METI khuyến cáo doanh nghiệp về phòng vệ thương mại

Hội thảo 'Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới: những điều doanh nghiệp cần biết' do Bộ Công Thương tổ chức đã diễn ra chiều 19/12 tại Hà Nội.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại Hội thảo “Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới: những điều doanh nghiệp cần biết” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/12 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước cần nâng cao nhận thức về công cụ phòng vệ thương mại cũng như tăng hiệu quả kháng kiện, đảm bảo thị trường và giá trị thặng dư cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua chúng ta chứng kiến 2 xu thế trái ngược nhau, một mặt nhiều quốc gia đẩy mạnh tự do hóa thương mại thông qua thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương trong bối cảnh vòng đàm phán Doha rơi vào bế tắc.

Mặt khác, tại một số quốc gia có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng hộ thương mại, đặc biệt thông qua công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Việc vừa tự do hóa thương mại vừa sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được coi là phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để bảo hộ thị trường nội địa là điểm nhấn trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Chu Thắng Trung, công cụ phòng vệ thương mại mà WTO và các FTA cho phép áp dụng gồm 3 biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

Số liệu của WTO cho thấy, trong khoảng thời gian từ giữa tháng 10/2017 đến giữa tháng 5/2018, các thành viên WTO đã khởi xướng điều tra thêm 173 biện pháp phòng vệ thương mại; trong đó có 137 biện pháp chống bán phá giá, 28 biện pháp chống trợ cấp và 8 biện pháp tự vệ.

Do vậy, số biện pháp phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra này chưa tính tới biện pháp chống lẩn tránh chiếm tới hơn 40% tổng số các biện pháp, chính sách tác động đến thương mại mà các thành viên WTO thực hiện trong giai đoạn này.

Ông Chu Thắng Trung cũng nhấn mạnh rằng: Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO.

Tuy nhiên, nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định này và sử dụng chúng một cách phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân.

Bên cạnh đó, một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 15/10/2018, có 141 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ở một số quốc gia khác, dù không chạy theo xu hướng bảo hộ, nhưng để đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu vẫn đặt ra các tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng rất cao, trở thành rào cản đối với nước xuất khẩu.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trong số này, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (27 vụ, chiếm khoảng 20%); tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (20 vụ, chiếm khoảng 15%); Ấn Độ (17 vụ, chiếm khoảng 12%) và EU (14 vụ, chiếm khoảng 11%).

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, ít kinh nghiệm về phòng vệ thương mại. Vì thế, khi bị khởi kiện sẽ ảnh hưởng rất lớn, mất thời gian, tốn kém chi phí theo kiện, thậm chí có thể mất luôn thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.

Bà Nguyễn Hằng Nga - Phó trưởng phòng xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại) chia sẻ: Điều đáng lo hiện nay là bất cứ hàng hóa xuất khẩu nào cũng có khả năng là đối tượng bị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại, từ nông, thủy sản đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, các mặt hàng chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất là thủy sản (tôm, cá ba sa), sắt, thép...

Cũng theo bà Nguyễn Hằng Nga, các vụ kiện phòng vệ thương mại phát sinh nhiều xu hướng mới như: Kiện chùm (kiện đồng thời nhiều nước); kiện chống lẩn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp cho nước khác); kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng kiện theo); kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp) làm gia tăng số lượng các vụ kiện về phòng vệ thương mại.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thường xuyên cập nhật cho các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp về xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để giúp họ nắm vững, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả; đồng thời có chiến lược kinh doanh hợp lý, thận trọng trong việc lên kế hoạch đầu tư, sản xuất, phát triển thị trường.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại ngay từ giai đoạn đầu khi cơ quan điều tra của nước nhập khẩu tiếp nhận đơn kiện cho đến khi khởi xướng điều tra, trả lời câu hỏi điều tra, thẩm tra tại chỗ, điều trần công khai và ra phán quyết.

Hơn nữa, nâng cấp Hệ thống cảnh báo sớm để đánh giá những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó giúp các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu và có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế vướng phải các vụ kiện chống bán phá giá.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản (METI) khuyến cáo doanh nghiệp nên trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, nhất là các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào…

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại của thị trường nhập khẩu.

Đối với những thị trường lớn như Hoa Kỳ, cần xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các đối tác để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại.

Riêng với các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: nông sản, lâm thủy sản..., cần tăng cường các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để vượt qua các hàng rào về chất lượng, kỹ thuật.

Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng.

Vì vậy, các doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy thế mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/meti-khuyen-cao-doanh-nghiep-ve-phong-ve-thuong-mai/108712.html