Mẹo hay tránh ngay rau muống 'ngậm' hóa chất

Khi mua rau muống, không nên chọn loại rau khi tươi bẻ thấy quá giòn, lá màu xanh sẫm, nhìn từ xa mặt trên của lá rất bóng và mướt, vì rau này dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá...

Rau muống là một trong những món ăn mà nhiều người và gia đình lựa chọn cho bữa ăn của mình. Đặc biệt vào mùa hè nước rau muống luộc được rất nhiều người ưa chuộng như một loại canh giải khát.

Rau muống khi được bón quá nhiều đạm (chất kích thích tăng trưởng) thì thân rau to, rau giòn, là xanh đen. Nếu bạn luộc lên rồi khi quan sát lúc còn nóng sẽ thấy trong nước có màu xanh nhạt nhưng khi nguội màu xanh đen, có vân kết tủa. Đặc biệt khi ăn còn thấy có vị hơi chát chát.

Rau muống bị nhiễm chì: Khi quan sát bằng mắt thường, bạn có thể dễ dàng nhận thấy rau muống bị nhiễm chì thường có thân to, lá cứng hơn so với rau muống sạch. Đồng thời, lá của muống bị nhiễm chì thường có màu xanh đen, thân cây cũng giòn hơn bình thường.

Khi rửa sau, nếu muống nhiễm chì thì hóa chất sẽ có nhiều bong bóng nổi lên. Đồng thời, qua quá trình luộc rau, nếu rau muống nhiễm chì sẽ có nước mày xanh nhạt nhưng sau khi để nguội, nước rau sẽ đổi thành màu xanh đen và có kết tủa vẩn đen.

Rau muống nhiễm chì khi ăn có vị chát, không ngọt, mùi hơi hắc. Trong khi đó rau muống thường có vị ngọt mát, nước luộc rau cũng trong.

Người tiêu dùng nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường. (Ảnh minh họa).

Cách chọn rau muống ngon, an toàn

- Không nên chọn những mớ rau có cọng quá to, thường chỉ to bằng đầu đũa ăn cơm, tránh mua phải những mớ rau có cọng to bất thường.
- Không nên chọn mớ rau quá xanh mướt, nhìn từ xa lá xanh óng lên, bẻ thấy cọng rất giòn, lá màu xanh sẫm.

- Đặc biệt khi rửa rau mà thấy nổi lên nhiều bong bóng là chắc chắn rau có nhiễm hóa chất nước rửa bát, chất tẩy rửa.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn rau muống có độ tốt vừa phải, thân nhỏ, lá nhỏ, màu xanh bình thường vì loại rau này có vừa đủ chất hữu cơ hơn, nhìn chung sẽ an toàn cho người ăn.

Ngoài ra, trước khi nấu nên rửa nhiều lần bằng nước sạch và ngâm rau trong nước muối khoảng vài giờ đồng hồ để giảm nồng độ các chất hóa học còn bám dính.

Cách rửa sơ chế rau muống

Khi rửa rau muống cần làm sạch từng ngọn. Có thể ngâm từng ngọn đã ngắt vào nước muối loãng từ 10-15 phút sau đó rửa sạch. Hoặc có thể ngâm trong nước gạo cũng là cách làm sạch có thể được.

Lưu ý rau rửa càng nhiều nước sẽ sạch nhưng động tác rửa cũng cần khoắng liên tục, không nên sợ rau bị dập mà rửa qua loa rất dễ bị nhiễm độc. Sau khi rửa để ráo nước rồi mới chế biến.

Khi nhặt rau muống, nên loại bỏ những sợi màu trắng bám ở thân. Bởi vì có thể những sợi màu trắng này là nơi trú ngụ của những chất bẩn, ký sinh trùng dưới nước.

Sau khi rửa có thể để vào túi bảo quản, đặt trong ngăn mát tủ lạnh 1-2 ngày mới ăn. Điều này giúp cho rau muống phân hủy bớt các chất độc hại hoặc hóa chất được phun trong quá trình trồng.

Khi luộc rau phải luộc chín tới, không ăn rau tái. Tuyệt đối không ăn rau muống sống rất dễ nhiễm sán hoặc vi khuẩn vào cơ thể. Một số người thường chần qua rau mới nấu hoặc chế biến là điều không nên. Vì cách làm này có thể làm mất thời gian và trong quá trình chần làm giảm bớt màu sắc cũng như chất lượng vitamin có trong rau.

Theo Tuyết Mai/Đời sống và Pháp luật

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/meo-hay-tranh-ngay-rau-muong-ngam-hoa-chat-c25a295954.html