Mì Quảng lên... hương

Từ một món ăn dân dã, mì Quảng được xác lập kỷ lục châu Á và đang chờ đợi sẽ 'trình diễn' ngay tại quê nhà với lễ công bố xác lập kỷ lục vào dịp festival di sản cuối tháng 6.

Từ một món ăn dân dã, mì Quảng được xác lập kỷ lục châu Á và đang chờ đợi sẽ “trình diễn” ngay tại quê nhà với lễ công bố xác lập kỷ lục vào dịp festival di sản cuối tháng 6.

Đoạn clip dài 9 phút 15 (có phụ đề tiếng Anh) giới thiệu khái quát quy trình chế biến và giá trị văn hóa của mì Quảng là một phần quan trọng trong bộ hồ sơ để Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, sau đó là Tổ chức Kỷ lục châu Á, công nhận. Tin vui từ Faridabad (Ấn Độ) ngày 30.8.2012 đã đưa món ăn dân dã này lên hàng “di sản” cần phát huy giá trị, sau khi được Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị ẩm thực châu Á”. Ngay từ đầu năm 2013, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đặt mục tiêu quảng bá mì Quảng vào dịp festival di sản (khai mạc ngày 22.6 tới).

Món mì Quảng dân dã giờ càng thêm phổ biến - Ảnh: T.D

Chỉ có ở Việt Nam

Để được công nhận, ngành VH-TT-DL Quảng Nam đã phải chuẩn bị chu đáo “hồ sơ mì Quảng” gồm phim giới thiệu, hình ảnh, bài viết giới thiệu món ăn, nghệ nhân nấu mì..., khởi động từ năm ngoái. Đến tháng 6.2012, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam lần đầu tiên gửi hồ sơ đề cử 15 món ăn nổi tiếng Việt Nam đến Trung tâm Kỷ lục châu Á, trong đó có mì Quảng. Khi ấy, so sánh đối chiếu 57 quốc gia trong khu vực châu Á, mì Quảng được đánh giá là món chỉ có ở Việt Nam và là đặc sản Quảng Nam.

Kể từ khi mì Quảng xác lập giá trị, món ăn đứng đầu thế giới về tính đại chúng - như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết trong Người Quảng đi ăn mì Quảng - này được quan tâm và đối chiếu khắt khe hơn dưới nhiều góc độ. Quy trình sẵn có về cách tráng mì, làm nước nhưn, sử dụng gia vị, cách trình bày tô mì cho bắt mắt, kể cả việc chuẩn bị phụ liệu (dầu phụng, đậu phụng rang, bánh tráng, ớt xanh…) bây giờ được “công thức hóa”, khi mang ra giới thiệu rộng rãi. Tuy nhiên, thật không dễ tìm được “tiếng nói chung” cho tô mì, bởi ở mỗi nơi nổi tiếng về mì như Phú Chiêm - Điện Bàn, Kỳ Lý - Phú Ninh, Tam Anh - Núi Thành… hay cả những tô mì theo chân người Quảng tha hương đều có sở đắc riêng trong chế biến.

Tô mì... 600 người ăn

Tại Quảng Nam ngay trước thềm festival di sản lần thứ 5, sự kiện được chờ đợi nhất liên quan đến mì Quảng không phải là những “công thức” nêu trong hồ sơ, mà chính là dịp ra mắt của… tô mì Phú Chiêm kỷ lục tại Khu bảo tàng nhà Việt Nam thuộc Công ty CP nhà Việt Nam (Vinahouse) ở H.Điện Bàn. Tô mì “khủng” phục vụ cho 600 người ăn nên cần chuẩn bị khối lượng nguyên liệu đặc biệt: 105 kg mì Quảng; nước nhưn (nhân) gồm 18 kg thịt ba chỉ, 25 kg tôm đất, 5 kg cua đồng; rau sống do làng rau Trà Quế - Hội An cung ứng.

Mô phỏng hình dáng theo mẫu tô mì cổ của làng Phú Chiêm, tô mì có đường kính 3,6 m, cao 1,5 m. Đĩa rau sống đi kèm cũng có kính cỡ tương ứng (4,1 m và 0,6 m), trong khi đôi đũa gỗ mun dài 1,8 m. Ông Lê Văn Vĩnh - Giám đốc Vinahouse, cho hay đơn vị đang tập trung nhân lực để hoàn thành đúng tiến độ, khoảng ngày 16.6 sẽ hoàn tất.

Hứa Xuyên Huỳnh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/mi-quang-len-huong-368890.html