Mệnh lệnh từ trái tim

Phát động tháng cao điểm về người nghèo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến 'mệnh lệnh từ trái tim'. Còn báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nhắc đến một điều đặc biệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đó là:'đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân'

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Điều đặc biệt này chính là động lực để Chính phủ quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Từ điều đặc biệt trong điều hành Chính phủ, dẫu cho đại dịch Covid-19 hay thiên tai khốc liệt trên cả ba miền khiến cho GDP hụt đích là điều tất yếu, thì chỉ tiêu giảm nghèo vẫn cán đích.

Trong khi đại dịch Covid-19 làm đảo lộn kế hoạch thực hiện các mục tiêu bền vững và cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên, như ước tính của Tổ chức Oxfam, đại dịch khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói thì ở Việt Nam giảm nghèo là 1 trong 8 chỉ tiêu hoàn thành được trong năm nay. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm, riêng các huyện nghèo giảm trên 5 điểm phần trăm, đạt mục tiêu đề ra. Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 2%/năm; giai đoạn 2016 - 2020, đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 còn 3,75% vào cuối năm 2019, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020 - đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo.

Ở lĩnh vực chiếm tới gần 70% dân số là nông nghiệp, lĩnh vực được coi là có nhiều người nghèo hơn cả, tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn. Tăng trưởng cả năm 2020 của ngành nông nghiệp thậm chí còn cao hơn năm 2019 khi ước đạt khoảng 2,6% (năm 2019 tăng 2,01%).

Nhưng điều đặc biệt sẽ còn phải trở nên rất đặc biệt, bởi ngay lúc này, khi nền kinh tế đang đuối sức vì đại dịch thì trận bão lũ rất lớn diễn ra ở miền Trung phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của rất nhiều địa phương, sẽ làm cho rất nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo và kiệt quệ, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội sẽ ngày càng khó khăn hơn nữa. Trên quy mô cả nước, vẫn còn gần 1,9 triệu người trong 500 nghìn hộ nghèo không đủ khả năng lao động để thoát nghèo; vẫn còn nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, hàng nghìn xã, thôn còn rất khó khăn…

Người đứng đầu Chính phủ quả quyết: “không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta”. Chắc chắn rằng Chính phủ không nói suông.

Nhìn vào cả giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng, Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thường xuyên, liên tục để thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo bền vững; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều và hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là ở các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 theo nghị quyết Quốc hội đề ra.

Ngay giữa thời điểm căng thẳng vì chống “giặc” dịch bệnh là hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ vẫn cố gắng giữ đúng tiến độ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 – nhằm ưu tiên nguồn lực hơn, đầu tư trọng tâm hơn với mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đoàn Trần

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-10-23/menh-lenh-tu-trai-tim-93936.aspx