung là những tiếng tung hô tự nguyện của dân sở tại trên đường lếch thếch tìm về quê khi bất chợt thấy xe từ Việt Nam lướt qua và, khi đã chạm Phnôm Pênh mênh mông như một nấm mồ bê tông khổng lồ ban đêm tràn ngập tiếng ếch nhái, ễnh ương thì bắt đầu cái rùng mình xuyên suốt.

Lần thứ hai năm 1981, cuộc chiến bắt đầu giằng co, do bọn Pôn Pốt được ông bạn vàng Bắc Kinh chống lưng và người Thái làm ngơ cho chúng ẩn náu trên đất Thái. Lần đầu thấy kênh Vĩnh Tế, lần đầu bước xuống xe đi bộ qua cửa Tịnh Biên, lần đầu thấy dáng thốt nốt câm lặng trên đất người. Và những đoàn quân lấm láp, người lính đi, đi mãi bằng cơ giới sang chiến trường trải rộng khắp cái đất nước hoang tàn, bí hiểm, chết chóc. Tôi ngoảnh nhìn, nhớ mãi cảm giác khi bàn chân không còn đứng trên đất nước quê nhà, chao ơi, mênh mang buồn, lẫn với sợ hãi.

Lần thứ ba, ham thích thực tế cuốn tôi đi cùng quân đội đến tận rừng già Tà Sanh gần biên giới Thái Lan. Cuộc chiến đã bước sang năm thứ 6, người lính xa nước hàng ngàn ngày, thấm thía tâm trạng viễn chinh bùn máu. Hai từ biên viễn vang lên nức nở trong tôi, hai lần biên viễn, Tịnh Biên một mốc, giờ là biên viễn của nước người, tận nơi nổi tiếng sốt rét rừng, đến voi còn trụi cả lông. Nếu có những tượng đá chinh phu ở Bảy Núi chẳng hạn, thì họ ngóng chồng ở tận biên tái của xứ người, không biết cả hướng để mà ngóng nữa.

Lúc này người bộ đội ngày trước đã khác trước. Cả sĩ quan cũng ưa nghe Chế Linh hát "Rừng lá thấp", "Tết này con không về", nghe Khánh Ly hát "Kinh Khổ", nghe Duy Khánh hát "Qua cơn mê". Sĩ quan tiểu đoàn, sĩ quan đại đội đi liên hoan khi có khách nữ bên nước nhà sang liền tranh thủ quần tây mềm, áo sơ-mi thật trắng để ôm ghi-ta hát: "Chỉ còn gần em một giây phút thôi. Một giây phút thôi là xa nhau rồi", hoặc là "Anh còn nợ em công viên ghế đá, anh còn nợ em". Về không nỡ mà ở cũng không xong, nữ nhà văn nhà báo thì cũng là gánh nặng của chiến trường. Và lần này thì sự xót xa biên viễn không mơ hồ, sến súa, nó, cảm xúc. Phút cuối ấy có thật, nó đeo bám như một vết thương: những chàng sĩ quan đại đội thư sinh hôm ấy hy sinh một lần, cùng nhau, sau đó, trong một trận tập kích ác liệt của tàn quân Pôn Pốt vì chúng có nước lớn chống lưng và có sự an toàn trên đất Thái!

Biên viễn không là một cách nói hoa mỹ. Lần thứ tư tôi đi sang, năm thứ mười, cuộc chiến kết thúc, quân Việt Nam bàn giao an nguy lại cho chính người dân sở tại. Cảm xúc đặc sánh, quân về trùng điệp ngày đêm, như nước cuốn, như sóng trào, như mọi đội quân khải hoàn chiến thắng. Phía trước đã lá bóng dừa tha thướt dáng mẹ dáng chị, là Tịnh Biên, là đất đai Tổ quốc viết hoa. Nhưng các bạn trẻ của tôi, bao nhiêu người, bao nhiêu người chỉ có hương linh theo về, thân xác nằm lại ở miền biên viễn của đất lạ, xứ người?

Không dưng mà nhạc sĩ Lê Thương đột ngột xuất thần với ca khúc "Hòn vọng phu".

Lệnh vua hành quân, trống kêu dồn quan với quân lên đường. Đoàn ngựa xe cuối cùng, ngựa đuổi theo lối sông.

Phía cách quan sa trường, quan với quân lên đường. Hàng cờ theo trống dồn, ngoài sườn non cuối thôn, phất phơ ngậm ngùi bay.

Qua thiên san kìa ai tiễn rượu vừa tàn. Vui ca sang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn. Người đi ngoài vạn lý quan san. Người đứng chờ trong bóng cô đơn.

Bên man khê còn tung gió bụi mịt mùng. Bên yêu thương còn thương tiếc nơi ngàn trùng. Người không rời khỏi kiếp gian nan. Người biến thành tượng đá ôm con…

DẠ NGÂN (Kiến thức gia đình số 26)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/mien-bien-vien-post221066.html