Mênh mang một khúc sông Hồng

Bạn thấy chăng nước sông Hồng cuồn cuộn chảy về Đông? Bạn nghe chăng sấm sét âm vang cả một góc trời? Bạn đã từng nghe một thiên hùng ca khiến lệ ứa trào và máu sôi trong tim? “Mênh mang một khúc sông Hồng” hàm chứa tất cả những cảm giác trên, nó khiến bạn bỗng chốc tìm về cội nguồn, tìm lại bản ngã của mình, khiến bạn bỗng chốc hóa thân Thánh Gióng, khí phách anh hùng nhập vào hồn bạn.

Cụ thể hơn, bạn trở lại với một khúc sông quê, hiền hòa, nhưng hồn thiêng cuồn cuộn, nó tiêu biểu cho hàng trăm ngàn khúc sông khác trải dài trên đất nước thân thương. Rồi bạn hồi tưởng lại một dòng đời đã đi qua, lật lại những trang sử hào khí xung thiên, khiến mắt bạn hoen đỏ, tim bạn sục sôi, hồn bạn lâng lâng đầy tự hào, đầy hãnh diện là con Hồng cháu Lạc.

Mở đầu bài hát, cả một dàn giao hưởng vang lên tiếng nhạc đệm hoành tráng. Tiếng violon, Violoncelle, contrebasse, trumpet, tiếng chiêng, tiếng trống timpani... ào ào, dào dạt, rầm rầm rộ rộ hòa âm phối khí tựa tiếng gào thét của một dòng thác lũ như được tuôn xuống từ trời cao, và như những đợt sóng cuồn cuộn nhấp nhô, tạo cho ta một cảnh tượng bi hùng trước mắt, như cả một núi tuyết khổng lồ bị sụp đổ bởi nham thạch trong lòng đất phun trào, lửa bốc nghi ngút, khói bay ngùn ngụt, mây đen đầy trời... Trong bối cảnh hào hùng và tráng lệ ấy, ca sĩ Tùng Dương cất giọng, anh như đứng bên triền đê của dòng sông Cái, giang hai tay như ôm trọn khúc sông vào lòng, ngửa mặt hãnh diện nhưng trìu mến cất lên lời ca. Tiếng hát anh trong veo, ngân vang, lượn là trên mặt sông, đưa đẩy theo triền đê dài hun hút rồi vút lên trời xanh, lấp đầy khoảng không gian bao la: Là đây một khúc sông Hồng Lấp lánh ánh vàng trên mặt nước mênh mang, ta xuôi ngược dọc ngang. Gió nắng chang chang bến bờ xôn xang, thênh thang ta hát... Nhạc điệu lại chuyển sang tiết tấu nhanh với những âm hưởng thánh thót, đưa đẩy, có một cảm giác lâng lâng chứa chan niềm hân hoan đến ngây ngất, người nghe như đang được ngồi trên một con thuyền lướt nhanh qua từng đoạn sông khúc khuỷu, ta như nhìn thấy hoa nở rực rỡ, lúa ngô chín vàng, bạt ngàn đôi bờ sông. Đây những làng mạc, đồng quê ven sông, những khóm tre, bụi chuối, chợ chiền. Một bà mẹ tất tưởi với gánh nặng trĩu vai đong đưa đôi thúng một bên là những mớ rau, mớ khoai, một bên là đứa bé chẳng biết trời cao đất dầy, chỉ thấy nó sung sướng tít mắt cười, tay cầm khúc mía... thể hiện lên hình ảnh sống động đã diễn ra bao năm ở đôi bờ sông của vùng châu thổ sông Hồng. Ta nghe sóng xô dạt dào, như dòng đời không nghỉ ngơi, chan chứa đầy vơi... Con sông vẫn như ngày nào, miệt mài mấy ngàn năm, mãi mãi dâng trào Ta nghe sóng xô dạt dào, đôi bờ như vòng tay ôm ấp dịu dàng... Con sông vẫn như ngày nào, nhọc nhằn hay khổ đau, vẫn mãi mãi ngọt ngào Anh đã đưa cả dòng đời đầy những đắng cay ngọt bùi vào trong linh hồn khúc hát. Khác với “Chảy đi sông ơi” hay “Lội dòng sông quê”. Lần này, anh nhìn dòng sông với một linh nhãn lợi hại hơn, từ đó mà anh nhìn ra được một tầm vóc lớn hơn trong khúc sông quê. Anh không chỉ bó gọn tình cảm của anh trong khuôn khổ một dòng sông như những bài trước, lần này, anh nhìn thấy một dòng đời, anh nhìn thấy lịch sử, nhìn thấy sứ mệnh và cuối cùng, anh nhận ra hồn sông núi trong đó. Anh nhắc lại nỗi đau của dòng sông như nỗi đau của khúc ruột trong người. Những trận mưa xối xả triền miên khiến nước sông cuồn cuộn, những guồng nước xoáy to bằng cái nong quay tít, xoáy hun hút xuống tận đáy rồi gầm thét nuốt chửng những đoạn đê, ngập lụt hãi hùng... Nhớ thuở nào... ôi khúc sông quê tôi, đồng đất quê tôi có nơi nào như thế Mười tám lần vỡ đê, nước trắng xóa đồng quê, xót xa não nề. Nhưng khúc sông quê tôi là bản hùng ca của muôn đời, nơi hóa thân hồn sông núi. Nước sông Hồng trong mùa lũ có màu đỏ hồng do phù sa mà nó mang theo, đây cũng là nguồn gốc tên gọi của nó. Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng tả ngạn, hữu ngạn và vùng châu thổ ở đồng bằng Bắc Bộ. Do lượng phù sa lớn mà lòng sông luôn bị lấp đầy khiến cho lũ lụt thường xuyên xảy ra, vì thế mà từ lâu hai bên bờ sông người ta đã đắp lên những con đê to nhỏ để tránh lũ lụt, ngăn nước. Để viết được bài này, tác giả đã bỏ công đi trên những đoạn đê sông Hồng nhiều lần, tôi cũng đã bị anh lôi đi để “hút” linh khí sông Mẹ nhiều lần. Có lúc vào buổi sáng tinh mơ khi gà chưa gáy. Có lúc vào giữa trưa hè trời nắng chang chang và những hoàng hôn, khi mặt trời hắt những tia nắng đỏ rực xuống mặt sông vốn đã màu hồng càng khiến cảnh tượng bi hùng hiển hiện. Khi ấy, mắt anh cũng hoen đỏ, anh đã ngồi tại đây hàng giờ rồi... tôi im lặng ngắm nhìn người nhạc sĩ đã phong sương 76 Xuân Thu. Anh yêu quê hương tha thiết, anh đã viết nhiều bài về dòng sông Mẹ, và hôm nay anh trở lại đây, trở lại bên Mẹ hiền. Anh đang thả hồn mình hòa trong hơi thở của dòng sông. Khí thiêng cuồn cuộn, anh như được mẹ vuốt ve ôm vào lòng. Mẹ già tần tảo, một nắng hai sương với đôi vai gầy gánh vác cả cuộc đời để dưỡng dục anh thành người. Nhạc réo lên thống thiết, như tiếng nức nở của con thơ đi tìm sữa mẹ... Ôi khúc sông quê tôi, trăn trở khôn nguôi, với đất trời, nhân thế Sông đắp đổi cho đời bằng dòng nước phù sa như sữa mẹ nuôi người Nay miền đất quê tôi, giữa lồng lộng đất trời, đẹp như thì con gái. Kìa bờ sông ruộng mật, rạng rỡ rừng lá hoa bên triền sông bao la. Rồi tiếng hát lại như thiên binh ngàn mã hùng dũng ra trận. Chỉ thấy cờ súy ngợp trời, quân sĩ ngời ngời khí thế xông vào đánh tan quân xâm lăng, bảo vệ Hồng Hà, bảo vệ đất mẹ. Ông cha ta đã viết lên một trang sử hào hùng, con cháu ta sẽ tiếp nối bước chân anh linh đó, để khúc Khải hoàn ca được tấu lên muôn đời. Tiếng hát vang lên đầy hào khí, đầy dũng mãnh trong khuôn nhạc hừng hực máu lửa, hừng hực những khát vọng gìn giữ non sông Đại Việt... Giặc xâm phạm nơi đây, lưới trời sẽ bủa vây, gieo kinh hoàng tan tác. Nghe đâu đây còn âm vang tiếng sấm sét Tây Kết cùng Chương Dương Hàm Tử Quan Trên sông nước khúc sông quê tôi.

Cả một bản nhạc, nghe xong lại muốn nghe, nghe rồi thấm đậm tình cảm dạt dào của người nhạc sĩ không chỉ viết cho một con sông vô tri vô giác, mà anh viết cho Mẹ. Những người mẹ Việt Nam âm thầm như dòng sông, cần mẫn, chịu đựng tất cả những gió mưa bão bùng, phơi mình trong nắng mưa, trong tai ác của đời để dùng sữa của mình, mồ hôi nước mắt mình, nuôi dưỡng con cái, như sông đã bồi đắp phù sa hai bên triền sông. Rồi Mẹ ra đi, cũng vội vã, rộn rã, không luyến tiếc cuộc đời, như nước sông cuộn chảy ra biển Đông.

Phó Đức Phương là một nhạc sĩ hết sức khắt khe trong sáng tác. Anh chẳng bao giờ cho mình nhẹ dạ cầm bút khi cảm xúc thực sự của anh chưa đến, với nguyên tắc tìm tòi linh cảm theo phương pháp nhân thần thành một! Tại sao tôi phải dùng từ “nhân thần thành một ”?. Chính vậy, anh phải như thiền định, ép cho hồn anh tan đi, rời xa cõi trần tục, hòa nhập vào không gian bao la để tìm linh cảm bài hát . Anh đặt mình vào thế “Hãm chi tử địa nhiên hậu sinh” trong Tôn Tử Binh Pháp, nghĩa là đặt mình vào thế chết rồi từ đó hồi sinh. Con người chỉ khi chết, hồn mới lìa khỏi xác, hồn anh bay liệng trong chín tầng trời để hòa nhập với linh thể của một vị thần âm thanh nào đó, rồi từ đó “Ngộ” ra được những nốt nhạc anh cần viết. Nói vậy để các bạn thấy được sự kính cẩn của Phó Đức Phương trong sáng tác, cũng như con người anh trong cuộc sống, anh nguyên tắc đến bá đạo, đến phát xít để tôn thủ chính nghĩa và đạo đức con người. Trong bài này, tại sao anh lại viết được hùng hồn thoát tục đến thế? Tôi nghĩ rất có thể, khi anh đứng ở khúc sông Hồng đoạn nằm ở Văn Giang, Hưng Yên, quê anh và cũng là quê người anh hùng liệt sĩ Phó Đức Chính. Phải chăng linh hồn người anh hùng dân tộc đã cảm động với tấm lòng thành của anh khi viết về quê hương thân thương và đã nhập vào hồn anh, đem đến cho anh những linh cảm, để khiến những nốt nhạc của anh thăng hoa đúng tầm cỡ của một thiên hùng ca, lột tả linh khí dòng sông quê hương, cũng như linh khí Đại Việt. Đây là một bước tiến mới của âm nhạc Phó Đức Phương, chứng tỏ gừng càng già càng cay, dao càng mài càng sắc. Bản nhạc nghe đến mê li, đến rạo rực. Âm thanh như đưa bạn về với con sông, bay lượn trên dòng sông, nghe hơi thở của sông, nghe hơi thở mẹ hiền... từ đó, một bức tranh hào hùng, sinh động của dòng sông, của non sông đất nước được phác họa ra. Khiến bạn cảm động đến ngỡ ngàng, tim bạn co bóp, thắt lại từng hồi.

Có dịp, bạn hãy về ngắm con sông quê hương vào buổi chiều tà, đeo tai nghe trên tai và nghe lại “Mênh mang một khúc sông Hồng”. Chắc chắn bạn sẽ nức nở, tình cảm sẽ dâng lên dào dạt như dòng sông, như sóng cuồn cuộn chảy xiết... Trên dòng sông quê, nắng gió tràn trề. Ta hát...ta hát...ta hát trong nồng nàn quê ta, nồng nàn, nồng nàn quê ta.

Nghe bài hát MÊNH MANG MỘT KHÚC SÔNG HỒNG tại đây.

Peter Pho - Bãi biển Đà Nẵng, 16/9/2019

Peter Pho

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/menh-mang-mot-khuc-song-hong-71836