'Méo mặt' vì kẹt hàng chục nghìn tỷ đồng ở dự án thua lỗ

Hiện nhiều dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương đang 'vật vã' vì các món nợ. Trong vai chủ nợ, không ít ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đang đối mặt khó khăn chồng chất khi xử lý những khoản nợ khổng lồ này.

VDB đề xuất Chính phủ cho khoanh nợ tại dự án đạm Ninh Bình. Ảnh: N.Thanh

VDB đề xuất Chính phủ cho khoanh nợ tại dự án đạm Ninh Bình. Ảnh: N.Thanh

Doanh nghiệp muốn khoanh nợ, vay lãi suất thấp

Trong số 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, ngập trong nợ nần điển hình phải kể tới các dự án trong ngành hóa chất.

Mới đây, trên cơ sở tình hình sản xuất, kinh doanh không mấy khả quan của các dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Vinachem đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay của VDB cho các Dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.

Với 12 dự án DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, sau khi tiếp nhận 11/12 dự án, nhà máy từ Bộ Công Thương (Nhà máy Bột giấy Phương Nam vẫn do Tổng công ty giấy, Bộ Công Thương quản lý), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã rà soát, tổng hợp các hồ sơ và thấy rằng: Mặc dù số lượng nhiệm vụ mà các bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty đã hoàn thành chiếm 75,36% nhưng các khó khăn mấu chốt vẫn nằm ở 17 nhiệm vụ còn lại. Cụ thể, khó khăn tập trung ở 3 nhóm vấn đề chính gồm: Xử lý dứt điểm vướng mắc pháp lý để quyết toán hợp đồng tổng thầu (EPC) và quyết toán toàn bộ dự án; cơ cấu lại các khoản nợ, trích dãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay; xây dựng phương án thoái vốn.

Cụ thể là kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau. Ngoài ra, Vinachem cũng mong muốn điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm từ 2019 đến 2023 ở mức 3%/năm. Từ năm 2024 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước (tại thời điểm này là 8,55%/năm) và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.

Với khoản vay các ngân hàng thương mại, Vinachem đề nghị các ngân hàng VietinBank, BIDV, Vietcombank cho phép các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục xem xét, giải quyết cho các đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất.

Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tiến độ công việc của các bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng công ty liên quan đến xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương cuối tuần qua, ông Nguyễn Phú Cường-Chủ tịch HĐTV Vinachem cho biết: Các dự án của Vinachem mặc dù đã tái hoạt động hiệu quả nhưng tiếp tục gặp khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều này xuất phát từ thỏa thuận với ngân hàng thương mại là “thu về 10 phần và chỉ cho vay lại 9 phần” sau mỗi chu kỳ sản xuất. Ông Cường kiến nghị: "Các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay lưu động có lãi suất thấp hơn và khoanh nợ để các dự án, nhà máy tiến triển hơn, có điều kiện sản xuất kinh doanh trả nợ".

Ngân hàng cũng thiếu tiền

Khó khăn vì nặng nợ của các dự án là điều dễ hiểu. Song trong vai chủ nợ, đặc biệt là "trùm chủ nợ" như VDB, câu chuyện cũng không dễ dàng gì. Thực tế hiện nay, VDB đang mắc kẹt hàng nghìn tỷ đồng ở các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương. Cụ thể, riêng 2 dự án của Vinachem là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm Ninh Bình, VDB đã cho vay tới hơn 8.000 tỷ đồng. Tại dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), VDB cũng cho vay hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, với Công ty TNHH MTV CNTT Dung Quất, số tiền mà ngân hàng này cho vay là 542 tỷ đồng. VDB đề xuất giải pháp xử lý rủi ro của các dự án này theo hướng cơ cấu nợ vay, khoanh nợ vay và xử lý tài sản bảo đảm.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mới đây, VDB đã đề xuất giải pháp xử lý rủi ro với nhóm thực hiện cơ cấu nợ bao gồm Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc dư nợ đến hết tháng 12/2018 khoảng 3.946 tỷ đồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy số 2 dư nợ 1.729 tỷ đồng.

Để bảo đảm an toàn trong hoạt động, VDB cũng đề xuất Chính phủ cho khoanh nợ tại dự án Đạm Ninh Bình. Với công nghệ sản xuất phân đạm từ than cám, công suất 1.760 tấn đạm urê/ngày, Công ty CP Đạm Ninh Bình đang nợ gốc khoảng 2.640 tỷ đồng. Nhà máy Đạm Ninh Bình đang hoạt động cầm chừng, không cân đối được nguồn trả nợ theo hợp đồng tín dụng, rất cần thời gian khôi phục sản xuất kinh doanh nên phải khoanh nợ. Tương tự, dự án mở rộng giai đoạn 2 TISCO cũng phải thực hiện giải pháp khoanh nợ vay. Dự án này có dư nợ gốc đến hết năm 2018 khoảng 1.136 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, có tới 2 dự án của Công ty TNHH MTV CNTT Dung Quất, dư nợ gốc hiện nay khoảng trên 524 tỷ đồng. "Các dự án của công ty này không có khả năng trả nợ, việc áp dụng sử lý tài sản bảo đảm phù hợp với đặc thù dự án nhưng VDB vẫn không thu đủ nợ DN này đã vay", VDB đánh giá.

Theo Bộ Tài chính, VDB là ngân hàng 100% vốn nhà nước, đang trong giai đoạn tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện tại tình hình tài chính của ngân hàng này đang rất khó khăn, không có khả năng tự cân đối nguồn để bù đắp khi thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ cho các dự án yếu kém nêu trên của ngành Công Thương. Vì vậy, VDB kiến nghị để bảo đảm thanh khoản cho ngân hàng, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ đồng ý các phương án cơ cấu nợ, xử lý nợ cho các dự án thì ngân sách nhà nước phải bố trí bù đắp phần thiếu hụt tương ứng cho VDB.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/meo-mat-vi-ket-hang-chuc-nghin-ty-dong-o-du-an-thua-lo-111247.html