'Mềm hóa' cách tiếp cận lịch sử cho học sinh thông qua giáo dục di sản

Sau một năm triển khai, chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đã thu hút hàng vạn học sinh tham gia. Đây là cách vừa chơi, vừa học tạo sự hào hứng và phù hợp với lứa tuổi, để các em đến với di sản và thêm yêu Thăng Long – Hà Nội.

Hoàng thành Thăng Long là một địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Công tác giáo dục di sản cho học sinh được Trung Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội quan tâm, nhằm quảng bá, phát huy giá trị di sản, bồi đắp thêm niềm tự hào cho thế hệ trẻ.

Những dụng cụ, trò chơi dân gian truyền thống gắn với Tết Trung thu được trưng bày tại di tích Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Những dụng cụ, trò chơi dân gian truyền thống gắn với Tết Trung thu được trưng bày tại di tích Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Thông qua những trò chơi thú vị đã cho học sinh hiểu được phần nào công việc tìm tòi và bảo quản những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Đây là cách vừa chơi, vừa học tạo sự hào hứng và phù hợp với lứa tuổi, để các em đến với di sản và thêm yêu Thăng Long – Hà Nội.

Tại di tích Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm nay tổ chức chuỗi hoạt động hè “Sĩ tử nhí – Chắp cánh ước mơ” cho thiếu nhi. Đây cũng chính là chương trình giáo dục di sản cho thiếu nhi Thủ đô một cách thiết thực, bên cạnh việc tạo sân chơi bổ ích ngày hè cho các em. Vì vậy, ngay từ khi sân chơi được mở ra, đông đảo thiếu nhi đã đăng ký tham gia với tinh thần hào hứng.

Bởi đây là những cách tiếp cận mới trong phương pháp giáo dục di sản cho giới trẻ, không khô khan, cứng nhắc. Với phương pháp này, học sinh không chỉ được tiếp thu kiến thức từ những bài giới thiệu, mà còn được trải nghiệm, tương tác, tìm hiểu về di sản.

Lượng kiến thức đọng lại sẽ ấn tượng hơn trong việc bổ sung những hiểu biết về văn hóa, lịch sử mà các em còn thiếu khi học trên lớp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà nhu cầu học ngoại khóa, tìm hiểu thực tế tại các di sản đang được áp dụng tại nhiều bậc học, từ mẫu giáo tới cả bậc trung học phổ thông.

Với những cách làm mới đó, qua một năm triển khai, chương trình giáo dục di sản đã có 19.086 học sinh tham gia tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa (tại Hoàng Thành Thăng Long là 17.847 em, Cổ Loa là 1.239 em). Bên cạnh đó, số lượng học sinh tham quan tự do ở cả hai di tích là trên 100.000 em.

Hai chương trình giáo dục di sản nổi bật là “Em làm khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản” là hai hướng tiếp cận mới trong công tác giáo dục di sản, tránh được lối mòn cũ bằng việc tạo ra những chương trình bổ ích, lý thú, chơi mà học - học mà chơi.

Qua đó, giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm; góp phần rèn luyện kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm; rèn luyện các phẩm chất cần cù, kiên trì, sáng tạo, tỉ mỉ.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, để đáp ứng nhu cầu của học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản, tìm hiểu lịch sử, Trung tâm đã xây dựng nội dung chuyên đề học tập như: Bộ tài liệu, bảng hỏi, phiếu hoạt động cụ thể, kèm hình ảnh sinh động. Trung tâm tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm tái hiện nét văn hóa truyền thống của cha ông như Tết Việt, Tết Đoan Ngọ, Vui Tết Trung thu...

Bên cạnh những thành quả đạt được sau một năm triển khai, theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội việc triển khai chương trình giáo dục di sản vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: hạ tầng trong khu di sản chưa đáp ứng khi số lượng học sinh đến đông, cùng thời điểm (trên 3.000 học sinh) dẫn đến quá tải một số khu vực đón tiếp, bãi giữ xe, nhà vệ sinh, số lượng học sinh tham quan tự do, không tham gia chương trình còn đông.

Nguyên nhân một phần do các nhà trường chưa tiếp cận được chương trình cụ thể, một phần do không có kinh phí tham gia, hoặc tham quan nhiều điểm một buổi nên không đáp ứng được thời gian.

Tò he được đưa đến di tích Hồ Văn giúp học sinh và người dân hiểu hơn về nghề truyền thống

Để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng chương trình giáo dục di sản, trong thời gian tới, Trung tâm và Sở Giáo dục và đào tạo sẽ phối hợp đẩy mạnh thực hiện chương trình ở những nội dung như: bổ sung chương trình lễ dâng hương, lễ báo công, tổ chức chuyên đề tìm hiểu lịch sử với chủ đề “Điện Kính Thiên trong lịch sử”, chuyên đề giáo dục môi trường; triển khai một số hoạt động ứng dụng công nghệ phục vụ chương trình Giáo dục di sản như Game giáo dục di sản, tương tác “Chiếc bàn khảo cổ kỳ thú”...

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ nâng cấp và duy trì sân chơi tại khu vực Hậu Lâu; tăng cường khả năng đón tiếp, bổ sung đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đồ dùng, dụng cụ phục vụ học sinh tham gia chương trình ở cả hai khu di tích.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/mem-hoa-cach-tiep-can-lich-su-cho-hoc-sinh-thong-qua-giao-duc-di-san-95883.html