Mệt mỏi với kiểm tra chuyên ngành

Cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, kéo giảm thời gian thông quan. Thế nhưng, theo nhận định của các Hiệp hội Ngành hàng và doanh nghiệp (DN), vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành.

Doanh nghiệp mong muốn đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành.

Doanh nghiệp chưa hài lòng

Theo phản ánh của nhiều DN, từ năm 2017, công tác kiểm tra chuyên ngành đã có sự thay đổi lớn. Cơ quan quản lý tìm ra những bất cập trong thủ tục thông quan, áp dụng cấp độ cao hơn thông qua cơ chế một cửa quốc gia về quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại kéo dài gây khó khăn cho DN. Cụ thể, có những thủ tục đã bị xóa bỏ nhưng lại bị áp dụng lại với thời gian kéo dài hơn, quy trình phức tạp hơn.

Đại diện một DN thắc mắc, quy định kiểm tra formandehyt trong sản phẩm dệt dự kiến sẽ được áp dụng từ đầu năm 2019 gây rất nhiều bức xúc cho DN. Cách sử dụng câu chữ trong danh mục các sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành khiến cho danh mục này bị mở rộng thêm. Một sản phẩm công nghệ cao như máy tính xách tay vào danh mục nhóm 2 (nhóm các mặt hàng có nguy cơ cao), phải kiểm tra chuyên ngành là một ví dụ về sự bất cập trong các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Chưa hết, trước đây chỉ có mặt hàng dây điện bọc nhựa phải kiểm tra, nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng dây cáp điện đều phải kiểm tra chuyên ngành.

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logictis Việt Nam (VLA) nhận định, việc rút ngắn thời gian thông quan đã kéo giảm đáng kể những chi phí phát sinh cho DN. Thế nhưng, nhìn chung công tác này vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Ông Thành dẫn chứng, hiện lô hàng nhập khẩu vẫn phải kiểm tra chuyên ngành 100%. Trong khi DN chỉ nhập khẩu mặt hàng nguyên vật liệu từ một nhà cung cấp cũ trong suốt một thời gian dài và không phát hiện vi phạm. Thậm chí, có nhiều mặt hàng DN đã có chứng thư tại các quốc gia có trình độ công nghệ tiên tiến và hiện đại như: Nhật bản, EU, Mỹ… nhưng vẫn phải lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành. Cá biệt, một số mặt hàng có tính chất kỹ thuật cao, cơ quan chuyên ngành không đủ điều kiện để thẩm định, nhưng vẫn tiến hàng kiểm tra. Chưa hết, tại Việt Nam có nhiều trường hợp cơ quan chuyên ngành không công nhận hoặc chưa công nhận kết quả của nhau, dẫn đến tình trạng một sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành tại 2 hoặc 3 cơ quan khác nhau.

Hướng đến hậu kiểm

Việc áp dụng phương pháp hậu kiểm hàng hóa hiện được nhiều DN quan tâm. Ông Trần Hữu Phước – đại diện Công ty dệt Trần Hiệp Thành cho rằng, cơ quan hải quan cần thúc đẩy nhanh việc áp dụng hậu kiểm đối với việc kiểm tra chất lượng hợp chuẩn, hợp quy. Đây là giải pháp tạo thuận lợi hơn cho DN. Lý do là, DN đang phải gặp không ít phiền toái trong việc thực hiện các quy định về kiểm tra tính đồng bộ trong việc nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng.

“Dù đã có chủ trương và sự tích cực của các cơ quan chức năng, nhưng trên thực tế việc thực hiện vẫn dậm chân tại chỗ. Khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan vẫn phải tìm lại hồ sơ, mất nhiều thời gian để nhập dữ liệu xác nhận thông quan. Kết quả là gây ách tắc hàng hóa tại cảng cửa ngõ, làm xáo trộn kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Đây là rào cản gây ra những rủi ro không đáng có cho các DN” - ông Thành nói.

Để giải quyết vướng mắc này, hầu hết DN kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước nên thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tùy theo từng loại hàng hóa cụ thể để xác định tỷ lệ kiểm tra, phân luồng kiểm tra hoặc miễn kiểm tra, tránh tính trạng kiểm tra lặp đi, lặp lại nhiều lần gây khó khăn cho DN. Cùng với đó, xây dựng chính sách khuyến khích DN thực hiện tốt các quy định tốt để áp dụng chế độ ưu tiên kiểm tra chuyên ngành và phạt nặng các DN vi phạm hoặc tái phạm. Bên cạnh đó, DN còn mong muốn các cơ quan chuyên ngành kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia. Mỗi mặt hàng chỉ giao cho một cơ quan quản lý và chỉ đăng ký kiểm tra tại một cửa.

Lý giải về những vướng mắc đang tồn tại trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam cho rằng, lãnh đạo ngành tài chính - hải quan rất tích cực lấy ý kiến trong việc xây dựng hệ thống pháp luật hải quan. Song nhìn chung, các bộ ngành phối hợp chưa tốt trong quy trình thủ tục hải quan, việc lấy ý kiến DN chưa thực sự sâu sát.

Liên quan đến các vấn đề trên, đại diện Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nay việc kết nối các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trên hệ thống một cửa Quốc gia đã có những chuyển biến tích cực. Dự kiến, đến cuối năm 2018 sẽ thực hiện kết nối khoảng 120 thủ tục, sẽ có những cải cách lớn hơn về kiểm tra chuyên ngành.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/met-moi-voi-kiem-tra-chuyen-nganh-tintuc422529