Messi không hề toàn diện nhưng là bậc toàn năng sân cỏ

Với nhiều người, Cristiano Ronaldo là cầu thủ tấn công toàn diện nhưng chắc chắn, Lionel Messi không hề kém cạnh.

Ronaldo, hình mẫu tiệm cận cầu thủ tấn công toàn diện

Hãy thử nhắm mắt và tưởng tượng về một cầu thủ tấn công toàn diện? Đúng rồi, Cristiano Ronaldo! Đúng hơn, Cristiano Ronaldo là cầu thủ tiệm cận hình mẫu toàn diện nhất trên sân cỏ.

Ở giai đoạn đỉnh cao phong độ, CR7 có tốc độ của một vận động viên điền kinh, hình thể của VĐV thể hình, sức mạnh của VĐV cử tạ, sự bền bỉ của những cua-rơ, những pha bật nhảy và “đứng” trên không chỉ thấy ở bóng rổ hay bóng chuyền. Và dĩ nhiên, kỹ năng xử lý bóng của Ronaldo chuẩn mực như sách giáo khoa dạy bóng đá: đỡ bóng không nảy, rê bóng dính chân, sút bóng chính xác.

Không chỉ vậy, siêu sao người Bồ Đào Nha còn sinh hoạt chuyên nghiệp, ý thức săn sóc bản thân rất cao và luôn khát khao giành chiến thắng. Tóm lại, Ronaldo là hình mẫu cho chính giá trị cao nhất thể thao hướng tới: Nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn.

Tất nhiên, Ronaldo chỉ tiệm cận chứ chưa thể và không thể một ai trở thành cầu thủ toàn diện. Nói cách khác, siêu sao người Bồ Đào Nha đại diện cho mẫu săn bàn toàn diện. Anh biết sút xa, biết dứt điểm cận thành, biết sút bằng chân chiêu, biết không chiến và đặc biệt là biết chọn vị trí. Tuy vậy, để trở thành toàn diện, CR7 còn cần biết vê bóng như Zidane, lừa bóng như Ronaldo béo, chuyền ngắn như Xavi, chuyền dài như Xabi Alonso, tạt bóng như Beckham hay chọc khe như… Riquelme.

Nói chung cầu thủ toàn diện chỉ có trong mộng tưởng. Nhưng, thay vì đi tìm một cầu thủ toàn diện chỉ có thể dựng nên trong trò chơi điện tử, có thể tìm thấy một cầu thủ tấn công toàn năng trên sân cỏ. Đó chẳng phải ai khác ngoài Lionel Messi, cầu thủ đương nhiên không toàn diện vì chỉ cao 1m70, tính cách có phần tự kỷ và hầu như chỉ sử dụng chân phải để đặt trụ và chơi bóng hoàn toàn bằng cái chân trái.

Ai và thế nào là cầu thủ tấn công toàn năng?

Cầu thủ toàn năng đơn giản là cầu thủ đảm nhiệm nhiều vai trò của các vị trí tấn công trên sân. Trong lịch sử bóng đá đã xuất hiện không ít huyền thoại được gán danh xưng “toàn năng” vì sự xuất sắc trên sân cỏ. Chẳng hạn như trung phong toàn năng Alfredo Di Stefano, cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử Real Madrid. Huyền thoại gốc Argentina này là thủ lĩnh của đội bóng Hoàng gia giành 5 chức vô địch C1 liên tiếp và đã ghi tới 308 bàn sau 396 lần ra sân.

Sở dĩ Di Stefano được ví là “trung phong toàn năng” bởi ông là cầu thủ rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn, khéo léo và có khả năng ghi bàn đáng kinh ngạc, với sức bền vô địch, tính linh hoạt chiến thuật, sáng tạo và tầm nhìn tuyệt vời, ông có thể đá ở gần như bất kỳ vị trí nào trên sân. Ông được xem là một trong những cầu thủ đi bóng tốt nhất từng xuất hiện trên sân cỏ. Di Stefano rất thành thạo trong việc sử dụng các động tác giả để vượt qua các hậu vệ và tạo ra các cơ hội, và sử dụng các cú vô-lê cũng như những pha tung người móc bóng để ghi bàn đầy uy lực.

Một ví dụ khác về cầu thủ toàn năng là Pele. Ông bắt đầu sự nghiệp ở vị trí “số 9” và kết thúc ở vị trí “số 10”. Số 9 là tay săn bàn, số 10 là chân kiên kiết. Tất nhiên giới thiệu gọn lỏn như thế chưa thể lột tả hết sự vĩ đại của huyền thoại được xưng tụng là “Vua bóng đá”.

Trước nhất, Pele là cỗ máy săn bàn chứ không đơn giản là cầu thủ săn bàn. Ông có biệt tài đọc được ý đồ đối phương và dứt điểm chuẩn xác, uy lực bằng cả hai chân. Pele cũng là cầu thủ có lối chơi đồng đội, sở hữu nhãn quan nhạy bén và biết cách thực hiện những pha kiến tạo ngoạn mục.

Giai đoạn đầu sự nghiệp, Pele chơi ở nhiều vị trí tấn công khác nhau. Mặc dù ông thường hoạt động trong vùng cấm như một trung phong hoặc tiền đạo trung tâm, khả năng đa dạng giúp Pele có thể lùi sâu như một tiền đạo phòng ngự hoặc tiền đạo cánh. Trong giai đoạn sau của sự nghiệp, ông đảm nhận vai trò sáng tạo hơn, đóng vai trò tiền vệ tấn công. Phong cách chơi bóng độc đáo của Pelé kết hợp tốc độ, sáng tạo và kỹ thuật với sức mạnh, sức bền và sự khéo léo. Kỹ thuật, khả năng giữ thăng bằng, tài năng, sự linh hoạt và khả năng đi bóng xuất sắc cho phép Pele vượt qua hậu vệ đối phương dễ như lấy đồ trong túi. Ngoài ra, mặc dù chiều cao khá hạn chế, chỉ 1m73, nhưng Pele cực kỳ lợi hại trong không chiến, với những pha bật rất cao và “dừng” trên không để thực hiện những cú lắc đầu như búa bổ.

Johan Cruyff hay Diego Maradona cũng là những mẫu cầu thủ tấn công toàn năng, nhưng không thiên về nhiệm vụ săn bàn. Cruyff là mẫu tiền vệ trung tâm đảm nhiệm vai trò tổ chức lối chơi và lối chơi mà thánh Johan tổ chức được gọi là Total Football. Trong khi đó, Maradona là nhân vật tạo đột biến. Bất cứ thời điểm nào đội bóng gặp khó khăn, Maradona lập tức xuất hiện để tạo đột biến, bằng một pha rê bóng, bằng một đường chuyền, bằng một cú dứt điểm hay ngoạn mục hơn là những màn độc diễn rê qua cả hàng thủ đối phương rồi ghi bàn.

Messi, bậc toàn năng số một sân cỏ

Nhân vật mới nhất có thể liệt vào hàng cầu thủ tấn công toàn năng không ai khác ngoài Messi. So với các bậc tiền bối, tất nhiên cũng nhờ sự phát triển của chiến thuật trong bóng đá, La Pulga thậm chí còn toàn năng hơn. Cụ thể, Messi không chỉ ghi bàn như “số 9” hay kiến tạo như “số 10” mà còn gây đột biến giống tiền đạo cánh, phát động tấn công như tiền vệ tổ chức hay điều phối bóng như tiền vệ trung tâm.

Nói chung, Messi tham gia vào toàn bộ chu trình để đưa trái bóng vào khung thành đối phương chứ không chỉ “đưa trái bóng vào lưới đối phương”. Điều đáng nói hơn nữa, tác động của La Pulga vào các chu trình đều với chất lượng vàng ròng, có chăng chỉ bàn thắng hay kiến tạo mới được phản ánh qua những con số còn những dấu ấn khác chỉ nhận ra bằng quan sát và đánh giá.

Đơn cử như săn bàn, Messi vừa chạm mốc 700 bàn trong màu áo các CLB, con số đồng nghĩa bình quân mỗi mùa giải siêu sao người Argentina ghi được gần 40 bàn. Ngoài ra, La Pulga cũng đang có 299 pha kiến tạo thành bàn, gần chạm mốc 300, tức mỗi mùa cung cấp thêm 17 pha kiến tạo. Như vậy, bình quân mỗi mùa giải, Messi in dấu giày trực tiếp vào 57 bàn thắng và anh làm đều đặn công việc này suốt hơn 18 năm qua. Đó là chưa kể những pha đột phá xé nát hàng thủ đối phương hay những đường chuyền như gắn định vị.

Hãy thử so sánh nhẹ nhàng, thành tích ghi bàn tốt nhất trong sự nghiệp Haaland là 41 bàn sau 41 trận trong màu áo Dortmund. Mùa giải này, tiền đạo người Hà Lan có 33 bàn sau 33 trận, tức duy trì hiệu suất tương tự. Thành tích kiến tạo tốt nhất của De Bruyne trong màu áo Man City là 22 pha kiến tạo ở mùa 2019/20. Man City đã tốn bao nhiêu tiền cho Haaland và De Bruyne?! Ngoài ra, The Citizens tốn bao nhiêu tiền nữa cho những cú rê bóng một que của Riyad Mahrez và Jack Grealish?! Tốn bao nhiêu tiền nữa cho khả năng tổ chức và kiến thiết của Gundogan và Bernardo Silva?!

Đó chính là lý do tại sao Messi được tôn sùng như bậc toàn năng trên sân cỏ!

ĐẶNG XÁ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/messi-khong-he-toan-dien-nhung-la-bac-toan-nang-san-co-a595987.html