Mẹo chuyển trường biến... trượt thành đỗ

Người thạo việc đã tìm diệu kế gửi duyệt đỗ trường nhóm điểm thấp, rồi chạy chuyển trường về theo nguyện vọng 1.

LTS: Bật mí những mẹo chuyển trường nhằm biến trượt thành đỗ một cách hợp pháp của một số trường, tác giả Lư Nguyên đã có bài viết chia sẻ cùng quý vị độc giả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Quyền được chuyển trường của học sinh phổ thông được quy định rõ tại Điều 2 Quyết định 51/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng hiện nay, việc chuyển trường của học sinh hết sức khó khăn.

Mẹo biến trượt thành đỗ qua hình thức chuyển trường đã làm khó dễ cho nhiều học sinh nguyện vọng chính đáng không được chuyển trường.

Mẹo chuyển trường biến trượt thành đỗ (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Quyết định 51/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn hiệu lực

Quyền được chuyển trường và nhập học (Điều 2) và đối tượng chuyển trường (Điều 4) của Quyết định số 51/2002 vẫn hiệu lực.

Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành lại có những quy định riêng theo tình hình thực tế nhằm hạn chế việc chuyển trường ồ ạt, gây khó khăn cho cả hai phía chuyển đi và nhập học trong nước.

Điều 2. Chuyển trường

1. Trừ các quy định tại khoản 2 và 3 Điều này, học sinh được xét và giải quyết chuyển trường nếu bảo đảm đủ các điều kiện về đối tượng và hồ sơ thủ tục tại các Điều 4 và 5 của Quy định này.

2. Việc chuyển trường từ trường trung học bình thường sang trường trung học chuyên biệt (phổ thông dân tộc nội trú, trường chuyên, trường năng khiếu) thực hiện theo quy chế riêng của trường chuyên biệt đó.

3. Việc chuyển trường từ trường trung học phổ thông ngoài công lập sang trường trung học phổ thông công lập chỉ được xem xét, giải quyết trong hai trường hợp sau:

Điều 4. Đối tượng chuyển trường và xin học lại

1. Chuyển trường:

Những chiêu... chạy trường

a) Học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

b) Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường.

2. Xin học lại:

Học sinh xin học lại sau thời gian nghỉ nhưng còn trong độ tuổi quy định của từng cấp học. [1]

Mẹo biến trượt thành đỗ

Chuyển trường của học sinh tiểu học chỉ khó khăn ở thị thành nên không bàn trong bài viết này. Chúng tôi trao đổi sự việc liên quan giữa chuyển trường và tuyển sinh đầu cấp.

Sự việc càng phức tạp khi điểm chuẩn vào trường công lập trung học phổ thông lệch nhau hàng chục điểm trên cùng địa bàn tuyển sinh.

Quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển trái tuyến, chuyển nguyện vọng 2 (hệ công lập, trừ trường chuyên biệt) để đảm bảo chỉ tiêu vào trường đã tạo cơ hội cho nhiều học sinh cơ hội đi học.

Việc phúc khảo không dễ dàng gì và tốn kém lắm mới xong việc và tùy người. Người thạo việc đã tìm diệu kế gửi duyệt đỗ trường nhóm điểm thấp, rồi chạy chuyển trường về theo nguyện vọng 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt danh sách đỗ bổ sung và trực tiếp duyệt chuyển trường cho những trường hợp cụ thể mà theo quy định, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có quyền chuyển đi và tiếp nhận học sinh trong huyện, tỉnh (ngoài tỉnh là Sở).

Phòng chuyên môn trực tiếp đề xuất để Giám đốc quyết định số chỉ tiêu bổ sung và số chuyển trường, cho gửi trường hợp này đến lúc nào đó thuận lợi cho chuyển về theo nguyện vọng.

Từ trượt tuyển sinh biến thành đỗ hợp pháp những trường hợp đặc biệt mà việc phúc khảo không thể kham nổi thêm nữa.

Mùa chạy trường, những chuyện có thật mà khó tin

Con dân chân chính bị vạ lây

Nhiều tỉnh thành cả nước đã sử dụng mẹo chuyển trường biến trượt thành đỗ này.

Nếu chuyển từ trường có điểm chuẩn vào trường cao đến trường có điểm chuẩn thấp thì không khó; nếu chuyển theo công việc của bố mẹ hoặc chuyển theo gia đình; nếu chuyển cùng hệ công lập hay tư thục thì hầu như thuận lợi, ít tốn kém.

Những trường hợp đặc biệt khác theo cách từ trường điểm chuẩn thấp đến trường điểm chuẩn cao (thực chất là gửi chân) diễn ra rất công khai, hợp pháp.

Có trường hợp vừa học được 1 tuần, học sinh đầu cấp (lớp 6, lớp 10) đã chuyển trường trong sự thán phục của thầy cô và các bạn.

Sở Giáo dục và Đào tạo biết qua báo cáo đầu năm học của từng đơn vị, nhưng vẫn im lặng. Khi thấy việc biến trượt thành đỗ làm ngay diễn ra nhiều quá, đành quy định “hết học kỳ I”, rồi “kết thúc năm học” mới cho phép chuyển trường trong huyện, tỉnh.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trường trọng điểm của mỗi huyện thị nhận khoảng chục học sinh chuyển về hàng năm, thậm chí nhiều hơn, mà vẫn chưa vượt quy định bình quân sĩ số không quá 45 học sinh/lớp (trừ thành phố lớn đông dân). Những trường hợp thực sự chính đáng rất ít mà chủ yếu là giải quyết do thiếu điểm tuyển sinh chuyển về.

Sự việc biến học sinh trượt thành đỗ tuyển sinh của các trường phổ thông đã vượt khỏi tầm soát của cấp Phòng và Sở.

Sự bất bình đến mức phụ huynh lên tiếng, thành câu chuyện thời sự nên Sở Giáo dục và Đào tạo nào cũng ban hành văn bản nhằm hạn chế và siết chặt việc chuyển trường có dấu hiệu không bình thường này.

Nhưng những trường hợp đặc biệt, vẫn có cơ hội chuyển trường dù phải được trực tiếp Phòng và Sở duyệt nhờ mối quan hệ ô dù và tiền bạc.

Xưa nay đơn xin nào chẳng ghi lý do hợp pháp, đúng hoàn cảnh, đủ điều kiện (có ai kiểm chứng bao giờ mà không viết vào).

Nhiều phụ huynh đang chạy hết tốc lực để con được vào lớp 10

Giá của mỗi vụ chuyển trường ở tỉnh (nghe dư luận) khoảng trên dưới chục triệu và phải bí mật, phải có thế lực chứ không phải ai cũng làm được.

Khổ thân cho những học sinh không đủ điều kiện kia để được chuyển trường.

Do mẹo của kẻ sĩ mà cơ quan quản lý thắt chặt qua những quy định ràng buộc ngặt nghèo như thời gian 2 đợt (cuối kỳ I, trước khi vào năm học mới) với thủ tục các bước không thể lằng nhằng hơn (đơn, tiếp nhận, hồ sơ, xét duyệt tại hội đồng trường, nộp Phòng, Sở phê duyệt rồi mới chuyển được hay không. [2]

Hoặc như tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Giáo dục và Đào tạo quy định bắt buộc ghi trong đơn xin xét nguyện vọng 2, năm học 2018-2019 (theo mẫu thống nhất toàn tỉnh Sở gửi) là “cam kết không chuyển trường trong suốt ba năm học”.

Với cách làm này, Vĩnh Phúc sẽ gần như dẹp được mẹo chuyển trượt thành đỗ những lại tước mất quyền chuyển trường chính đáng của học sinh.

Thực tế, người dân thường không dám nghĩ đến, nhưng những trường hợp đặc biệt chính đáng “bất khả kháng” vẫn được chuyển trường, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo đồng ý.

Muốn được việc và nhanh chóng, dịch vụ cò chuyển trường trọn gói sẽ tư vấn và giúp đỡ với điều kiện chi phí thỏa thuận. Đó là “chân lý chạy” được thực tiễn xã hội ta chứng minh.

Mong các cơ quan quản lý mau dẹp bỏ tận gốc mẹo chuyển trường biến trượt thành đỗ hiện nay để những học sinh có nguyện vọng và điều kiện chuyển trường chính đáng thuận lợi và không mất lệ phí theo quy định hiện hành.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/…/Quyet-dinh-51-2002-QD-BGDDT-ch…

[2]https://vanbanphapluat.co/quy-dinh-1533-qd-sgd-dt-chuyen-tr…

Lư Nguyên

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/meo-chuyen-truong-bien-truot-thanh-do-post190053.gd