Metro, cao tốc, đường vành đai làm khu Đông Sài Gòn thay đổi ra sao?

Đại lộ Mai Chí Thọ, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2, metro số 1... là những hạ tầng làm thay đổi khu Đông Sài Gòn khiến nhiều dự án bất động sản đổ xô về.

Metro, cao tốc, đường vành đai nhìn từ trên cao Hạ tầng khu Đông Sài Gòn liên tục được đầu tư kéo theo dự án bất động sản ồ ạt mọc lên. Đây được cho là một trong những nguyên nhân đẩy giá đất khu vực này liên tục lập mốc mới.

Khu Đông gồm các quận 2,9 và Thủ Đức là cửa ngõ vào TP.HCM nối các tỉnh Đông Nam bộ. Đây là nơi giao thoa của các trục giao thông liên vùng huyết mạch của thành phố và các tỉnh khác.

Khu Đông gồm các quận 2,9 và Thủ Đức là cửa ngõ vào TP.HCM nối các tỉnh Đông Nam bộ. Đây là nơi giao thoa của các trục giao thông liên vùng huyết mạch của thành phố và các tỉnh khác.

Nhiều dự án giao thông lớn được xây dựng liên tục tại đây như đại lộ Đông Tây, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2, tuyến metro số 1... đã tác động rất lớn lên thị trường bất động sản.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến năm 2016 đã có 10 tỷ USD đổ vào hệ thống hạ tầng giao thông ở khu vực này, trong đó quận 2 chiếm phần lớn. Trong ảnh, đại lộ Mai Chí Thọ thuộc đại công trình đại lộ Đông Tây nối từ quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) qua hầm Thủ Thiêm tới ngã 3 Cát Lái (quận 2).

Tuyến đường với 14 làn xe này cũng là công trình huyết mạch kết nối đường Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái, điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ nút giao Phú Hữu. Đại lộ này cũng là tuyến đường chính cho cư dân quận 2, 9 vào trung tâm thành phố được dễ dàng hơn.

Đồng Văn Cống là tuyến đường chính cho các loại xe container, xe tải vào cảng Cát Lái qua nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2 đang được thi công.

Đầu tháng 1/2015, nút giao thông An Phú, quận 2, điểm đầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào sử dụng. Đây cũng là đầu mối giao thông chính từ các tỉnh, quận 9 vào trung tâm thành phố qua cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm và hầm Thủ Thiêm.

Đường cao tốc Bắc Nam đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài là 55 km, tốc độ thiết kế 120 km/h, tổng số vốn đầu tư là 20.630 tỷ đồng được đưa vào sử dụng đầu năm 2014. Trong ảnh, dự án khu biệt thự, nhà phố vườn nhà phố thương mại Lake View City trải dải hơn 1 km bên đường song hành-cao tốc.

Mặc dù đoạn nằm trên địa bàn TP.HCM, đi qua quận 2 và 9 dài chưa đến 10 km nhưng tuyến đường này đã tạo nên một lực hút rất lớn đối với các nhà đầu tư khi có hàng chục dự án đã và đang xây dựng dọc hai bên đường.

Khi tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác cuối năm 2015, giúp kết nối thông suốt TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, lập tức thị trường địa ốc khu Đông liên tiếp bùng nổ với hàng loạt dự án mới, mặt bằng giá cũng được lập mới và duy trì mức tăng.

Dự án trong điểm quốc gia này cũng làm thay đổi bộ mặt giao thông, đô thị cửa ngõ phía Đông. Từ khu vực quận 9 vào trung tâm thành phố qua cao tốc được thuận tiện hơn. Trong ảnh, dự án Kikyo Residence có mặt tiền chỉ cách hàng rào cao tốc vài mét.

Hàng loạt dự án biệt thự cao cấp như 43 căn khu biệt thự The Venica, Mega Residence và Mega Ruby Residence do chủ đầu tư Khang Điền xây dựng tại góc đường Đỗ Xuân Hợp - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và nút giao thông Vành đai 2.

Vùng đầm lầy, kênh rạch trên địa bàn quận 2, quận 9 đang dần thay đổi với những dự án cao cấp song song với hạ tầng đang hoàn thiện.

Đường Vành Đai 2 dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe đi qua các khu vực Ngã tư Gò Dưa - Ngã tư Bình Phước - Ngã tư An Sương - An Lạc - Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây - Xa lộ Hà Nội - Ngã tư Gò Dưa.

Hàng loạt dự án chung cư cao tầng, khu biệt thự xuất hiện dày đặc hai bên tuyến đường tại khu Đông, từ cầu Phú Mỹ (quận 2) tới Ngã tư Gò Dưa (quận Thủ Đức). Đây là các tuyến đường kết nối Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cảng Cát Lái, Khu công nghệ cao...

Tháng 1/2016, cầu Rạch Chiếc 2 nằm trên đường Vành Đai 2 có tổng chiều dài hơn 540 m khánh thành giai đoạn 1 với nhánh cầu vòm thép 3 nhịp vượt sông, cho 4 làn xe lưu thông, tổng mức đầu tư hơn 870 tỷ đồng.

Tháng 10/2014, một tập đoàn Hàn Quốc nhận giấy phép đầu tư dự án có tổng vốn 1,4 tỷ USD nằm bên đường Vành đai 2, hiện đã đi vào hoạt động. Các chủ đầu tư đón đầu nhu cầu nhà ở của chuyên gia, cán bộ, kỹ sư công nghệ đã ngay lập tức xây dựng hàng loạt dự án quanh nhà máy này.

Tuyến đường Vành đai 2 đang được kết nối với Xa lộ Hà Nội thông qua đường D2,D1, trong tương lai sẽ được khép kín tới quốc lộ 1A. Những vùng đầm lầy hàng chục năm trước nay được thay bằng hàng loạt dự án nhà ở, giá trị bất động sản tăng chóng mặt.

Ven tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang trong giai đoạn hình thành, rất nhiều dự án bất động sản "ăn theo", tăng giá trị từ công trình đường sắt đô thị đầu tiên của thành phố.

Ngoài ra, 4 tuyến đường quanh Thủ Thiêm đang thi công, dự án cầu Cát Lái nối quận 9 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã có quyết định đầu tư, Bến xe miền Đông mới có mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, gần 1.000 tỷ đồng cải tạo, mở rộng nút giao Mỹ Thủy tiếp tục kích thích các nhà đầu tư đổ tiền về khu vực này.

Lê Quân - Trương Khởi

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/metro-cao-toc-duong-vanh-dai-lam-khu-dong-sai-gon-thay-doi-ra-sao-post748429.html