Mì Chũ Xuân Trường Món quà quê trong lòng người tiêu dùng Việt

Nhắc đến đặc sản của tỉnh Bắc Giang người ta nghĩ ngay tới Mì Chũ. Với người dân nơi đây, Mì Chũ là niềm tự hào, món ăn thôn quê này đã trở nên phổ biến trong bữa ăn gia đình cũng như trong các nhà hàng cao cấp. Mì Chũ Xuân Trường cũng đóng góp vào thương hiệu của quê nhà.

Bắc Giang nổi tiếng với nhiều sản vật nhưng thứ quà quê đầu tiên màngười Bắc Giang nghĩ đến để tặng bạn trước lúc ra về sẽ là Mì Chũ. Với nhiều người khi đến Bắc Giang, quà mà họ dự định mua về cho bạn bè, người thân cũng vẫn là Mì Chũ.

Mì Chũ là một món ăn không còn quá xa lạ, nhưng để làm ra những sợi mỳ nức tiếng ấy là cả một quá trình công phu. Anh Phạm Xuân Trường, Chủ nhiệm HTX Mì Chũ Xuân Trường (thôn Thủ Dương, xã Nam Dương) - cho biết: Mì gạo Chũ được làm ra bởi gạo bao thai hồng, đây là loại gạo được trồng ở vùng đất đồi Lục Ngạn nên hạt gạo rất chắc, to, khi nấu lên rất thơm. Có lẽ chính vì thế mà Mì Chũ lại có một hương vị rất riêng, đậm đà khó quên.

Để có được sợi mỳ mỏng manh và dẻo dai như lá lúa, người làm mỳ phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức. Gạo đem về nhặt, đãi, vo sạch, cho vào lu (một loại dụng cụ chứa được làm bằng đất nung) ngâm chừng sáu đến tám tiếng. Tiếp đến, gạo được xay ra thành bột bằng cối đá xanh để có được thứ bột deo dẻo, sanh sánh. Bột ấy được đem ra lọc đi lọc lại nhiều lần rồi ủ qua một đêm. Từ tờ mờ sáng, người làm nghề đã phải dậy sớm đem bột ra tráng thành bánh để kịp phơi cho được nắng. Một mẻ bánh thường có ít nhất ba người chung tay chung sức, mỗi người thạo một khâu riêng, người tráng bánh lo cho bánh chín đúng độ, người cắt bánh lo cắt sao cho đều, người đem phơi, đem ủ và thái thành những sợi mì đều đặn… Ngay cả việc cuộn và bó sao cho các sợi mì sóng đều, mượt và có hoa văn đẹp như búi tóc của người thiếu nữ cũng là cả một nghệ thuật mà không phải người làm mì nào cũng thực hiện được.

Để tiêu thụ sản phẩm Mì Chũ, tại đây nhiều HTX đã được thành lập. HTX Mì Chũ Xuân Trường ra đời cũng vì lẽ đó. Tháng 6/2009, HXT Mì Chũ Xuân Trường được thành lập với 7 xã viên. Đến nay, HTX mì chũ Xuân Trường đã có 30 xã viên (30 hộ sản xuất); 11 nhà phân phối, mỗi năm tiêu thụ 500-600tấn mì. Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Hài Hòa,địa chỉ No-8.15 khu tái định cư Thạch Bàn P.Thạch Bàn,Q.Long Biên. TP. Hà Nội là một trong những đơn vị phân phối sản phẩm. Trên bao bì có lô gô và đầy đủ thông tin như: tên sản phẩm, thành phần, trọng lượng, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất của HTX Mì Chũ Xuân Trường.

Từ nhiều năm nay, sản phẩm của HTX Mì Chũ Xuân Trường đã có mặt ở các siêu thị trong nước,hệ thống bán lẻ vinmax,vincommerce,bigC,chợ đầu mối đồng xuân,chuỗi thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, mì chũ thương hiệu Xuân Trường còn được nhiều thương nhân xuất sang Trung Quốc,Nga,Hàn Quốc,Hông kong, qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai… Theo con đường xuất khẩu tiểu ngạch, mỗi tháng HTX Mì Chũ Xuân Trường tiêu thụ hàng chục tấn mì.

Anh Phạm Xuân Trường cho hay, cùng với việc phát triển thị trường, HTX đã vay vốn ngân hàng, vốn hỗ trợ của các tổ chức, đầu tư hàng trăm triệu đồng cho xây dựng thương hiệu, đưa máy móc vào các công đoạn sản xuất.Từ khi thay thế bằng lò hơi cải tiến, sản lượng tiêu thụ tăng, đời sống của người làm mì cũng không ngừng được cải thiện và ổn định hơn.

Sự hòa quyện của gạo quê và nguồn nước trong lành từ vùng núi đồi sông Lục, cùng đôi tay người nông dân HTX Xuân Trường đã mang lại hương vị đặc trưng độ giòn, dẻo dai và thơm ngon cho Mì Chũ. Đặc điểm nổi trội nhất của Mì Chũ là nếu chưa kịp ăn ngay khi để nguôịvẫn không bị nát mà vẫn giữ được hương vị riêng. Bởi vậy, đặc sản Mì Chũ Xuân Trường ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, nức tiếng gần xa.

Phương Thúy

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/mi-chu-xuan-truong-mon-qua-que-trong-long-nguoi-tieu-dung-viet-20181024094852126p40c406.htm