Mèo Mốc - truyện tranh gây bão được vẽ từ những điều riêng tư

Theo Quang Dũng - tác giả series về Mèo Mốc - truyện tranh cần vui vẻ, hài hước, mang tính giải trí, nhưng tuyệt đối không bao giờ chọc cười theo lối dung tục, phản cảm.

Cuối tháng 10, cuốn sách thứ 5 về Mèo Mốc ra mắt, đánh dấu chặng đường nhân vật truyện tranh hài hước này gắn bó với độc giả cả trên mạng và ở phiên bản sách giấy. Tác giả Đặng Quang Dũng chia sẻ về quá trình sáng tạo nhân vật, và một số quan điểm về sáng tạo truyện tranh ở Việt Nam hiện nay.

Ước mơ từ nhỏ của tôi là thành họa sĩ truyện tranh

- Tại sao bạn lại lựa chọn hình thức mỗi mẩu chuyện đặt trong một trang cho truyện Mèo Mốc?

- Truyện của tôi ban đầu được vẽ dưới hình thức nhật ký, kể lại cuộc sống hàng ngày của tôi với bạn bè xung quanh. Khi mới vẽ, tôi không nhằm mục đích xuất bản, chỉ đăng trên trang cá nhân thôi. Như vậy khi vẽ câu chuyện thành một trang sẽ dễ dàng chia sẻ.

Tôi cũng thích hình thức truyện hài một trang, nó gọn ghẽ, ngắn, tất cả đều nằm trong một trang ấy, xong là xong luôn.

Đặng Quang Dũng - tác giả truyện tranh Mèo Mốc. Ảnh: Nguyễn Hưng

Đặng Quang Dũng - tác giả truyện tranh Mèo Mốc. Ảnh: Nguyễn Hưng

- Điều gì khiến bạn quyết định kể câu chuyện riêng tư của mình bằng tranh và công khai nó?

- Hè năm thứ nhất đại học, tôi được nhận vào làm ở một công ty truyện tranh của Việt Nam. Đó là mơ ước từ nhỏ của tôi rồi, nên tôi rất hạnh phúc, cảm thấy một bước gần hơn tới ước mơ. Tôi muốn khoe với cả thế giới biết.

Ban đầu, các câu chuyện chỉ là hôm nay đi làm có gì hay ho thì kể, sau mở rộng ra chuyện trường lớp, gia đình.

Các mẩu chuyện được hài hước hóa. Thật ra các sự kiện có thật, nhưng tôi sẽ thay đổi chút xíu để nó mang tính truyện tranh hơn, hoặc phản ứng của mọi người khi vào truyện, đôi khi tôi sẽ làm quá lên một chút để hài hước hơn… Căn bản là các sự kiện, các nhân vật đều có thật.

- Vậy những người sống quanh bạn phản ứng như thế nào khi họ xuất hiện trong truyện tranh, công khai?

- Hầu hết đều thích thú vì ai cũng muốn biết khi mình trở thành nhân vật truyện tranh sẽ như thế nào. Tôi cũng dùng biệt danh của họ, tính cách của họ ngoài đời khi đưa vào truyện.

Về phía gia đình, đôi khi mọi người cũng phàn nàn nhẹ nhàng một tí, theo kiểu sao chuyện trong nhà mà cứ vẽ ra cho mọi người biết. Ví dụ như có lần bố tôi bảo tại sao lại kể chuyện bố nấu cơm thay mẹ, mọi người biết lại xấu hổ ra.

Khi vẽ, tôi cũng có chọn lọc những mẩu chuyện kể sao cho chúng không làm ảnh hưởng tới người khác. Tôi tránh những truyện gây phiền hà.

- Qua 5 năm, nhân vật Mèo Mốc mang lại cho bạn điều gì?

- Nó đem lại cho tôi cơ hội xuất bản sách. Do sách Mèo Mốc được nhiều độc giả đón nhận nên đã đem lại cho tôi những cơ hội khác, như xuất bản series truyện Tây du hí chẳng hạn. Điều đó cũng cho tôi thỏa mãn ước mơ từ nhỏ là xuất bản truyện tranh.

Thứ nữa, qua 5 năm, truyện Mèo Mốc đã trở thành tuổi thơ của không ít độc giả. Ban đầu tôi cứ nghĩ chỉ có thanh niên mới đọc truyện này, nhưng trong buổi giao lưu nhân dịp ra mắt tập thứ năm của bộ sách, có rất nhiều bạn nhỏ đã tới. Tôi nhận ra khi bạn nhỏ lớn lên, Mèo Mốc trở thành một kỷ niệm trong tuổi thơ của các bạn.

Cũng giống như trước đây, tôi đọc Doraemon, mơ mình thành họa sĩ truyện tranh, thì tôi hy vọng kỷ niệm đẹp về Mèo Mốc có thể truyền cảm hứng để một số bạn thích vẽ truyện có thể nuôi ước mơ thành họa sĩ.

Một trang truyện Mèo Mốc.

- Khi biết độc giả của mình nhỏ tuổi như thế, bên cạnh kể những câu chuyện hài hước, bạn có ý định sáng tác những truyện mang tính giáo dục?

- Có chứ. Truyện Mèo Mốc đăng trên mạng xã hội trước, nó phủ sóng tới rất nhiều người, nên khi nghĩ ra nội dung, ngoài yếu tố gây cười, tôi tránh không bao giờ vẽ hài dung tục, nhất là bây giờ tôi được biết có rất nhiều bạn nhỏ đọc truyện Mèo Mốc.

Thêm nữa, tôi muốn các câu chuyện vừa gây cười, vừa phải có tính giáo dục. Ví dụ, khi tôi thấy một tấm gương, hoặc một câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng, (giống như năm kia có chùm ảnh về em bé xếp dép cho các bạn chơi ở vỉa hè) khi vẽ lại thành tranh tôi rất thích.

Hoặc như năm nay, vấn đề học chữ cái với các ký tự tròn, vuông, tam giác, rất nhiều người đã lợi dụng yếu tố ấy để làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn chỉ để "câu like". Nhưng tôi không làm thế, tôi cũng vẽ câu chuyện gây cười nhưng tôi giải thích rõ đấy là cái gì, nó không phải bảng chữ mới, mục đích của nó là gì, tại sao trong sách lại sử dụng các ký tự ấy. Điều đó được mọi người đón nhận.

Về phía mình, tôi rất mừng, vì mình đâu cần phải làm điều gì giật gân thì mới nhiều người đọc. Kể cả những thông tin đúng, nếu mình thể hiện hay thì vẫn có người ủng hộ.

- Trong giới truyện tranh, một tác giả thành công thường gắn với một nhân vật gây tiếng vang. Vậy bạn có bí quyết gì để tạo ra nhân vật Mèo Mốc hấp dẫn?

- Tôi không chắc có gì là bí quyết không. Nhân vật Mèo Mốc tôi vẽ ra có phần bản năng nhiều hơn. Khi tạo ra một nhân vật, rất khó để mình biết trước đây là kiểu nhân vật mà mọi người sẽ thích hay không thích. Tôi chỉ cố gắng tạo ra các nhân vật đơn giản, dễ nhận dạng. Ví dụ con Mèo Mốc này chỉ có hai màu đen trắng, không quá nhiều chi tiết rườm rà. Những cái còn lại, phụ thuộc vào sự đón nhận của độc giả.

- Bạn đã sáng tác bao nhiêu mẩu chuyện về Mèo Mốc?

- Tôi không đếm được có bao nhiêu mẩu chuyện, vì tôi bắt đầu vẽ từ khoảng năm 2012, tới nay là sáu năm rồi, hàng tuần tôi ra được 1-2 mẩu truyện nên khá nhiều.

Sau đó, đơn vị phát hành đã tập hợp in thành sách, mỗi năm một cuốn, và giờ đây đã là cuốn sách thứ 5 về Mèo Mốc được xuất bản.

Truyện tranh chuyên nghiệp ở Việt Nam gặp nhiều thế khó

- Công việc hiện tại của bạn là gì?

-Tôi học tại Singapore, chuyên ngành đồ họa. Tôi vừa tốt nghiệp và đang tìm kiếm việc làm thiết kế tại đó. Có một số công ty ở Singapore liên hệ hỏi tôi tham gia vị trí liên quan tới viết lách nhiều hơn; vì họ cần một người có kinh nghiệm tạo ra nhân vật, viết tính cách nhân vật…

Khi người ta biết tôi có kinh nghiệm tạo ra nhân vật, người ta muốn mình áp dụng kinh nghiệm viết lời thoại, tạo tính cách nhân vật đó.

Hai trong số năm cuốn sách về Mèo Mốc của Quang Dũng.

- Tại sao bạn không theo đuổi con đường trở thành một họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp?

- Tôi rất muốn trở thành họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp. Nhưng không thể phủ nhận, bây giờ có rất nhiều khó khăn khi đi theo hướng truyện tranh chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Lý do đầu tiên, có thể nói do một thời gian rất dài, bạn đọc quá quen với truyện tranh Nhật, các đầu truyện của họ rất đa dạng. Những đơn vị đứng sau xuất bản các bộ truyện này đều có kinh nghiệm lâu năm. Họ có thể xuất bản với lượng đều đặn, đúng lịch, giá thành rẻ, họ có nhiều lợi thế hơn so với những đơn vị mới về truyện tranh như Sky Comic đang làm với bộ Mèo Mốc.

Thế khó này không chỉ đến từ phía công ty xuất bản, phát hành. Từ phía tác giả, có thể vì lý do này kia mà không nhiều người có khả năng sáng tác đều đặn được. Có thể họ ra sách một thời gian nhưng họ không kiếm đủ tiền thì họ ngưng lại. Điều đó lại dẫn tới một tình trạng nữa là độc giả mất niềm tin.

Khi theo một bộ truyện, lại là truyện tranh dài kỳ, người ta không biết khi nào tác giả ngưng lại, thì điều đó rất khó cho độc giả. Chưa kể một số vấn đề khác nữa trong quá trình xuất bản...

Thật ra, lúc đầu tôi cứ nghĩ chỉ có Việt Nam mới thế. Nhưng khi sang Singapore, tôi thấy vấn đề cũng y hệt vậy, không có gì khác. Hiện tại, tác giả truyện tranh nổi tiếng ở Singapore chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên ấy người ta cũng đọc rất nhiều truyện tranh Nhật, chưa kể comics Mỹ nữa.

Vì thế tôi nghĩ đây là vấn đề chung của rất nhiều quốc gia có nền truyện tranh chưa nổi tiếng, chứ không phải riêng Việt Nam.

- Việt Nam bắt đầu phát hành những nền tảng truyện tranh online, bạn đánh giá như thế nào về nền tảng này?

- Tôi thấy điều đó rất tốt, vì chi phí sẽ thấp hơn với cả đơn vị xuất bản lẫn độc giả. Tuy nhiên vẫn có những người thích đọc sách giấy hơn là đọc trên màn hình. Đó là thói quen đọc của từng người. Để phủ sóng tới cộng đồng, truyện tranh trên nền tảng di động là phương tiện tốt.

Hình thức đọc truyện tranh trên ứng dụng là hướng đi tốt. Nhiều nước đã triển khai, và nó hiệu quả.

- Còn về phía độc giả, liệu độc giả của chúng ta có quá nhiều người giữ thói quen "đọc chùa", không chịu bỏ tiền mua sách giấy, hoặc bỏ tiền mua xu đọc online… góp phần khiến tác giả và những người sản xuất truyện tranh khó sống?

- Điều này khó tránh khỏi. Không chỉ trong truyện tranh, trong điện ảnh, sách văn học, nghe nhạc… cũng có tình trạng này. Nhưng vẫn có những người bỏ tiền ra mua sách, bỏ tiền mua xu để đọc qua ứng dụng.

Độc giả thường phân ra hai nhóm đối tượng như vậy. Trước mắt, rất khó để xóa ngay tình trạng "đọc chùa", hiện chúng ta vẫn phải chung sống với nó.

Nhưng nếu sản phẩm mình đủ chất lượng, có thể hôm nay chỉ có 5 người đồng ý đọc, nếu chất lượng sản phẩm tốt, về lâu về dài, lượng người bỏ tiền ra mua để đọc sẽ tăng lên.

Quang Dũng và hai bộ truyện của mình: Tây du hí (trái), Mèo Mốc.

- Việc bạn sáng tác rồi post lên mạng xã hội cũng tạo điều kiện cho mọi người đọc miễn phí. Điều này có ảnh hưởng tới lượng bản sách giấy bán ra không?

- Điều này có ảnh hưởng. Nhiều người cũng nói với tôi là tại sao sáng tác mất công sức lại đưa lên cho đọc miễn phí?

Đó không phải hình thức lạ trên thế giới. Đăng lên mạng có thể sẽ thu hẹp lượng sách giấy bán ra, nhưng tôi vẫn muốn làm điều ấy. Bởi truyện Mèo Mốc để được xuất bản thành công như hôm nay chính là nhờ những độc giả online trước. Nếu chỉ vì một nhóm người được đọc online rồi không mua sách, vì họ mà mình không đăng truyện online nữa thì cũng bất công với những bạn đã ủng hộ mình để mình có ngày hôm nay.

Nhưng tôi cũng có những biện pháp để đảm bảo quyền lợi những người mua sách giấy. Trong mỗi cuốn sách ra, tôi chỉ để một lượng truyện đã đăng tải online thôi, còn lại có những truyện tôi chưa từng đăng tải ở đâu. Hay như truyện dài, đó là thể loại phù hợp với sách giấy.

- Khi kiếm được một công việc thiết kế toàn thời gian, liệu bạn có còn sáng tác truyện tranh?

- Tôi vẫn sáng tác chứ. Vì hiện nay tôi vẫn làm nhiều công việc khác nhau ngoài vẽ truyện tranh. Trong lúc thiết kế chờ người ta duyệt thì tôi có thể vẽ truyện. Hoặc khi làm hành chính, tôi vẽ truyện tranh ngoài giờ hoặc ngày nghỉ. Tóm lại tôi sẽ cân bằng thời gian để vẽ truyện tranh.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/meo-moc-truyen-tranh-gay-bao-duoc-ve-tu-nhung-dieu-rieng-tu-post888010.html