Mẹo nhỏ để cân bằng sức khỏe khi làm việc văn phòng

Bạn sẽ đối mặt với nguy cơ nhồi máu cơ tim cao gấp đôi, thị lực giảm xuống 40% và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, nếu mỗi ngày ở bàn làm việc, tập trung vào máy tính 6 tiếng.

Mới đây, biên tập viên của tờ Daily Mail - Mia De Graaf đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ tim mạch, huấn luyện viên và chuyên gia đo thị lực về mối nguy hiểm của việc ngồi làm việc quá lâu cũng như một số mẹo nhỏ để cân bằng.

86% người Mỹ ngồi làm việc ở bàn trong khi rất ít người biết cách đối phó với những tác hại của nó. (Nguồn: Daily Mail)

Mẹo đối phó với bệnh tim mạch

TS. Allan Stewart (Trường Y Icahn, Mount Sinai) cho biết: “Nếu bạn ngồi làm việc trong thời gian quá lâu, nhịp tim của bạn sẽ hạ xuống và chính điều này sẽ gây ra nhiều tác hại như: bạn có xu hướng ăn ít thực phẩm lành mạnh do không muốn đứng dậy và di chuyển. Bạn sẽ có xu hướng thích dùng luôn những đồ ăn ở ngay gần mình hoặc những đồ ăn được phục vụ tận nơi. Đây thường là những thức ăn không tốt cho sức khỏe”.

"Nếu ngồi cả ngày, bạn thường có xu hướng tìm những đồ ăn nhiều đường để có thêm năng lượng làm việc. Năng lượng sẽ ít được đốt cháy khi bạn ít hoạt động. Và như thế bạn sẽ đối mặt với nguy cơ đau tim cao do sự gia tăng lưu thông acid béo và cholesterol tới tim” - TS. Allan Stewart giải thích.

TS. Allan Stewart cho biết: “Thậm chí, dù bạn có đi tập gym 4 lần/tuần thì cũng không thể bù đắp hoàn toàn những tác hại gây ra do ngồi làm việc quá 6 tiếng mỗi ngày. Nguy cơ bị đau tim vẫn rất cao và việc tăng đề kháng insulin cũng có thể khiến TS. Stewart cảnh báo: “Thậm chí, những nhân viên làm việc văn phòng trông có vẻ khỏe mạnh nhưng vẫn có nguy cơ cao về bệnh tiểu đường và tim mạch”.

Một trái tim khỏe mạnh sẽ mang đến một sức khỏe tốt. (Nguồn: Daily Mail)

TS. Stewart khuyên bạn nên đứng dậy và đi lại bất cứ khi nào có cơ hội để giữ cho nhịp tim của không bị giảm xuống do ngồi nhiều, cho dù đó là để gọi điện thoại, để trò chuyện, hoặc lấy một cốc nước... và nên nghỉ giải lao mỗi giờ. Nếu bạn duy trì vận động thường xuyên, bạn sẽ ngăn không cho nhịp tim của bạn giảm xuống. Ông gợi ý: “Chúng ta nên đi lại và trò chuyện. Nếu bạn có một cuộc họp mà không cần ngồi tại máy tính, bạn nên đứng lên, đi lại nếu điều kiện cho phép".

Với các bệnh về cơ xương

Moe Widdi, huấn luyện viên bậc thầy tại Câu lạc bộ Newyork Health & Racquet chia sẻ rằng: “Lý do chúng ta nên ngồi ít bởi bản chất con người là lao động. Ngồi quá lâu có thể tăng nguy cơ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cơ thể bạn”.

Ông Moe Widdi giải thích: “Chúng ta sẽ đánh mất sức mạnh ở một số khu vực quan trọng của cơ thể như phần mông và cột sống, gây áp lực lên hệ xương. Tất cả các bộ phận cơ thể đều hoạt động theo cơ chế phối hợp với nhau. Vì thế, nếu một bộ phận nào ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém đi sẽ ảnh hưởng ngay đến những bộ phận khác. Thêm vào đó, tư thế vận động cũng vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người. Khi bạn ngồi sai tư thế, hai vai dồn về phía trước khiến cho lưng cong, điều này sẽ gây khó khăn trong việc cung cấp oxy cho phổi”.

Bảo vệ đôi mắt

Theo TS. Randy McLoughlin, một chuyên gia đo thị lực tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học bang Ohio cho hay: “Các loại màn hình điện tử sẽ không làm bạn bị mù mắt nhưng nó vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực bởi những tia tử ngoại phát ra từ đó. Nhưng nếu ngồi trước màn hình hàng giờ đồng hồ sẽ khiến cho võng mạc bị căng thẳng và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn”.

Ông McLoughlin đưa ra lời khuyên: “Hãy cho mắt của bạn nghỉ giải lao. Mọi người nên cho mắt nghỉ từ 20 đến 30 phút một lần. Hãy nhìn sang xung quanh thay vì màn hình vi tính và để mắt thư giãn ít nhất 30 giây. Bạn không cần phải ngừng suy nghĩ về một điều gì đó mà đơn giản chỉ là không nhìn vào màn hình một lúc”.

Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để mắt được thư giãn, tránh bị khô và mệt, cũng như nên kiểm tra mắt định kỳ.

Minh Hòa

(theo Daily Mail)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/meo-nho-de-can-bang-suc-khoe-khi-lam-viec-van-phong-62478.html