Mẹo nhỏ giúp loại bỏ hết nước trong tai khi đi bơi

Khi bơi hoặc tắm, nước rất dễ chảy vào tai của mọi người đặc biệt là trẻ em. Thông thường, nước có thể sẽ tự chảy ra khỏi tai. Nhưng nếu nước không tự chảy ra được thì có thể sẽ tạo môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn sinh sống, phát triển và gây nhiễm trùng.

Hãy cố gắng loại bỏ nước trong tai khi đi bơi để tránh nguy cơ viêm tai

Hãy cố gắng loại bỏ nước trong tai khi đi bơi để tránh nguy cơ viêm tai

Làm thế nào để loại bỏ nước ra khỏi tai?

Thạc sĩ Vũ Toàn Mạnh (Bệnh viện Đa khoa An Việt) chia sẻ nếu nước vào tai, chỉ cần nghiêng đầu, lắc nhẹ và kéo nhẹ vành tai tạo đường thẳng cho nước chảy ra ngoài. Nếu làm vậy vẫn chưa được bạn có thể cho thêm ít nước sạch vào tai rồi nghiêng tai để nước chảy ra ngoài.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng những cách sau đây để loại bỏ nước khỏi tai.

Kéo nhẹ dái tai: Nhẹ nhàng kéo hoặc rung dái tai của bạn trong khi nghiêng đầu bạn về một bên (bên tai bị có nước). Khi ở trong tư thế này, bạn cũng có thể thử lắc đầu sang 2 bên để nước văng ra ngoài.

Tạo ra môi trường chân không: Nghiêng đầu bạn sang một bên, dùng lòng bàn tay úp chặt lên tai. Sau đó nhanh chóng bỏ tay ra khỏi tai rồi lại úp vào. Việc làm này sẽ tạo ra một môi trường chân không và giúp nước có thể bị kéo ra ngoài.

Chườm nóng: Ngâm khăn sạch trong nước nóng (đủ nóng mà không làm bạn bị bỏng), sau đó vắt khô khăn. Bạn phải đảm bảo rằng khăn đã được vắt thật khô trước khi sử dụng, nếu không, nước từ khăn chảy ra sẽ làm tai bạn có thêm nhiều nước hơn. Nghiêng đầu về phía tai có nước và đăp khăn lên phần bên ngoài của tai, để trong khoảng 30 giây sau đó bỏ ra trong khoảng 1 phút. Lặp lại quy trình này 4-5 lần.

Dùng máy sấy tóc: Bật máy sấy tóc của bạn ở chế độ thấp nhất. Bạn nên để máy sấy tóc cách tai khoảng 25cm và di chuyển máy sấy qua lại (giống như khi bạn đang sấy tóc). Khi máy sấy đi qua tai, hãy để luồng khí ấm thổi trực tiếp vào tai của bạn. Hơi nóng từ máy sấy tóc có thể làm bay hơi nước ở trong ống tai của bạn.

Khi nào nên đến gặp bác sỹ?

Nếu sau khi áp dụng các biện pháp trên mà nước vẫn không chảy ra, bạn không nên dùng tăm bông, ngón tay hay bất cứ vật gì đưa vào tai với hi vọng để làm nước chảy ra ngoài. Làm như vậy sẽ làm tình trạng của bạn tệ hơn vì có thể sẽ đưa thêm vi khuẩn vào trong tai, ấn và làm nước đi sâu hơn vào trong tai, làm tổn thương ống tai, hoặc thậm chí là làm thủng màng nhĩ.

Nếu nước không ra khỏi tai trong vòng 2-3 ngày, bạn nên đến gặp bác sỹ. Nếu tai bạn bị viêm hoặc sưng lên, bạn có thể đã bị viêm tai. Tình trạng này cần được chăm sóc y tế. Bác sỹ có thể sẽ kê một vài loại thuốc để loại bỏ tình trạng nhiễm trùng và giảm đau.

Mai Anh - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/meo-nho-giup-loai-bo-het-nuoc-trong-tai-khi-di-boi-65924-9.html