Meteor khiến Su-35 không thể chống đỡ

Dù chỉ là tiêm kích hạng nhẹ nhưng Gripen với tên lửa đối không Meteor hoàn toàn đủ sức khiến tiêm kích Su-35 chấp nhận thúc thủ.

Theo The Aviationist, để đánh bại được tiêm kích hạng nặng Su-35 của Nga, JAS-39 Gripen sở hữu những khả năng không thể với Su-35. Trước hết, khi so sánh ở khả năng không chiến tầm xa, radar N035 Irbis của Su-35 phát hiện được mục tiêu bay từ cự ly 400 km, nhưng đó phải là vật thể cỡ máy bay ném bom B-52 với diện tích phản xạ radar (RCS) 100 m2.

Tầm trinh sát của radar Su-35 sẽ giảm đi rất nhiều nếu đối tượng là một chiếc tiêm kích nhẹ có RCS chỉ 0,5 m2 như Gripen. Mặc dù chưa và có thể sẽ không bao giờ có số liệu chính thức, nhưng theo nhận định thì con số này cũng chỉ ngoài 100 km. Mặt khác, công nghệ quét mảng pha điện tử thụ động có đặc tính kỹ thuật không cao, ưu điểm là có thể nhìn thấy mục tiêu ở khoảng cách rất xa nhưng lại không thực sự chính xác.

Trong khi đó với RCS vào khoảng 12 m2 của mình, Su-35 có thể bị lộ diện trước radar PS-05/A Mark 5 AESA của Gripen từ cự ly 120 km. Khi khoảng cách phát hiện ra nhau không chênh lệch quá lớn thì vũ khí tấn công tầm xa sẽ phát huy vai trò tối quan trọng.

Loại tên lửa tầm bắn xa nhất của Su-35 là KS-172 tiêu diệt được mục tiêu từ cách xa 300 km, tuy nhiên, đó chỉ là những máy bay lớn có tính năng thao diễn kém như B-52 hoặc AWACS. Còn khi chạm trán tiêm kích đối phương, Su-35 vẫn phải trông chờ vào tên lửa R-77.

Đối với tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn, Not Escape Zone - NEZ (Vùng không thể trốn thoát) là thuật ngữ để chỉ khu vực mà trong đó máy bay địch không thể sử dụng sự nhanh nhẹn thuần túy để tránh tên lửa. Trong thế đối đầu, tên lửa R-77 có NEZ vào khoảng 30 - 40 km.

Hiện tại các tiêm kích Gripen đã được trang bị tên lửa không đối không tầm xa tiên tiến nhất thế giới là Meteor. "Sát thủ diệt chim sắt" này có tầm bắn tối đa 185 km (so với 150 km của R-77) và đặc biệt chỉ số NEZ cực kỳ ấn tượng - trên 100 km, gấp 3 lần R-77.

Rõ ràng, Meteor đã mang lại cho Gripen lợi thế cực lớn khi giao chiến ngoài tầm nhìn trước Su-35, loại tên lửa này ưu việt đến mức Mỹ đang xem xét để trang bị nó như là vũ khí chính của F-22 và F-35. Tiếp theo khi xét đến khả năng không chiến quần vòng cự ly ngắn (dogfight), Su-35 với động cơ 3D TVC và tốc độ lớn được đánh giá nhỉnh hơn Gripen.

Tuy nhiên, lợi thế này của Su-35 không còn khi chứng kiến màn nhào lộn tuyệt đỉnh của Gripen qua hình ảnh được công bố. Bên cạnh đó, 2 động cơ cỡ lớn AL-41F1S lại khiến Su-35 trở nên "sáng rực" trước đầu dò hồng ngoại của tên lửa nhiệt, hơn hẳn 1 động cơ Volvo RM12 của Gripen.

Một điều nữa cũng phải xét đến, đó là trong những trận dogfight, trình độ của phi công gần như quyết định phần lớn cục diện. Do chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn, Gripen có khả năng cất cánh từ đường băng dã chiến cực ngắn được địa hình hiểm trở bao bọc với chiều dài chỉ 800 m để bất ngờ tung ra những đòn chí mạng vào Su-35.

Nhờ ưu thế vượt trội ở khả năng không chiến tầm xa và hoàn toàn đủ sức chiến thắng khi không chiến quần vòng cự ly ngắn, do đó dễ hiểu vì sao Quân đội Thụy Điển tự tin tuyên bố: Gripen là khắc tinh của Su-35. Ảnh trong bài: Tiêm kích Gripen mang tên lửa Meteor. (Tuấn Vũ)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/meteor-khien-su-35-khong-the-chong-do-3359255/