Miền Bắc sẽ có đợt rét đậm, rét hại từ ngày 30/12

Từ chiều tối nay (29/12), bộ phận không khí lạnh rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng núi Bắc Bộ, tối và đêm nay sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Trung tâm Dự báo KTTV họp báo thông tin về đợt không khí lạnh và nhận định về mùa đông 2020-2021. (Ảnh: TL)

Trung tâm Dự báo KTTV họp báo thông tin về đợt không khí lạnh và nhận định về mùa đông 2020-2021. (Ảnh: TL)

Chiều ngày 29/11, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) họp báo thông tin về đợt không khí lạnh và nhận định về mùa đông 2020-2021.

Nhận định về đợt không (KKL) mạnh bắt đầu ảnh hưởng từ đêm 29/12, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Đợt KKL đang chuẩn bị ảnh hưởng nước ta có cường độ rất mạnh. Từ chiều tối nay (29/12), bộ phận không khí lạnh rất mạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng núi Bắc Bộ, tối và đêm nay sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Ngày mai (30/12) ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, sau đó ngày 31/12 KKL còn có tác động đến Tây Nguyên và Nam Bộ.

Đợt KKL không chỉ gây giảm nhiệt mạnh trên đất liền và gây ra đợt rét đậm, rét hại thứ 2 của mùa đông năm nay với nguy cơ cao xảy ra băng giá ở các vùng núi cao mà còn gây gió rất mạnh đất liền cũng trên các vùng biển nước ta, cụ thể:

Từ tối và đêm nay (29/12), gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền ở các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ cấp 5, vùng ven biển cấp 6, có nơi giật trên cấp 7.

Từ đêm nay (29/12) đến ngày 01/01/2021, ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) gió chuyển hướng đông bắc mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3,5-5,5m. Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5,0-7,0m.

Ngoài ra, ở phía Nam Biển Đông còn xuất hiện 01 vùng áp thấp, kết hợp với gió đông bắc mạnh sẽ gây mưa dông, gió giật cho vùng biển Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) trong 1-2 ngày tới.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV, từ ngày mai (30/12), ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm, rét hại (trọng tâm rét hại tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái) với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 6-9 độ, vùng núi 3-6 độ, vùng núi cao dưới 0 độ và có khả năng cao xảy ra băng giá và sương muối. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13-16 độ; các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên trời chuyển lạnh, có nơi chuyển rét. Từ ngày 31/12, ở Nam Bộ trời chuyển lạnh vào đêm và sáng sớm.

So sánh với đợt rét năm nay với đợt rét kỷ lục năm 2016, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, cả 2 đợt KKL đều có cường độ rất mạnh. Tuy nhiên năm 2016 KKL mạnh kết hợp với cả hệ thống gió tây mạnh ở 5000 m nên gây ra tình trạng rét ẩm, mưa tuyết xuất hiện nhiều nơi. Trong khi đó, đợt này chủ yếu là rét khô, ban đêm nhiệt độ xuống rất thấp, ban ngày có nắng nên cảm giác rét buốt không bằng năm 2016.

Tại cuộc họp các chuyên gia cũng cho rằng, trong tháng 1/2021, có khoảng 4-6 đợt KKL ảnh hưởng đến nước ta. Trong thời kỳ 20 ngày đầu tháng 01/2021 nền nhiệt độ ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng giảm thấp và khả năng xảy ra nhiều ngày rét đậm, rét hại hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đề phòng hiện tượng băng giá, mưa tuyết tại vùng núi cao.

Dự báo La Nina và tác động của La Nina sẽ trong nửa đầu năm 2021, theo nhận định của Trung tâm Dự báo KTTV: Hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến nửa đầu năm 2021, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào mùa hè năm 2021. Với xu thế đầu năm là chịu tác động của hiện tượng La Nina, nửa cuối năm có xu hướng quay trở lại trạng thái trung tính, nên khí hậu năm 2021 sẽ có khả năng: Các tháng đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với TBNN; nắng nóng trong các tháng mùa hè tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn bình thường và không gay gắt như năm 2020. Đồng thời, bão và ATNĐ có khả năng xuất hiện sớm trên khu vực Biển Đông (không ngoại trừ khả năng tháng 01/2021 vẫn có ATNĐ hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông), số lượng bão và ATNĐ năm 2021 trên khu vực Biển Đông, cũng như ảnh hưởng đến đất liền có xu hướng xấp xỉ hoặc ít hơn so với TBNN, có xu hướng ảnh hưởng đến đất liền tập trung nhiều trong các tháng cuối năm./.

Bích Liên

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/mien-bac-se-co-dot-ret-dam-ret-hai-tu-ngay-30-12-571977.html