Miền Bắc rét đậm, khô ráo hơn trong ngày mùng 2 Tết

Mùng 2 Tết, thời tiết Hà Nội khô ráo hơn nhưng nền nhiệt vẫn ở ngưỡng rét đậm. Trước đó, nhiều người dân miền Bắc đã trải qua ngày đầu năm Canh Tý trong mưa rét suốt cả ngày.

Mưa đá kéo dài từ ngày 30 đến mùng 1 Tết Mưa đá và giông lốc bất ngờ xuất hiện tại một số tỉnh miền Bắc do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hội tụ gió trên cao.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh hiện đã ảnh hưởng đến toàn bộ các tỉnh Đông Bắc Bộ. Trong ngày mùng 1 Tết, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ duy trì kiểu thời tiết mưa rào nhiều đợt, rét đậm với nền nhiệt thấp nhất ở ngưỡng 12-15 độ C.

Cơ quan khí tượng cho biết ảnh hưởng của hội tụ gió trên mực từ 3000 m đến 5000 m nên phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa trong đêm mùng 1 Tết. Hiện, mưa đã mở rộng ra khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế.

Trong ngày mùng 2 Tết, thời tiết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sẽ khô ráo hơn, chỉ còn mưa rào rải rác. Tuy nhiên, nền nhiệt vẫn duy trì ở ngưỡng rét đậm, cao nhất chỉ trong khoảng 14-17 độ C, thấp nhất 11-14 độ C.

 Người dân miền Bắc đã trải qua ngày 30 và mùng 1 Tết với thời tiết giá rét. Ảnh: Hồng Quang.

Người dân miền Bắc đã trải qua ngày 30 và mùng 1 Tết với thời tiết giá rét. Ảnh: Hồng Quang.

Tại Hà Nội, người dân có thể du xuân trong ngày mùng 2 Tết với tiết trời thuận lợi hơn so với mùng 1. Khu vực chủ yếu có mưa nhỏ vài nơi, không còn hiện tượng mưa rào kèm theo sấm chớp. Tuy nhiên, trời rét sâu hơn với ngưỡng nhiệt thấp nhất ở 13-15 độ C.

Trạng thái này cũng sẽ duy trì ở đồng bằng Bắc Bộ khi rãnh gió tây dần dịch chuyển sang phía đông, vùng hội tụ gió gây mưa suy yếu khiến mưa dông giảm dần trên toàn khu vực. Thời tiết miền Bắc trong những ngày tới bị chi phối chủ yếu bởi không khí lạnh, rét đậm nhưng không còn mưa nhiều.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, tại các khu vực núi cao, nền nhiệt có thể giảm sâu xuống ngưỡng 2-4 độ C, khả năng xuất hiện băng giá. Một số vùng trung du và miền núi vẫn cần đề phòng các hiện tượng cực đoan như giông lốc, mưa đá.

Nhiều khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ xuất hiện mưa đá trong 2 ngày qua. Ảnh: Fanpage Bắc Kạn.

Trước đó, người dân khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ đã trải qua ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết với kiểu thời tiết mưa dông, gió giật mạnh kèm theo sấm chớp. Nhiều nơi như Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa xảy ra hiện tượng mưa đá với tần suất dày.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa đá, dông lốc làm gần 12.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 141 ha hoa màu thiệt hại. Số liệu tập trung ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên.

Trong khi đó, ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao cũng gây mưa lớn cho các khu vực ở Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình. Lượng mưa trung bình lên đến 100-126 mm/ngày.

Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, nhanh chóng khắc phục, sửa chữa tạm thời để người dân ổn định đón Tết.

Sáng mùng 1 Tết (25/1), Đoàn công tác của Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn, đã trực tiếp tiếp lên Bắc Kạn để chỉ đạo công tác khắc phục, ổn định nơi ở cho người dân.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mien-bac-ret-dam-kho-rao-hon-trong-ngay-mung-2-tet-post1039794.html