#metoo, phong trào đang lay chuyển cả thế giới, Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc?

'#meetoo' là phong trào tố cáo nạn xâm hại tình dục đang làm rung chuyển toàn cầu.

Dạo gần đây, qua các phương tiện truyền thông xã hội, người ta dễ dàng bắt gặp hashtag với cụm từ #metoo (tôi cũng vậy). Đây là chiến dịch của những nạn nhân bị xâm hại tình dục, dám đứng lên tố cáo hành động phi đạo đức này.

Bắt nguồn từ ngành công nghiệp giải trí, khi nữ diễn viên nổi tiếng Alyssa Milano đã có một bàu đăng trên mạng xã hội như sau: “Một người bạn đã đề nghị tôi thế này, nếu tất cả phụ nữ từng bị quấy rối hay tấn công tình dục cùng đăng trạng thái ‘me too’, chúng ta có thể khiến cho mọi người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. Nếu bạn từng bị quấy rối hay tấn công tình dục, hãy phản hồi dòng tweet này bằng ‘me too’”.

Ngay lập tức, lời kêu gọi này có sức mạnh lan tỏa đáng kinh ngạc, hàng trăm lượt phản hồi của những nạn nhân trước giờ vẫn lựa chọn cách giữ im lặng cho câu chuyện đời họ. Những người nổi tiếng đồng loạt dùng sức ảnh hưởng của mình để lan tỏa thông điệp đến với cộng đồng.

Cuộc xuống đường của phong trào #metoo tại Mỹ.

Cuộc xuống đường của phong trào #metoo tại Mỹ.

Trào lưu này mạnh mẽ đến nỗi, nó phá vỡ mọi quy tắc, trở thành “nhân vật của năm” do tạp chí Times bình chọn. Đáng lẽ, vị trí này phải thuộc về một cá nhân hoặc một nhóm người có ảnh hưởng lớn với thế giới và truyền thông, theo cách tích cực hoặc tiêu cực.

Trước đây, vì định kiến xã hội, sự ngại ngần không dám cất lên tiếng nói cá nhân đã khiến nạn nhân chấp nhận đứng trong bóng tối. Họ e dè vì họ không biết rằng ngoài kia vẫn còn hàng trăm người lâm vào tình trạng giống như mình. Nhưng giờ đây, #meetoo xuất hiện và làm nên một cơn sóng mạnh mẽ, cổ vũ mọi nạn nhân đứng dậy đấu tranh.

Vượt qua mảnh đất Hollywood hào nhoáng, #metoo bắt đầu lan rộng ra toàn thế giới. Băng qua biên giới, hàng ngàn nạn nhân khắp Canada, Pháp, Thụy Điển, hay thậm chí những đất nước khá khắt khe với vấn đề này như Ấn Độ và Hàn Quốc đều đồng loạt lên tiếng.

Tại Hàn Quốc, đây là cụm từ quyền lực nhất hiện nay khi các nạn nhân mạnh dạn cất lời. Ngành giải trí vốn được cho là khắc nghiệt và lắm cạm bẫy nhất ở xứ sở kim chi, khi mà nạn nhân bị buộc rơi vào tình thế phải giữ im lặng vì danh tiếng và sự nghiệp của mình.

#metoo - cụm từ quyền lực nhất nền giải trí Hàn.

Sau cái chết vì tự tử của Jo Min Ki – người nhận hơn 20 lời cáo buộc vì hành vi quấy rối, đã làm dấy lên nhiều phản ứng trái chiều. Nếu như trước đây người ta dành sự ủng hộ tuyệt đối với những nạn nhân thì giờ đây, họ bắt đầu nghi ngờ về tính xác thực của những câu chuyện.

Dù cho nó có là gì đi chăng nữa, một cách kỳ lạ rằng dẫu cho có thường xuyên bắt kịp nhanh chóng mọi trào lưu, nhưng đến hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có một từ #metoo nào được lên tiếng. Liệu thực trạng lạm dụng tình dục tại Việt Nam là hoàn toàn không tồn tại?

Dưới đây, sẽ là những ý kiến giải thích vì sao trào lưu #metoo này có thể không xuất hiện tại Việt Nam, xét trong trường hợp vấn nạn lạm dụng tình dục là có thật.

Có nhiều ý kiến cho rằng, chính những thuần phong mỹ tục, các giá trị đạo đức lâu đời của Việt Nam đã ăn sâu vào tư tưởng. Họ thông minh khi hiểu rằng những vấn đề như vậy sẽ ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống của bản thân mà còn là cả gia đình và sự nghiệp.

Văn hóa "dĩ hòa vi quý" của người Việt cũng ảnh hưởng rất nhiều, người ta thường chọn cách cho qua, thêm bạn hơn thêm thù. Nhưng liệu đây có là cách làm đúng đắn nhất?

Không chỉ có người nổi tiếng, ai cũng sợ hãi khi phải công bố một bí mật của bản thân. Họ có nhiều mối lo sợ, sợ bị chỉ trích ngược, sợ vì nghĩ rằng mình sẽ không được bảo vệ... Những điều lo lắng đó không phải là không xảy ra.

Nạn nhân bị chỉ trích ngược là điều chẳng mấy ngạc nhiên. Những ý kiến trái chiều luôn tồn tại trong xã hội, bênh vực hay đổ lỗi là dễ hiểu. Đã có rất nhiều trường hợp trên thế giới các cô gái phải gánh chịu những ý kiến tiêu cực như: tại sao không thể tự bảo vệ mình hay tại sao im lặng quá lâu rồi mới lên tiếng...

Không tin mình sẽ được bảo vệ, tâm lý nói ra, rồi-sao-nữa vẫn hiện diện. Nhu cầu được bồi thường về tinh thần và danh dự không quá phổ biến tại Việt Nam. Họ e sợ những cuộc kiện tụng dai dẳng, những sự phiền phức dài kéo theo đó.

Và quan trọng nhất, vẫn là phát pháo mở đầu. Chưa một ai có đủ tiếng nói, đủ tầm ảnh hưởng dám đứng lên bảo vệ cho những điều đúng đắn, mang sự thật ra ngoài ánh sáng.

Giống như bất kỳ phong trào nào khác, #metoo cũng đang vấp phải những phản ứng trái chiều. 100 người đã lên tiếng chống lại phong trào này vì cho rằng chúng đang đi sai hướng, nghiêng về chỉ trích đàn ông nhiều hơn là giúp phụ nữ tự chủ. Dẫn đến sự thù địch không mong muốn và vô số cơ hội cho những thành phần bất hảo.

Dù đúng hay sai, chưa bao giờ những nạn nhân từng bị tấn công tình dục lại cảm thấy mình tìm được nguồn cỗ vũ mạnh mẽ đến thế. Hãy để cho những mặt tốt đẹp của phong trào này được lan rộng, chấm dứt đi một vấn đề sai trái và không công bằng vẫn tồn tại trong xã hội.

1000 bé gái bị đánh đập và cưỡng hiếp làm chấn động cả nước Anh

Anna

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/metoo-phong-trao-dang-lay-chuyen-ca-the-gioi-viet-nam-van-dung-ngoai-cuoc-45888.html