Men rượu nồng ấm của tộc người trên núi Măng Rơi

Núi Măng Rơi nằm ở nơi nối liền hai huyện Tu Mơ Rông và Đắk Tô, (Kon Tum), là nơi tộc người Xê Đăng sinh sống từ lâu đời.

Đường qua ngọn núi Măng Rơi ngoằn ngoèo với đoạn đèo dài cả chục cây số. Chỉ khi lên đến đỉnh, người đi đường mới có thể ngắm núi rừng và những mái nhà nhấp nhô dưới chân đèo.

Ăn Tết lúa mới từ tháng 10

Măng Rơi được hiểu theo nghĩa của người Xê Đăng là đỉnh núi nằm trên khe nước. Trước đây, vào khoảng năm 1975, tộc người Xê Đăng sinh sống tại vùng Đắk Sơ Mei (Gia Lai), khoảng năm 1982 toàn bộ dân làng quyết định di dời về ngọn núi Măng Rơi.

Từ núi Măng Rơi đến dãy Ngọc Linh khoảng chừng 40km, nằm trên các làng xã như Ngọc Yêu, Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, Tu Mơ Rông và Đắk Hà với nhiều đời tộc người Xê Đăng trú ngụ có gốc như Xơ Teng. Người Xê Đăng sinh sống ở núi rừng nên một trong những nghi thức lễ không thể thiếu là ngày ăn lúa mới, mỗi năm cứ vào khoảng tháng 10 - 11 hàng năm, mỗi nhà đều chuẩn bị cho cái Tết lúa mới.

Tại làng Đắk Hà khi đến ngày lễ, già làng sẽ thông báo cho mọi người trong làng rằng, gần đến ngày ăn lúa mới phải tụ họp mọi người lại để thống nhất ngày tổ chức. Biết được cả làng chuẩn bị mọi thứ, đầu tiên mỗi nhà phải tự nấu cơm, chuẩn bị đồ ăn sẵn như thịt chuột rừng, cá, thịt rừng, rau rừng, thịt khô, chuối… tất cả những thứ này đều được lấy ở rừng về. Khi được chính tay mỗi người chế biến.

Ngoài những thứ này, một yếu tố không thể thiếu trong ngày lễ lúa mới, đó là rượu cần. Rượu cần được lên men từ dây cây rừng có tên (pló), khi lấy từ rừng dây pló được người dân giã cối thành nước rồi đem gạo nghiền thành bột trộn với nước này. Nước có màu xanh tươi, khi trộn với bột gạo thì sẽ vắt lại để ủ tạo men rượu.

Cuối cùng, gạo hoặc mỳ được nấu chín rồi đổ ra để phơi một thời gian, mục đích để cho khô nguyên liệu để trộn với men. Khi trộn, người làm sẽ cho vào hũ cần để ủ khoảng thời gian 1 tháng, vừa nóng, vừa ra men, rượu khi uống có cảm giác ngọt và dễ uống nhưng lại dễ say hồi nào không hay.

Khi đã đầy đủ mọi người dân trong làng, già làng sẽ nói chuyện về năm nay có được gì, mất cái gì, cầu cho mọi người sang năm mới sẽ được thêm mùa màng, tình cảm làng xóm lại ngày một ấm áp hơn. Xong xuôi, đâu vào đấy cả làng bắt đầu tận hưởng ngày vui cho say sưa với men rượu và no ấm với gạo làng làm ra.

Cũng là rượu cần, nhưng ở Ngọc Yêu, Ngọc Lây thì tộc người Xê Đăng lại có một loại rượu cần có hương vị rất đậm đà, đó là rượu cần làm bằng hạt kê. Chứ không phải bằng củ mì, gạo như nơi khác. Rượu kê làm trong những ghè nhỏ, rượu cần hạt kê uống rất bổ, khỏe cho người đi làm công việc nặng nhọc như nương rẫy mà bà con người Xê Đăng vẫn làm.

Lễ hội “cúng máng nước” của người Xê Đăng. ảnh: T.Nhuệ

Hàng năm nhiều lễ hội thú vị

Đỉnh đèo Măng Rơi có thời tiết lạnh hơn so với các vùng khác, nhiệt độ thấp hơn vài ba độ nhưng khi tới nơi này, người đi đường có cảm giác mát và lạnh hơn khi vào mùa khô. Ở Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cứ vào tháng 3 cuối mùa khô hàng năm, người Xê Đăng ở làng Đắk Hà và xã Tu Mơ Rông thường bắt con dúi- loại chuột đất lớn khoảng 1 - 1.5kg, khi tìm được thì cắt tiết để cúng Thần nước. vì theo người Xê Đăng kể lại, con dúi là vật cúng tế Thần nước không thể thiếu, bắt được con vật này thì mọi người có trách nhiệm với dân làng.

Lễ thức dân gian truyền thống “Sửa máng nước giọt”, hoặc “cúng máng nước” gọi là (Lễ OnĐtrô KnengTea). Bắt đầu lễ, người già làng sẽ cắt tiết con dúi và hòa vào dòng nước đang chảy, máng nước do chính tay già làng thông chảy. Khi tiết hòa vào nước, có nghĩa là dân làng có nguồn nước sạch sẽ và trong mát, Thần nước phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, làm ăn đủ đầy. Theo quan niệm của người Xê Đăng, máu con dúi là máu Thần nước, nó đem lại sức mạnh, nhiều niềm may mắn cho cả làng.

Ngoài ra, còn có một câu chuyện rất đặc biệt khi người làng biên dịch thành tiếng phổ thông những câu chuyện cổ của người Xê Đăng từ lời kể của các già làng ở Tu Mơ Rông, được Phòng Văn hóa thông tin huyện sưu tầm, là “Hổ không ăn thịt người Xê Đăng”. Đây là một truyện cổ ở vùng Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, nói về một giai thoại, hổ mắc mưu loài ốc khi thi chạy với ốc ở ven suối.

Hổ chạy bở hơi tai nhưng đến đâu cũng có ốc bò phía trước, do loài ốc khôn ngoan, chia nhau mỗi con ở một đoạn bờ suối, hổ bị thua tức quá vồ lấy ốc nhai ngấu nghiến, chẳng may vỏ ốc vỡ đâm vào kẽ răng làm hổ rất đau và khó chịu, hổ không sao lấy ra được, vùng chạy khắp cánh rừng và chạy vào một bản làng người Xê Đăng gặp một tốp phụ nữ đang giã gạo.

Hổ gầm lên và ngoác miệng hết cỡ để nhờ người lấy hộ vỏ ốc, những phụ nữ Xê Đăng đang giã gạo sợ hết hồn tưởng hổ sẽ vồ để ăn thịt, một phụ nữ Xê Đăng nhanh trí lấy ngay chiếc chày giã gạo phang mạnh vào miệng hổ để đánh đuổi, chẳng ngờ do cú đánh ấy, vỏ ốc ở kẽ răng hổ văng ra làm hổ hết nhức và dễ chịu, hổ liền cúi đầu trước những người phụ nữ Xê Đăng hàm ý cảm ơn rồi quay đầu chạy vào rừng. Từ đấy, loài hổ không bao giờ ăn thịt người Xê Đăng.

Trong văn hóa cồng chiêng, vùng này có một bộ chiêng nổi tiếng nhất của người Xê Đăng, đó là chiêng Tha của người B’Râu thường được gọi tên khác theo tiếng của người bản địa là (Pùm poàng hoặc Pơm poa). Đây là loại chiêng để sử dụng duy nhất cúng thần và Giàng khi có lễ hội đến.

Một nét nổi bật trong văn hóa người Xê Đăng là các đôi trai gái hẹn hò nhau, để yêu nhau và lấy nhau, khi thích nhau rồi thì báo với gia đình để tìm người mai mối. Người mai mối là người có uy tín trong làng am hiểu về phong tục, được dân làng kính trọng. Sau khi mai mối thành công, hai bên gia đình tổ chức lễ ăn hỏi được tổ chức tại nhà gái, cả họ nhà trai phải tới với các sính lễ như: Trầu cau, thuốc bột, thịt khô, cá, một con gà trống, một con gà mái. Và cuối cùng là lễ cưới thì lễ vật nhà trai gồm có 2 vòng đồng đeo tay, 2 ống đựng thuốc bột, 2 vòng đeo cổ, chiêng, ché, vải dệt…

Già làng A. Hnêr (56 tuổi, làng Đắk Hà) cho biết: “Văn hóa của người Xê Đăng thú vị, nếu tìm hiểu kỹ thì còn nhiều lắm. Tôi thấy văn hóa về tộc có nhiều điểm cần được lưu giữ và phát huy, nhưng hiện nhiều người trẻ không còn tiếp nhận để truyền đạt như trước đây mà mai một đi”.

Tiến Nhuệ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/men-ruou-nong-am-cua-toc-nguoi-tren-nui-mang-roi-111636.html