Mì cao lầu, bún riêu vào top món ngon nhất châu Á: Đã đến lúc níu giữ du khách bằng ẩm thực

Mì cao lầu và bún riêu là hai món ăn dân dã của Việt Nam vừa được bình chọn vào top món ngon nhất châu Á. Cách đây không lâu, trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sĩ, Singapore, Pháp... xuất hiện những hình ảnh hoạt họa sinh động để tôn vinh bánh mì Việt Nam. Như vậy, trong thời gian không lâu, ba món ăn của Việt Nam được thế giới vinh danh. Điều này khẳng định rằng, ẩm thực Việt Nam tự thân đã có những giá trị nhất định về chất lượng, kiểu dáng, và sâu xa là cả nét đẹp văn hóa dân tộc.

Mì cao lầu. Ảnh internet

Mì cao lầu. Ảnh internet

Mì cao lầu, bún riêu được vinh danh

Bún riêu, cái tên không còn xa lạ với nhiều người, còn mì cao lầu có lẽ là cái tên không phải ai cũng từng nghe đến. Bún riêu, hầu như ai, ở bất kỳ đâu trên đất nước Việt Nam đều đã được ăn, còn món cao lầu, chưa thể phổ biến như bún riêu, bán dọc dài miền đất nước, nên không phải ai cũng thưởng thức được. Tuy vậy, món cao lầu lại được người nước ngoài chú ý bởi độ ngon và cách làm rất Việt Nam. Bún riêu và mì cao lầu vừa lọt top món mì ngon nhất châu Á, càng khẳng định hơn nữa vị thế ẩm thực Việt Nam trên thế giới.

Quy trình để có một tô bún riêu ngon không phải đơn giản, mọi công đoạn đều phải có sự khéo léo và kỳ công của người chế biến. Cũng như các món bún khác, nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên món bún riêu đó là bún. Sợi bún được coi là ngon và đảm bảo là sợi bún có màu trắng hơi đục. Nhiều người cho rằng, bún trắng quá là đã qua hàn the hoặc các chất tẩy rửa khác.

Loại bún đảm bảo sức khỏe là loại bún thơm mùi gạo, dễ chịu, ngược lại loại bún không đảm bảo là loại bún có mùi hơi chua, lâu thiu. Hàn the là loại chất độc, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ gây ngộ độc cấp, tổn hại đến nhiều bộ phận trong cơ thể. Hệ quả lâu dài khi ăn phải nhiều hàn the là gây bệnh ung thư. Vì vậy, việc mua bún để làm bún riêu nên được cẩn trọng, đến địa điểm uy tín.

Bún riêu có nhiều loại: bún riêu ốc, bún riêu cua, bún riêu cua đồng, bún riêu cua đồng giò heo, bún riêu cua thịt bò... Mỗi loại bún riêu đều mang đến cho thực khách một vị riêng. Điều đặc biệt ở bún riêu là nước dùng có vị chua thanh. Bún riêu ở miền Nam cũng khác bún riêu miền Bắc. Tuy vậy, cách làm cũng không khác mấy, độ ngon tùy thuộc vào tay nghề mỗi người. Thường thì thực khách hay bắt gặp bún riêu cua được bán ở các quán.

Bùn riêu cua được kết hợp từ nước hầm xương, riêu cua được ép tảng dày, huyết, trứng cút, thịt xay, đậu chiên giòn... Để có tô bún riêu cua ngon không thể thiếu mùi tàu, hành khô, hành lá. Và thú vị hơn, nếu ai đó ăn được mắm tôm thì cho vào, tô bún riêu cua sẽ đậm vị và ngon hơn.

Mì cao lầu, trong lần vinh danh này, trên chuyên trang du lịch CNN Travel chủ yếu nói về món mì cao lầu ở Hội An. Bài viết cho biết, nước dùng để làm cho món mì cao lầu ngon hơn được lấy từ giếng cổ ở Hội An, được gọi là Giếng Bá Lễ. Sợi mì cao lầu sau khi được cắt lát mỏng từ bột nhão được hấp có màu vàng nhạt hấp dẫn.

Món mì cao lầu được coi là món ăn tiêu biểu và là niềm tự hào của người dân Hội An. Theo một số tài liệu, mì cao lầu xuất hiện ở Hội An vào thế kỷ 17, đó là loại món ăn trộn, không phải xuất phát từ Trung Quốc, có thể là do sự tự sinh sau khi có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa trên đất Hội An bấy giờ. Tên cao lầu nghe như xuất phát từ tiếng Trung Quốc, và được giải thích do các quán bán món này thường để thực khách “lên lầu” ăn, nên gọi là cao lầu.

Để làm món mì cao lầu, cần phải có mì giòn dẻo khô, da heo, tóp mỡ, thịt xíu từ đùi heo nạc, nước xíu, đậu phộng rang giã nhỏ, nước sốt, nước mắm, giá trụng, các thứ rau... Như vậy, để có một tô mì cao lầu thật không đơn giản. Nghe nói, để có sợi mì cao lầu Hội An chuẩn ngon, người ta phải dùng loại tro nấu từ Cù Lao Chàm ngâm gạo.

Nhìn nhận cả hai món bún riêu và mì cao lầu, ta đều thấy được bản sắc văn hóa của người Việt Nam. Đó là những nguyên liệu gắn với lao động sản xuất, đó là cách làm tỉ mỉ, kỳ công, chịu khó, kiên nhẫn, và hơn hết, đó là sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu và gia vị, cho thấy được sự dung hòa của người Việt đối với xung quanh.

Nên níu giữ du khách bằng ẩm thực

Ngày 24/3/2020, trên giao diện trang chủ Google tại hơn 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sĩ, Singapore, Pháp... xuất hiện những hình ảnh hoạt họa sinh động để tôn vinh bánh mì Việt Nam. Trước đó, bánh mì Việt Nam ở vị trí thứ hai trong danh sách “10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới”, đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố của tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler năm 2013; lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của tạp chí Huffington Post năm 2014; lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới theo chuyên trang du lịch Traveller năm 2017...

Bún riêu. Ảnh internet

Và bây giờ, sau đó ba tháng, hai món ăn phổ biến khác của Việt Nam là bún riêu và mì cao lầu lại được vinh danh. Điều đó khẳng định rằng, ẩm thực Việt Nam đang được thực khách quốc tế quan tâm. Cách làm dù có kỳ công, nhưng các nguyên liệu, gia vị đều có sẵn, không khó tìm. Từ đó để thấy, món ăn được vinh danh không phải món “cao lương mỹ vị”, đắt đỏ gì, mà là món tưởng chừng như ai cũng có thể làm được.

Việt Nam là đất nước có nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử. Những năm gần đây, du khách quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, bởi sự yên bình, con người thân thiện, và nhất là cảnh đẹp. Ở ba miền Bắc, Trung, Nam đều có những địa danh mà ai mới đọc xem qua đều muốn đến. Du khách chắc chắn sẽ mê biển Phan Thiết, mê Động Phong Nha Kẻ Bàng, mê sông nước miền Tây, mê Tam Cốc Bích Động, mê Sầm Sơn, mê Đà Lạt, mê Sa Pa... Ở những nơi này luôn có những phong cảnh khiến ai đến đều muốn quay trở lại.

Nhưng dù gì, ở bất cứ đâu dù có đẹp mấy thì du khách đến một hai lần rồi cũng chán, sau khi đã thấy, đã khám phá ra hết những vẻ đẹp thiên nhiên. Chỉ có tình cảm con người mới níu giữ được chân du khách lâu dài. Nhưng bên cạnh đó, ẩm thực cũng là thứ mà chúng ta nên biết sử dụng để nhắc nhớ du khách quay trở lại nhiều hơn.

Chắc ai rành ăn đều thuộc câu “món ngon nhớ lâu”, đúng vậy, khi ta biết một quán ăn ngon, chắc chắn chúng ta sẽ quay lại nhiều lần, dù không thường xuyên, nhưng chúng ta sẽ quay lại nhiều lần để thưởng thức. Cũng vì thế, ở một địa danh du lịch trên đất nước ta, nếu biết kết hợp cả phong cảnh và ẩm thực, thì việc níu chân du khách ở lại và quay lại là điều nên làm, và tin rằng, việc làm này sẽ giúp ích cho du lịch ở địa phương đó, cũng giúp ích cho ngành du lịch Việt Nam.

Nhân việc bánh mì, bún riêu và mì cao lầu được thế giới vinh danh, có lẽ, chúng ta nên biết phát huy những giá trị mà cha ông đã để lại. Đó mới là những thứ khác biệt tạo nên một Việt Nam, khiến bạn bè năm châu nhớ đến, và vinh danh.

Vũ Đoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mi-cao-lau-bun-rieu-vao-top-mon-ngon-nhat-chau-a-da-den-luc-niu-giu-du-khach-bang-am-thuc-77828