Mía phơi đầy đồng, nông dân lo lắng

Hàng ngàn héc ta mía trên địa huyện Ea Súp (Đắk Lắk) đang phơi nắng khô héo khiến cho người nông dân hoang mang, lo lắng. Cho rằng nhà máy cố tình thu mua chậm, hàng trăm hộ dân đã tự ý thu hoạch, thuê xe chở vào nhà máy làm cho lượng mía tồn ứ ngày càng nhiều khiến hai bên đều gặp khó.

Một số diện tích mía đã chặt nằm phơi đồng gần 20 ngày vẫn chưa được chở về nhà máy.

Sau khi khảo sát và đưa cây mía vào vùng đất Ea Súp trồng cho năng suất, sản lượng tốt, Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk đã di dời nhà máy về xã Ia Tờ Mốt, huyện Ea Súp để xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Việc có một nhà máy mía đường ngay giữa vùng đất khó là tín hiệu vui cho cả người dân và chính quyền địa phương. Thế nhưng, ngay vụ mía đầu tiên giữa nhà máy và người dân không tìm ra tiếng nói chung khiến cho sự việc trở nên căng thẳng.

Là hộ dân có 35 ha mía, nhưng đến nay mới chỉ được nhà máy thu mua 1/3 diện tích, ông Đinh Hữu Bảy, thôn 9, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp bức xúc: “Vụ mía năm 2016, gia đình tôi được nhà máy thu mua nhanh nên chỉ sau một thời gian là hàng chục héc ta mía đã thu mua xong trước Tết. Thế mà sang vụ mía này, gia đình tôi mới chỉ được nhà máy thu mua chưa được 10 héc ta. Nhiều diện tích mía đã chặt nay nằm phơi nắng gần 20 ngày vẫn không có xe chở, trong khi mía đã khô héo và nay sắp thành củi khô. Chúng tôi đã kiến nghị lên nhà máy nhưng họ bảo người dân phải tuân thủ theo lịch chặt do công ty ký duyệt thì mới cho nhập mía”.

So với nhiều hộ dân thì ông Bảy vẫn còn may mắn hơn vì đã chặt được gần 10 ha mía nhập cho nhà máy. Còn gia đình anh Nguyễn Công Lý, đến nay 15 ha mía vẫn chưa nhập được cho nhà máy cây nào.

Trao đổi, ông Nguyễn Bảo Lộc – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk cho biết: Thời gian thu hoạch cây mía bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, phía Công ty sẽ tiến hành thu mua đến tháng 5/2018 mới kết thúc, đồng thời khẳng định Công ty sẽ thu mua mía đảm bảo tiêu chuẩn với giá 800.000 đồng/tấn mía.

Đối với diện tích mía bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan Công ty sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp theo quy định.

Cũng theo ông Lộc, đây là vụ ép đầu tiên của nhà máy, do công ty mới di dời nhà máy về đây nên thời vụ có chậm hơn tiến độ thu mua năm trước.

Thêm đó, hiện nay công ty quy hoạch vùng mía nguyên liệu 5.100 ha; trong khi năm trước toàn vùng Ia Tờ Mốt mới chỉ có 1.200 ha mía, năm nay số diện tích mía trồng mới đã tăng lên gần 4.000 ha. Vì vậy, việc thu mua của nhà máy không thể nhanh như các năm trước.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Súp cho biết, theo báo cáo của công ty, hiện toàn huyện còn gần 1.800 ha mía chưa được thu mua, sở dĩ tiến độ thu mua mía chậm so với các niên vụ trước là do công suất của Công ty chỉ đạt 2.300 tấn/ngày đêm, trong khi đó toàn huyện Ea Súp có sản lượng mía đạt 32.000 tấn.

Theo tính toán, với sản lượng trên so với công suất hoạt động của Công ty cổ phần mía đường Đắk Lắk phải cần 4 tháng mới có thể thu mua hết diện tích mía tại huyện Ea Súp. Hiện công ty đang thực hiện việc thu mua mía của bà con theo hợp đồng đã ký kết.

Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/mia-phoi-day-dong-nong-dan-lo-lang-tintuc399481