Mệt mỏi vì con 'ngủ ngày cày đêm', mẹ trẻ Hà thành lật ngược tình thế luyện con tự ngủ chỉ trong 3 ngày

Từng trầm cảm vì con khóc ròng rã hàng đêm, chị Lan (Hà Nội) đã quyết định rèn con tự ngủ để thay đổi cuộc sống của mình.

Bé Na hơn 1 tuổi được chị Lan bắt đầu luyện ngủ từ khi 7 tháng tuổi. Nhưng thay vì lựa chọn những phương pháp luyện ngủ không tiếng khóc, phải mất rất nhiều thời gian để đạt được hiệu quả, chị quyết định chọn cách để con dù tốn nước mắt một chút nhưng sẽ tự biết cách xoay xở, đưa mình vào giấc ngủ. Và chị chỉ mất đúng 3 ngày con đã tự ngủ xuyên đêm thành công.

Chị Lan và bé Na (Ảnh: NVCC)

Chị Lan chia sẻ, đã có những ngày tháng chị cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì con cứ ngủ ngày cày đêm: “Đêm nào đi ngủ Na cũng phụ thuộc ti mẹ, ngủ ngày cày đêm thường xuyên, không cho ti là bắt đầu khóc rướn người lên, la rất to, bắt bế ru ngủ. Nhiều đêm liên tiếp nhìn con quấy khóc đến sáng, lòng mình rất lo lắng, bất an, nên bất chấp làm mọi thứ từ bế vác, đung đưa, bế rong… làm đủ mọi thứ nhưng con không nín. Tình trạng ấy kéo dài khiến mình bị stress nghiệm trọng”.

Không còn muốn tiếp tục những ngày tháng tồi tệ như vậy, chị Lan quyết tâm tìm hiểu thông tin, kiến thức nuôi con và hỏi kinh nghiệm từ những bà mẹ khác. Bị ngợp giữa một rừng ý kiến, thông tin đa chiều, chị Lan cũng quyết định áp dụng phương pháp hướng dẫn bé các cách để con có thể tự mình đi vào giấc ngủ, không cần mẹ hỗ trợ cho ti, hay ôm ấp.

Để chấm dứt tình trạng con ngủ ngày cày đêm, chị Lan quyết tâm rèn ngủ cho con đến cùng (Ảnh: NVCC)

Để thực hiện phương pháp này, chị đã chuẩn bị các vật dụng như: 1 chiếc cũi, màn, 1 chiếc camera, 1 chiếc loa bật tiếng ồn trắng. Theo đó, quá trình luyện ngủ cho bé được chị Lan chia sẻ một cách cụ thể như sau:

Ngày 1:

Đúng 8h tối, khi con có dấu hiệu buồn ngủ, chị bế con vào phòng và tắt điện, kéo rèm, bật nhạc và không quên thủ thỉ những lời yêu thương với con. Rất may là bé Na rất hào hứng, tuy nhiên khi mới đặt xuống cũi con đã phản kháng rất dữ dội, còn đòi trèo ra ngoài. Nhưng chị Lan quyết tâm chờ đợi, để con khóc khoảng 30 phút rồi bé mệt lả tự thiếp đi.

Đến 2 giờ sáng con tỉnh dậy khóc rất to, vì mọi khi đã quen có mẹ bên cạnh và được ti mẹ. Khi con khóc được khoảng 20 phút, chị không đủ kiên nhẫn nữa vì tiếng khóc to và nghe giọng bị khản hơn lần đầu, nên đã bế con ra khỏi cũi và cho ti. Ngày đầu tiên việc luyện ngủ đã được kết thúc như vậy.

Bé Na vô cùng kháu khỉnh và đáng yêu (Ảnh: NVCC)

Ngày 2:

Chị Lan quyết tâm nhất quán và kiên trì hơn nữa, dấu hiệu đáng mừng là con cũng hợp tác, lần đầu mẹ đặt xuống cũi đã tự ngủ, đêm chỉ thức dậy một lần, thời gian khóc cũng giảm xuống chỉ còn chừng 15 phút, nhưng khóc bé và không khóc to như trước. Lần này chị Lan quyết tâm không bế con ra nữa. Vì không trông cậy được vào ai nên bé Na khóc chán đã nhanh chóng tự ngủ.

Ngày 3:

Vẫn đúng giờ sinh hoạt, chị Lan bế con vào phòng và đặt xuống cũi cùng hàng loạt thao tác khác. Điều ngạc nhiên là con chỉ tròn xoe mắt tự chơi một lúc rồi ngủ. Đêm đến, con cũng chỉ thức dậy khóc ré lên một tiếng khoảng 2 phút rồi ngủ tiếp, không còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của mẹ nữa.

Chị thở phào nhẹ nhõm và vô cùng ngạc nhiên vì không ngờ kết quả lại đến nhanh thế. Điều đó, khiến chị càng tự thấy quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn, đã đến lúc con cần phải độc lập trong giấc ngủ thay vì được mẹ ôm bồng bế.

Với hành trình mình đã trải qua, chị Lan cũng đưa ra lời khuyên rằng, các mẹ nên luyện con tự ngủ càng sớm càng tốt, hơn nữa nên thật kiên trì và lựa chọn phương pháp cho đúng đắn, vì bé Na có thể may mắn dễ tính nên đã thành công đến ngày thứ 3, nhưng có bé phải đến nửa tháng, thậm chí nửa tháng mới mong gặt được quả ngọt.

Văn Anh

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/met-moi-vi-con-ngu-ngay-cay-dem-me-tre-ha-thanh-lat-nguoc-tinh-the-luyen-con-tu-ngu-chi-trong-3-ngay-20190730150436594.htm