Metro TP.HCM vừa làm vừa chạy vừa chờ vốn: Ai trả nợ?

Làm metro kiểu 'vừa làm, vừa chạy, vừa chờ vốn' có phải TP.HCM đang chạy theo mục tiêu tăng trưởng?

LTS:- "Metro chậm tiến độ", "đội vốn" là những từ khóa vẫn được tìm kiếm nhiều trên các phương tiện truyền thông. Gần đây, dư luận lại nóng lên bởi phát ngôn của Chánh văn phòng UBND TP.HCM khi cho biết, TP.HCM sẽ làm metro theo kiểu: "vừa làm vừa chạy", và việc sắp xếp vốn như thế nào thì "thành phố sẽ cùng các cơ quan Trung ương bố trí". GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã có những phân tích dựa trên góc nhìn của mình.

Trước hết, tôi xin khẳng định, tinh thần, quyết tâm làm metro bằng được, làm đồng loạt để tạo kết nối với các công trình giao thông trong thành phố, tạo điểm nhấn, nhằm thay đổi diện mạo, thay đổi bộ mặt của thành phố là rất đáng hoan nghênh cần phải được phát huy, cổ vũ.

Nhiều tuyến metro TP.HCM đội vốn

Tuy nhiên, TP.HCM lại đang vướng vào quá nhiều vấn đề mà theo tôi, nếu chưa thể giải quyết được dứt điểm thì hệ lụy này sẽ kéo dài và "lây lan" tới toàn bộ những tuyến khác.

Đầu tiên phải nói về vấn đề vốn. Nguồn vốn đang là vấn đề lớn của hệ thống metro tại TP.HCM. Cho tới nay, UBND TP.HCM đã ba lần bỏ tiền ngân sách ra ứng cho các nhà thầu đang thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong khi đó tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) cũng mới được thành phố xin gia hạn thực hiện đến năm 2020.

Rồi tới cả tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền – Cầu Sài Gòn), hiện cũng đang gặp vấn đề.

Tức là tuyến metro nào TP.HCM đang triển khai cũng gặp trục trặc và nguyên nhân cốt lõi là thiếu vốn dẫn tới chậm tiến độ.

Đáng nói, những vướng mắc trên TP.HCM chưa giải quyết được. Ngay như tuyến metro số 1, được cho là bức xúc nhất thì vừa qua Quốc hội cũng họp bàn nhiều lần, cũng đã đi tới thống nhất phương án bố trí vốn nhưng vẫn chưa có gì cụ thể, TP.HCM vẫn đang phải tạm ứng vốn để giải quyết từng bước cho dự án này.

Rõ ràng, tư duy "chạy theo số lượng", cứ rải ra làm mà không quan tâm tới chất lượng, tiến độ, hiệu quả là vô cùng nguy hiểm. Một khi dự án đã được triển khai nhưng không đảm bảo được tiến độ sẽ kéo theo việc đội vốn, đội chi phí, suất đầu tư tăng lên, chất lượng dự án không đảm bảo, đầu tư không hiệu quả.

Thứ hai, qua đánh giá, tỷ lệ đội vốn tại các tuyến metro TP.HCM đang thực hiện từ số 1,2 tới số 5 đều đang đội vốn từ 150% đến trên 200%. Con số thật đáng giật mình. Vậy TP.HCM đã làm rõ vì sao các dự án lại đội vốn nhiều như vậy chưa? Đó đã phải là con số cuối cùng và TP.HCM có dám khẳng định các dự án sẽ không tiếp tục tăng vốn nữa không? TP.HCM sẽ bố trí vốn thế nào?...

Đành rằng, thành phố có thể nhờ Chính phủ đi vay vốn nước ngoài, sau đó sẽ vay lại của Chính phủ để thực hiện dự án. Nhưng có thể cứ dựa mãi vào vốn vay nước ngoài được không? Rồi phương án trả nợ TP.HCM tính toán cụ thể thế nào? Có thể trả được nợ không khi dự án nào cũng chậm tiến độ, cũng đội vốn gấp nhiều lần, trong khi hiệu quả dự án lại chưa được đánh giá, khả năng thu hồi vốn không cao...?

Thực tế, chưa có dự án metro nào của TP.HCM được hoàn thiện và đã đi vào hoạt động, do đó, đánh giá hiệu quả dự án là rất khó.

Do đó, thay vì thành phố tiếp tục đề xuất xây tuyến metro 3a (Bến Thành – Tân Kiên) với giá trị khoảng 2,2 tỷ USD thì TP.HCM phải khắc phục cho được, khắc phục triệt để những tồn tại cũ rồi mới thực hiện triển khai dự án mới. Nếu chưa giải được những câu hỏi trên mà quyết tâm thực hiện tư duy làm metro kiểu "gối dự án" rất khó tránh khỏi tình trạng dự án này chậm kéo theo tất cả các dự án khác cũng chậm theo, rồi ai sẽ trả nợ?

Thứ ba, TP.HCM đã có đánh giá thế nào về các nguyên nhân cho rằng, dự án đội vốn là do tỉ giá, trượt giá, dự án nghiên cứu sơ sài, khảo sát thiết kế thiếu sót, bổ sung điều chỉnh mục tiêu phạm vi dự án, chậm giải tỏa mặt bằng...? Đồng ý, đây là nguyên nhân và cũng là nguyên nhân được các nhà quản lý, chủ đầu tư dùng để giải thích từ nhiều năm nay.

Vậy, tôi xin hỏi, trách nhiệm, năng lực chuyên môn và quản lý của chủ đầu tư đã được xem xét tới chưa? Quá trình thẩm định, đánh giá dự án thực hiện ra sao để một dự án có thể đội vốn lên gấp 2, gấp 3 lần so với đánh giá ban đầu? Rồi khi quyết định phê duyệt dự án, vấn đề giám sát, quản lý trong quá trình thực hiện dự án đã được thực hiện như thế nào? Vấn đề này không mới nhưng phải được làm quyết liệt, phải trả lời cho được để chấm dứt ngay tình trạng lấy "năng lực chuyên môn" làm bình phong giải cứu tình thế.

TP.HCM làm metro 'vừa làm vừa chạy' vừa chờ vốn: Hoang mang

Làm sao có chuyện cứ thừa nhận sai sót, yếu kém là xong. Nếu cứ "yếu kém một cách bền vững" như vậy thì các dự án còn đội vốn, chậm tiến độ đến bao giờ nữa?

Đề xuất của TP.HCM trong bối cảnh cả 3 tuyến metro đang thực hiện đều chậm tiến độ, đội vốn khiến dư luận hoài nghi liệu có phải TP.HCM chạy dự án để chạy theo tăng trưởng?.

Do đó, quan điểm của tôi là khi chưa giải quyết được những tồn tại hiện tại thì TP.HCM nhất quyết không được làm thêm nữa. Lúc này TP.HCM cần dồn sức, tập trung hoàn thiện ngay những tuyến metro đang thực hiện dở dang để đưa vào hoạt động. Chỉ khi dự án hoạt động và người dân thấy được hiệu quả, tác động của dự án tới phát triển kinh tế, xã hội thì mới nhận được sự đồng thuận từ dư luận.

GS.TS Đặng Đình Đào - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/metro-tphcm-vua-lam-vua-chay-vua-cho-von-ai-tra-no-3348407/