Miền Bắc 'chật vật' với vụ đông 27.000 tỷ: Không phải con số hô hào

Bộ NNPTNT đặt mục tiêu giá trị vụ đông năm nay phải đạt từ 26.000-27.000 tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Trần Xuân Định (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định con số trên không phải là hô hào mà hoàn toàn có thể đạt được.

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Tình hình sản xuất vụ đông 2018 ở miền Bắc đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Cho đến thời điểm này ở miền Bắc, cây vụ đông ưa ấm cơ bản đã hết thời vụ gieo trồng, gồm các loại ngô, lạc, đậu tương, dưa, bầu bí, ớt và một số cây rau ăn lá hoặc củ.

Theo báo cáo tiến độ của các địa phương, diện tích cây vụ đông đã trồng được trên 240.000ha so với kế hoạch 405.000ha. Các địa phương sẽ phải gieo trồng khoảng 185.000ha cây ưa lạnh nữa. Trong đó, các cây khoai tây, bắp cải, su hào, củ cải… là chủ lực. Với lượng giống củ khoai tây được bảo quản trong các kho lạnh thì diện tích khoai tây ước khoảng trên dưới 20.000ha. Hiện thời vụ khoai tây đang bắt đầu và kết thúc vụ đông chính vào 15/11; vụ đông xuân sẽ kết thúc vào cuối tháng 12.

Nông dân xã Phong Phú, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) chăm sóc bắp cải vụ đông. Ảnh: H.Đ.H

Để thúc đẩy phát triển sản xuất vụ đông, nông dân thu lợi nhuận bền vững, Bộ NNPTNT đã đưa ra một số giải pháp: Tạo điều kiện dồn, đổi đất đai, cho thuê đất để doanh nghiệp dễ vào cuộc hơn, tổ chức sản xuất lớn hơn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật giống, phân bón, sản xuất an toàn…

Trong đó, doanh nghiệp sẽ là đầu tàu giúp nông dân sản xuất có kế hoạch và theo tín hiệu thị trường. Thúc đẩy phát triển sơ chế, chế biến sâu, đảm bảo sản phẩm sạch, đồng đều để xuất khẩu…

Các địa phương, đặc biệt các Sở NNPTNT đã xây dựng kế hoạch gieo trồng vụ đông từ khá sớm. Nhiều tỉnh đã có cơ chế chính sách hỗ trợ về giống, các tiến bộ mới trong canh tác… Công tác tuyên truyền, tập huấn cũng được hệ thống khuyến nông phối hợp triển khai từ đầu vụ.

Bộ NNPTNT cũng đã tổ chức hội nghị phát triển cây vụ đông tại Phú Thọ, với sự tham gia của các sở NNPTNT phía Bắc và các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, tiêu thụ…. Như vậy, vụ đông vẫn được xem là một vụ quan trọng, vụ làm giàu cho nông dân ở nhiều vùng.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị, tuy nhiên nhiều nơi người dân vẫn kêu vụ đông khó làm ăn. Ông nhận định thế nào?

- Những khó khăn trong việc phát triển vụ đông cũng đã được thảo luận nhiều, với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu khiến mỗi năm khó khăn như dày thêm.

Thứ nhất, sự dịch chuyển tất yếu của lao động trong nông nghiệp. Hiện ở nhiều tỉnh, lực lượng lao động nông nghiệp chỉ còn hơn 10%, mà lại toàn là người già, phụ nữ, điều đó khiến giá công lao động tăng cao. Nếu làm vụ đông mà phải thuê, diện tích nhỏ, lỗ là cái chắc.

Thứ hai, tiến độ thu hoạch lúa mùa sớm bị chậm lại do ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp như bão số 4, số 5, trong khi thời vụ là yếu tố quyết định thắng lợi của nhóm cây này. Đã vậy sau khi trồng, một số nhóm cây họ dưa bí chuẩn bị ra hoa lại gặp các đợt mưa lớn cục bộ, ngập cả luống khiến cây trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”, tốn kém thêm chi phí bơm rút nước, chăm sóc để phục hồi, không ít hộ bị mất trắng.

Thứ ba, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Nhóm cây có bao tiêu và sự vào cuộc của các doanh nghiệp như bí xanh, bí đỏ, ớt, dưa chuột bao tử, dưa chuột muối, rau ăn củ… thì không lo; nhóm cây rau màu khác không có doanh nghiệp bao tiêu thì rủi ro, được mùa mất giá là chuyện thường tình. Trong nhóm cây ưa ấm, diện tích ngô bị giảm nhanh do giá thành sản xuất không thể cạnh tranh được với ngô nhập khẩu. Chỉ còn ngô ăn tươi hoặc chế biến như ngô nếp, ngô ngọt là phát triển và gia tăng diện tích.

Thứ tư, nhiều năm nay Nhà nước cũng không có chính sách lớn nào hỗ trợ cho phát triển cây vụ đông, các chính sách chủ yếu nhỏ lẻ và do tỉnh hỗ trợ. Thứ năm, cơ giới hóa, chế biến sâu và tổ chức sản xuất theo chuỗi vẫn còn nhiều hạn chế. Những lý do này khiến vụ đông chững lại và đi xuống về diện tích, và thực tế đánh giá của chúng tôi, khoảng 4-5 năm trở lại đây diện tích cây vụ đông giảm dần theo từng năm.

Nhờ trồng dưa bao tử trong vụ đông, gia đình bà Nguyễn Thị Tạo ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, Hà Nam thu lãi hơn 10 triệu đồng với 2 sào đất, cao gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa. Ảnh: I.T

Khó khăn nhiều như thế, tại sao Bộ NNPTNT vẫn đề ra mục tiêu đạt giá trị tới 26.000 - 27.000 tỷ đồng?

- Chỉ tiêu phấn đấu về giá trị như vậy hoàn toàn có cơ sở. Ở trên tôi đã nói đến những khó khăn, rào cản, tuy nhiên miền Bắc nước ta có một lợi thế lớn ở vụ đông mà ít quốc gia nào có được: Nền nhiệt, chủng loại cây trồng phong phú đa dạng, có cơ hội mở rộng thị trường, chất lượng rau được đánh giá tốt, trong khi nhiều quốc gia phía Bắc không thể trồng được rau bởi mùa đông tuyết phủ.

Nếu kết nối được, tổ chức sản xuất bài bản, có doanh nghiệp tham gia vào xuất tươi hoặc sơ chế tốt thì giá trị tăng lên rất nhiều. Thực tế năm 2017, giá trị cây vụ đông cũng gần đạt chỉ tiêu này.

Nhìn thực tế ngoài đồng ruộng thì diện tích vụ đông giảm, nhưng sự thay đổi chính là ở công nghệ. Nếu làm nhà kính, nhà màng thì 1 vụ sẽ bằng 6-7 vụ sản xuất thông thường. 1ha trồng dưa lưới, cà chua công nghệ cao có thể cho thu nhập 600-700 triệu đồng, cao hơn cả chục lần, thậm chí hàng chục lần so với trồng ngoài trời.

Thêm nữa, tiến bộ về giống đã cho chúng ta những giống củ cải năng suất tới 60-70 tấn/ha chỉ sau trồng 45-50 ngày, quay vòng rất nhanh, một vụ đông có thể trồng 2-3 lứa; hay như su hào, bắp cải giờ cũng có giống ưa ấm, chịu nhiệt, có giống chịu lạnh. Nếu 10-15 năm trước su hào, bắp cải gần 3 tháng mới thu hoạch, giờ chỉ 55 ngày là đã cắt bán được rồi.

Nhìn ngoài đồng ruộng, nhiều người sẽ kêu chả thấy vụ đông đâu, vậy mà sao cứ thu hoạch rộ là dư luận lại than giá rau rẻ mạt, nông dân thua lỗ… Vậy thì sản lượng phải tăng và tăng kinh khủng chứ? Người tiêu dùng bây giờ ăn cơm giảm, ăn nhiều rau xanh có nghĩa là tiêu dùng rau củ quả, trứng sữa tăng; dân số tăng, như vậy sản lượng không tăng thì lấy đâu mà thừa, xuống giá?

Hàng năm, hàng vụ vẫn còn tình trạng cung vượt cầu ở một thời điểm, nhất là cuối vụ khi thu rộ để giải phóng đất cấy lúa xuân, giá một vài loại rau, củ giảm nhanh cũng là chuyện thường tình và cơ chế thị trường thì phải chấp nhận. Nhưng nếu có chế biến sâu hoặc hệ thống kho lạnh, kho mát bảo quản thì chắc chắn tình trạng này sẽ ít đi.

Xin cảm ơn ông!

Minh Huệ (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/mien-bac-chat-vat-voi-vu-dong-27000-ty-khong-phai-con-so-ho-hao-927045.html