Mía đường chật vật tìm chỗ đứng trên... sân nhà

Tìm vị thế cạnh tranh ngay trên chính sân nhà chưa bao giờ trở nên khó như vậy với ngành mía đường khi giá thành sản xuất trong nước cao, lượng đường tồn kho lên đến 300.000 tấn(1), hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.

Trong khi đó, chỉ còn sáu tháng nữa, đường từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu với thuế suất chỉ 5% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

 Ngành mía đường trong nước muốn tồn tại buộc phải giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh. Trong ảnh là nông dân Hậu Giang đang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh

Ngành mía đường trong nước muốn tồn tại buộc phải giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh. Trong ảnh là nông dân Hậu Giang đang thu hoạch mía. Ảnh: Trung Chánh

Đóng cửa nhà máy

Gần đây, khi nói đến ngành mía đường, tâm điểm của sự chú ý là việc tập đoàn Thành Thành Công (TTC) ngưng hoạt động nhiều nhà máy. Đó là các nhà máy đường TTC Biên Hòa-Tây Ninh, TTC Biên Hòa-Trị An, TTC Biên Hòa-Phan Rang.

Lý giải với báo chí, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn TTC, nói rằng việc đóng cửa các nhà máy đường này nhằm thực hiện tái cơ cấu sản xuất. TTC chỉ giữ lại Nhà máy Đường Nước Trong, nhưng chuyển từ sản xuất đường tinh luyện sang đường hữu cơ (organic). Đây không phải là quyết định mang tính tình huống, mà là sự dịch chuyển về chiến lược đã được tính toán trong ba năm qua.

Tuy nhiên, việc ông Đặng Văn Thành công bố các quyết định nêu trên trong bối cảnh khu vực sản xuất, chế biến và kinh doanh của ngành mía đường gặp nhiều bất lợi đã không tránh khỏi hoài nghi rằng hành động này xuất phát từ thực tế khó khăn của doanh nghiệp.

Trao đổi với TBKTSG, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ đồng thời là cố vấn Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công thuộc TTC, cho biết việc đóng cửa các nhà máy đường là tình hình chung của ngành đường thế giới. “Ví dụ, Đài Loan có 42 nhà máy đường thì họ đóng cửa 39, chỉ còn duy trì ba nhà máy dùng để tinh chế đường thô nhập khẩu sử dụng trong nước”, ông Xuân dẫn chứng. Việt Nam cũng phải chuyển mình theo xu hướng chung của thế giới. Việc đóng cửa các nhà máy của TTC, theo ông, nhằm mục đích giảm chi phí, hạ giá thành, giúp cạnh tranh với đường nhập khẩu.

Ông Phạm Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), nói đơn vị này cũng không thoát khỏi tình hình khó khăn chung của ngành đường. “Năm nay, chúng tôi đánh giá vùng nguyên liệu mía sẽ sụt giảm nên đang tính lại bài toán sản xuất”, ông nói và cho biết có thể sẽ đóng cửa một nhà máy kém hiệu quả để duy trì hoạt động tốt hơn giống như TTC.

Theo ông Vinh, việc rút bớt một nhà máy sẽ giúp CASUCO có đủ nguyên liệu cho nhà máy còn lại hoạt động hết công suất, đồng thời làm giảm chi phí quản lý, tiền lương. “Ví dụ, có 500.000-600.000 tấn mía mà hai nhà máy cùng ép, thì phải chia đều mỗi nhà máy khoảng 300.000 tấn. Nhưng nếu dừng một nhà máy thì lượng mía này tập trung vẫn đủ cho nhà máy còn lại, giúp giảm 50% chi phí quản lý, hạ giá thành”, ông dẫn chứng.

Đường trong nước thất thế

Chưa giải quyết được hết những khó khăn của mình thì trong sáu tháng nữa ngành đường lại tiếp tục phải đối mặt với thử thách mới khi việc bảo hộ thông qua hạn ngạch nhập khẩu trong ATIGA sẽ kết thúc, đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ chỉ chịu thuế suất nhập khẩu 5%.

Trao đổi với TBKTSG, một chuyên gia từng là lãnh đạo ngành mía đường Việt Nam cho biết, đối với ATIGA, lẽ ra việc quản lý hạn ngạch nhập khẩu bị xóa bỏ từ cuối năm 2018. Thế nhưng, sau khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có kiến nghị kéo dài thì Chính phủ cho phép quản lý hạn ngạch đến hết năm 2019.

Lúc này, đường từ Thái Lan - quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới hiện nay, sau Brazil - sẽ “tự do” vào Việt Nam. Theo GS. Võ Tòng Xuân, đường Thái Lan chỉ có giá 8.000 đồng/ki lô gam, trong khi đó, đường trong nước vừa xuất xưởng đã lên đến 12.500 đồng/ki lô gam. Như vậy, dù đường Thái Lan vào Việt Nam đóng thêm 5% thuế thì việc chiếm ưu thế so với đường trong nước là điều hiển nhiên.

Trong bối cảnh nêu trên, không còn cách nào khác, ngành mía đường trong nước muốn tồn tại buộc phải giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh. Đây là câu chuyện đã được đề cập hàng chục năm qua, nhưng vẫn chưa thể giải quyết.

Bài toán khó cho ngành đường

Tại sao đường của Việt Nam có giá cao như thế? Theo GS. Võ Tòng Xuân, có ba nguyên nhân.

Thứ nhất, về kỹ thuật trồng trọt, một tấn mía của Brazil có giá thành chỉ 16 đô la Mỹ; của Úc là 18-20 đô la Mỹ; của Thái Lan là 30 đô la Mỹ; trong khi của Việt Nam lên tới 50 đô la Mỹ. “Riêng vấn đề nguyên liệu, giá của mình đã gấp 3 lần so với của Brazil, gấp 1,5 lần so với của Thái Lan rồi”, ông nói.

Thứ hai, về thiết bị chế biến, hiệu suất còn hạn chế, sản lượng đường sản xuất ra thấp hơn so với các nước.

Thứ ba, đa số các nhà máy đường của Việt Nam đã tư nhân hóa. “Cổ đông của doanh nghiệp muốn có lời nhiều, đưa giá đường ra thị trường lên rất cao”, ông giải thích.

Dù đã nhìn thấy và biết rõ nguyên nhân dẫn đến giá thành cao, nhưng có những vấn đề mà ngành đường chưa thể tìm ra phương án giải quyết. Theo dẫn chứng của ông Xuân, với Brazil, một ruộng mía ở quốc gia này rộng hàng ngàn héc ta, trong khi tại Việt Nam, một ruộng mía chỉ khoảng 2 héc ta, thậm chí chỉ vài công (vài ngàn mét vuông). “Làm sao đưa cơ giới hóa vào để sản xuất được. Giá thành mía cao là đương nhiên”, ông Xuân nói.

Để giảm giá thành, theo ông Xuân, khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải tạo được những cánh đồng quy mô lớn (100 héc ta, thậm chí vài ngàn héc ta) thông qua thực hiện dồn điền đổi thửa để cơ giới hóa. “Như vậy, mới mong giảm được chi phí còn 50% so với hiện nay”, ông khẳng định.

Đồng quan điểm, vị chuyên gia từng là lãnh đạo ngành mía đường nêu ở phần trên cho rằng ngoại trừ vùng đồng bằng sông Cửu Long có đất đai bằng phẳng, còn đối với khu vực miền Trung và phía Bắc, mía được trồng ở vùng đồi núi hoặc nơi có dộ dốc lớn nên hoàn toàn không thể áp dụng cơ giới hóa. “Đó là thực trạng mà chúng ta không thể thay đổi được”, vị này nói.

Theo dẫn chứng của vị này, chỉ riêng công lao động, công đoạn đốn chặt đã tốn 220.000 đồng/tấn nên khó có thể cạnh tranh. “Đó chỉ mới là công đoạn chặt thôi, còn trồng trọt, rồi chăm sóc nữa”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Vinh ở CASUCO đề nghị Chính phủ cần thực thi các chính sách kiểm soát được đường nhập lậu để thị trường có sự cạnh tranh sòng phẳng, công bằng.

Về phía doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng bắt buộc phải tái cấu trúc. “Doanh nghiệp phải đầu tư trực tiếp cho nông dân về giống, phân để giảm chi phí trung gian không cần thiết hoặc tổn thất sau thu hoạch”, ông nhấn mạnh, “Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì mới cạnh tranh được trong hoàn cảnh hội nhập hiện nay”.

(1) Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến tháng 5-2019.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290564/mia-duong-chat-vat-tim-cho-dung-tren-san-nha-.html