Mèo hình mặt người trong tranh Đào Hải Phong

Ðào Hải Phong vẽ mèo từ tuổi niên thiếu. Họa sĩ chia sẻ: Mèo là loài vật được anh vẽ nhiều nhất. Chẳng đợi Tết đến Xuân về, cũng không chờ năm Mão, bất kể khi nào cảm xúc chợt đến, Ðào Hải Phong lại họa mèo. Lạ ở chỗ, mèo của họa sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mang hình mặt người. Anh bảo: 'Mèo gần gũi với tôi đến độ tôi không còn nghĩ chúng là con vật'.

Tranh mèo của Đào Hải Phong

Tranh mèo của Đào Hải Phong

Ảnh hưởng từ… Mèo

Tôi hỏi Đào Hải Phong: Tranh mèo của anh có bị ảnh hưởng bởi tranh dân gian hay tranh của một họa sỹ nổi tiếng nào đó? Thay cho câu trả lời, anh kể: “Thời sinh viên, suốt 5 năm tôi sống với một con mèo. Tôi quan sát nó mỗi ngày, đến nỗi quen thuộc cả tập tính, tư thế của nó. Con mèo ấy ám ảnh tôi. Hồi tôi còn bé, ông nội tôi cũng nuôi một con mèo. Đến bây giờ con giai tôi cũng có sở thích nuôi mèo. Mèo gần với tôi đến mức tôi ảnh hưởng trực tiếp từ chính nó, chứ không phải từ một tác phẩm hội họa nào”...

Trong mắt họa sĩ chuyên dòng tranh phong cảnh, mèo là con vật sạch sẽ nhất. Anh có thói quen cho mèo ngủ dưới chân khi trời rét. Đào Hải Phong còn dùng từ “sang chảnh” dành cho lối sinh hoạt của mèo: “Khi ăn xong mèo thường chọn chỗ ngồi ấm, đẹp, thoáng, lúc ấy tôi gọi thì nó cũng chẳng chịu xuống ngay. Người ta ví von mèo lười không phải không có lý. Mèo đã ăn no, không nằm cũng ngồi, mắt lim dim đầy hưởng thụ. Thật ra, nó rất quý phái, đài các. Ngay cả chuyện ăn uống nhé. Nuôi mèo thường phải có bát, đĩa dành riêng cho nó. Mèo ăn uống phải đàng hoàng. Nó hiện hữu như một thành viên trong gia đình. Ngày xưa, ông nội tôi nuôi mèo rất chăm chút bữa ăn của nó. Ông trộn cơm với chút cá nướng hoặc tí ruốc cá nhạt cho nó, để một bát nước bên cạnh. Theo quan sát của tôi, mèo ăn nhạt, uống rất ít, nó không ưa canh, thích ăn khô, nên không trộn cơm với canh cho mèo”. Sau khi say sưa kể tập tính mèo, Đào Hải Phong kết luận: “Mèo cảnh vẻ lắm. Nói như từ ngữ đương đại là “sang chảnh”, kém gì thú cưng nhập ngoại của giới trẻ bây giờ”.

Nhưng Đào Hải Phong cũng “soi” ra điểm trừ đáng yêu của mèo: Mèo là giống hay quên. Có thể vì thế, ngành xiếc ít dùng mèo? Lồ lộ cả ưu lẫn nhược điểm nên mèo là con vật sinh động, được chủ yêu quý: “Khi bực tức, bốc hỏa với ai đó, người Việt hay ví von ghét như chó, không ai mắng ghét như mèo, cũng không ví mặt như mặt mèo. Vì mèo là con vật được cưng chiều của người Việt. Con vật này cũng không chịu chui rúc, trừ khi vồ con mồi. Mèo thích leo trèo lên chỗ cao ráo, có khi nó leo lên mái nhà, lúc ngồi trên đống rơm, đống củi, nóc bếp hoặc ngồi trên giường, trên bể nước…”. Yêu mèo nên Đào Hải Phong “đọc vị” mèo cả ngày không hết. Anh kể kỷ niệm thời ấu thơ: “Hồi tôi còn đang đi học, học lớp 2, ở nhà tôi mèo đẻ nhiều, người thân mang đi cho bớt. Tôi rớt nước mắt vì thương chúng, bởi ngày nào tôi cũng mang cá cho chúng ăn. Nhưng đành chấp nhận chia xa chúng, vì trong nhà không thể nuôi 7,8 con mèo cùng lúc”. Nói đến đây Đào Hải Phong lý giải những bức tranh mèo hình mặt người của mình: “Khi gần với con thú nào đó thì giữa mình và nó hình thành mối giao cảm. Với tôi, mèo là một thành viên trong gia đình. Tôi vẽ mèo như người cũng là vì tôi sống với mèo quá lâu, không còn xem nó là con vật”.

“Anh có định tạo dựng thương hiệu: Mèo Đào Hải Phong?”, tôi hỏi. Đào Hải Phong đáp: “Cũng là một ý tưởng hay. Xưa nay tôi nghĩ chỉ khi có cảm xúc xinh xinh thì sẽ dành cho những cái tranh như thế, chứ không nghĩ vẽ tranh mèo thành dòng. Câu hỏi của công chúng cũng gợi mở cho tôi một hướng đi. Tôi sẽ suy nghĩ về hướng đi này”.

Mặt mèo xinh, lông mèo đầy tính hội họa

Trên thế giới, cả phương Đông và phương Tây, đều có những họa sỹ đặc biệt ưu ái mèo. Không thể không nhắc tới Louis Wain, họa sỹ nổi tiếng nước Anh cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cha ông mất sớm, khi ông mới 20 tuổi. Louis phải gồng gánh gia đình gồm mẹ già và 5 chị em gái. Trong đó, một người em gái của ông bị mắc ung thư vú, cô tìm thấy niềm vui, sự thoải mái khi chơi với mèo. Điều này kích thích Louis đưa mèo vào hội họa, như một cách trợ giúp tinh thần em gái. Sau này, ông đã nổi danh với những bức tranh mèo. Cũng không thể không nhắc tới họa sỹ xuất thân trong gia đình quý tộc ở Tokyo (Nhật Bản) Léonard Tsuguharu Foujita (1886-1968) nổi tiếng với những bức tranh mèo. Ông từng chia sẻ với báo chí: “Tôi giống một người phụ nữ không thể sống mà không nuôi một con mèo khi về già”. Foujita thường mang những chú mèo hoang về để chăm sóc…

Có dịp khám phá xưởng tranh Đào Hải Phong, tôi phát hiện anh vẫn còn giữ bức tranh mèo trên nền xanh, chất liệu sơn dầu, đã ra đời cách đây 24 năm. Được biết, nhiều nhà sưu tập muốn sở hữu bức tranh mèo độc đáo này song Đào Hải Phong từ chối bán. Anh thường vẽ tặng những người bạn tuổi Mão của mình những bức tranh mèo nhỏ, mặt mèo có nét gợi nhớ khuôn mặt bạn.

Có thể thấy, họa sĩ thích và thành công khi vẽ mèo trong đời thường đều là những người yêu mèo. Đào Hải Phong không ngoại lệ. Anh vẽ mèo từ bé. Suốt những năm tháng qua mèo vẫn vảng vất trong tranh anh. Là họa sĩ được chọn để minh họa sách của Thạch Lam, Đào Hải Phong vẽ phố buồn với những mặt mèo ngác ngơ. Anh có những bức tranh mèo nhận được sự yêu thích của nhà sưu tập và bạn bè. Với anh, không phải cứ đến năm mèo mới vẽ mèo: “Mèo là con vật hiện hữu như lọ hoa, như tranh phong cảnh. Tôi chỉ thích vẽ mèo khi cảm xúc chợt đến. Không phải vì năm nay là năm Mão thì vẽ mèo, tôi không thích áp đặt kiểu đó vì tôi vẽ mèo không nhằm mục đích gì hết”, anh nói. Đứng ở khía cạnh chuyên môn, Đào Hải Phong thấy hình dáng mèo dễ quyến rũ, mặt mèo lại quá xinh. Anh lý giải vì sao trong tác phẩm hội họa thường có sự xuất hiện của mèo: “Cho mèo vào tranh tạo sự sinh động, khi vẽ một cô gái lại có thêm con mèo ở bên cạnh tự nhiên thấy tranh ấm áp, tình cảm hẳn. Con vật đáng yêu đó làm cho bức tranh có sức sống tự nhiên, gần với đời thường”.

Họa sĩ chuyên dòng phong cảnh đặc biệt ấn tượng với màu lông của mèo: “Mèo có bộ lông rất đẹp như khoác bộ áo gấm. Ngày xưa, con mèo của tôi có màu gio của bếp. Nó nằm trong bếp gio và lẫn luôn vào đó, chỉ riêng đôi mắt xanh lóe lên, thật đáng yêu, sinh động”. Anh thừa nhận, mèo là con vật được anh đưa vào tranh nhiều nhất: “Tôi từng vẽ mèo trên nhiều chất liệu khác nhau, như giấy dó, giấy điệp… Cách đây 24 năm, tôi vẽ một con mèo tham gia triển lãm tại một gallery. Ông chủ gallery mời tất cả các họa sĩ mà ông ấy quen biết vẽ mèo để làm triển lãm chào mừng năm mèo. Khi đó, tôi vẽ 2 con mèo, một con vẽ trên nền xanh, một con vẽ trên nền đỏ, chất liệu sơn dầu, khổ tương đối lớn. Một người phụ nữ Argentina đã mua con mèo trên nền đỏ, ngay hôm khai mạc. Bức này giá 1.200 đô nhưng vì ngày khai mạc nên bán cho cô ấy 1.000 đô. Cô ấy nói vui với tôi, chưa bao giờ cô ấy mua một con mèo thật đắt đến thế! Tôi hỏi vì sao cô ấy mua bức tranh mèo của tôi? Cô ấy đáp: Vì nó có nét giống con mèo cô ấy từng có ở nhà”. Đào Hải Phong kể kỷ niệm bức tranh mèo đã bán cách đây 2 con giáp để nói vấn đề khác: “Đôi khi nghệ thuật là sự giao cảm. Tôi làm sao biết được con mèo ở tận Argentina? Nhưng tình yêu mèo của tôi với tình yêu mèo của cô ấy có điểm gặp nhau, tựa như 2 câu chuyện chung một đề tài. Cô ấy mua tác phẩm của tôi không hẳn vì tranh vẽ mèo mà vì tình cảm của cô với đề tài tôi đã vẽ. Đó là giá trị của nghệ thuật. Con mèo là cơ duyên để tôi giãi bày cảm xúc của người họa sĩ với người yêu nghệ thuật”.

Nông Hồng Diệu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/meo-hinh-mat-nguoi-trong-tranh-dao-hai-phong-post1500636.tpo