Melita Norwood nữ điệp viên nguyên tử cuối thời Chiến tranh lạnh

Đó là nữ điệp viên người Anh làm việc cho KGB Melita Norwood, 87 tuổi, người được miễn truy tố vì quá già.

Điệp viên tại nước Anh suốt 40 năm mà không hề bị phát giác

Đầu tháng 9-1999, tờ The Times của Anh đã đăng tài bài viết, tựa đề Revealed: the quiet woman who betrayed Britain for 40 years. The spy who came in from the Co-op (tạm dịch: Người phụ nữ thầm lặng phản bội nước Anh suốt 40 năm).

Cũng trong thời gian nói trên tại Anh người ta còn tung ra bán ấn phẩm nói về lịch sử Tình báo Anh, có tên The Spy Who Came In From the Co-op: Melita Norwood and the Ending of Cold War Espionage.

Những ấn phẩm này đều tập trung vào Melita Norwood, người cuối cùng trong số các điệp viên nguyên tử hay giai đoạn Chiến tranh lạnh. Thành tích của Melita đã giúp Liên Xô rút ngắn dự án bom nguyên tử xuống 5 năm nhờ các thông tin Melita thu thập được từ Mỹ và phương Tây.

"Đặc vụ Hola" huyền thoại Melita Norwood

"Đặc vụ Hola" huyền thoại Melita Norwood

Vào thời điểm thế giới phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm gây ra bởi sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, là sau hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) tháng 8/1945, tình báo Anh và Mỹ đã ước tính ngày sản xuất bom nguyên tử sớm nhất của Liên Xô là năm 1953.

Thực tế, Liên Xô đã thử nghiệm bom nguyên tử vào năm 1949. Quả bom của Liên Xô trùng với thời điểm Chiến tranh Lạnh bắt đầu.

Melita là thành viên của một trong những mạng lưới gián điệp cộng sản ở Mỹ và Anh, những người mong muốn tìm ra những thông tin liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Mỹ sau Thế chiến II để cung cấp cho Liên Xô nhằm cân bằng tình thế.

Melita Norwood được dư luận gọi bằng những cái tên trìu mến như “Nữ điệp viên không bao giờ bị bắt”, “Bà nội điệp viên” hay “Điệp viên không bị kết án”...

Bà từng nằm trong diện nghi vấn của Tổng cục tình báo an ninh Anh (MI5) từ năm 1945, thậm chí đã bị kẻ bội phản KGB, Vasily Mitrokhin chỉ tên, nhưng rồi Melita vẫn sống thảnh thơi ngoài vòng pháp luật, tận hưởng những năm tháng cuối đời lặng lẽ ở Bexleyhealth (quận Kent, Anh).

Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày Melita từ giã cõi đời ở tuổi 93 (2/6/2005), nhưng những bí ẩn về cuộc đời và sự nghiệp của bà vẫn là chủ đề bất tận bởi chưa có một lời giải xác đáng.

Trong kho lưu trữ KGB bà được mô tả là " vừa là nữ điệp viên Anh quan trọng nhất trong lịch sử KGB, vừa là người phục vụ lâu nhất trong tất cả các điệp viên Liên Xô ở Anh".

Bà Melita Norwood (ngoài cùng bên trái) cùng các thành viên nhóm điệp vụ Woolwich Spy

Cuộc đời Melita Norwood

Melita Norwood, tên đầy đủ Melita Stedman Norwood sinh ngày 25/3/1912, tại Pokesdown, Dorset, Anh, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố bà, ông Alexander Sirnis, gia nhập Đảng Lao động XH-DC Nga từ năm 1911.

Mẹ là Gertrude Stedman, thành viên của Đảng Cộng sản Anh. Lý tưởng cộng sản sớm ăn sâu vào trong tiềm thức của người phụ nữ mang hai dòng máu này. Ngay từ đầu những thập niên 30 ở thế kỷ trước, Melita đã đứng trong hàng ngũ những người cộng sản ở Anh.

Cha bà Melita qua đời khi bà mới lên 6, ông là một thợ đóng sách và là người sáng lập ra tờ Tạp chí Công nhân và Lao động và Xã hội Chủ nghĩa miền Nam, tờ báo này chịu ảnh hưởng của CM Tháng Mười Nga, đã xuất bản các bản dịch các tác phẩm của Lenin và Trotsky.

Từ năm 1932, Melita làm thư ký cho Hiệp hội Nghiên cứu Kim loại Màu (NMRA) của Anh. Cuối năm 1935, bà kết hôn với Hilary Nussbaum, người Nga gốc Do Thái, giáo viên hóa học, quan chức công đoàn giáo viên và là người cộng sản suốt đời.

Sau khi Đảng Lao động Độc lập (ILP) mà Melita tham gia tan rã năm 1936, Melita gia nhập Đảng Cộng sản Anh (CPGB). Các nhà chức trách Anh không hề hay biết về việc tham gia đảng của và trong suốt một thời gian dài.

Cũng trong thời gian này, Melita được Andrew Rothstein, một thành viên hàng đầu của CPGB, tiến cử vào NKVD (tiền thân của KGB) và trở thành đặc vụ đầy đủ của KGB vào năm 1937.

Đóng góp của Melita Norwood với KGB

Sự nghiệp của Melita ở NKVD bắt đầu vào giữa thập niên 30 với tư cách là thành viên của nhóm điệp vụ Woolwich Spy tại London. Ba trong số các thành viên của nó bị bắt vào tháng Giêng 1938 và bị kết án từ ba đến sáu năm tù, nhưng Melita sau đó lại không bị giam giữ.

Làn sóng cải tổ ở Moscow khiến NKVD cắt giảm các hoạt động gián điệp ở nước ngoài, và những người chủ mới của Melita nay đã trở thành GRU (Cơ quan tình báo Hải ngoại của Liên Xô). Từ đây, Melita được đại bản doanh ở Moscow đặt cho mật danh mới là "Đặc vụ Hola".

Nhờ đức tính siêng năng và cẩn trọng, Melita nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người đứng đầu NMRA, điều này tạo điều kiện giúp Melita tiếp cận nhiều tài liệu quan trọng của Dự án Tube Alloys.

Melita âm thầm sao chụp và trao chúng cho Vladimir Barkovski, người phụ trách trực tiếp của bà để gửi về Moscow. Sau Thế Chiến II, sự nghiệp hợp tác nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử giữa người Anh và người Mỹ đổ vỡ, Anh quyết định theo đuổi Dự án Tube Alloys một mình.

Melita vẫn cần mẫn thu thập những tài liệu cực kỳ nhạy cảm liên quan đến chương trình chế tạo bom nguyên tử của Anh cho tới tận khi nghỉ hưu vào năm 1972.

Một trong những thành tích của "Đặc vụ Hola" Melita là hợp tác với một Holar khác với bí danh là Homer. Homer nguyên là thư ký thứ nhất của Đại sứ quán Anh tại Mỹ, tên thật là McLean.

Cả hai cùng giải mã được các bức điện mật liên lạc giữa Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Truman, nhiều bí mật quân sự của Anh và Mỹ đã được giải mã và gửi cho KGB. Lúc đó Điện Kremlin đang rất cần những bí mật về hạt nhân Mỹ và họ đã thu được rất nhiều thông tin tình báo bằng con đường này.

Một ngày của năm 1949, các nhân viên FBI đã chặn được thông tin liên lạc bằng mật mã giữa lãnh sự quán Liên Xô ở New York và Moscow và họ giải mã thành công đã phát hiện ra một điều kinh ngạc.

Homer đã thu thập được một số lượng lớn các liên lạc bí mật giữa Nhà Trắng và nhà số 10 Phố Downing, những hành động của ông đã gây ra chấn động lớn trong thế giới phương Tây.

Cơ quan gián điệp của Anh và Mỹ đã không kịp thời tìm ra “Hora” là ai và McLean đã trốn thoát sau khi biết có động.Sau này người ta mới biết Homer và Hora có quan hệ với nhau.

Mặc dù Hora hoạt động ở Anh nhưng do sự hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Anh và Mỹ nên bà có thể thu thập được thông tin tình báo của quân đội Mỹ và cung cấp những bí mật này cho KGB.

Trong những năm 1940 và 1950, hai bí mật quân sự lớn của Hoa Kỳ là quá trình phát triển bom nguyên tử và chương trình tên lửa Neike Zeus đã bị lộ.

“Dự án Zeus” sau này gần như buộc phải sụp đổ. Thời gian đó các nhân viên phản gián Mỹ chưa tìm ra ai đã cung cấp những bí mật này cho Liên Xô mà chỉ nghi ngờ tới đường dây của Hora đảm nhận.

Mỹ bắt đầu phát triển hệ thống chống tên lửa thế hệ đầu tiên vào những năm 50 với chi phí hơn 1 tỷ đôla để chế tạo tên lửa Nike Zeus. Năm 1959 nó đã được thử nghiệm thành công tại White Sands ở New Mexico và trở thành hệ thống phòng thủ an ninh quốc gia chính của Mỹ. Không lâu sau, Liên Xô đã làm chủ được hầu hết công nghệ của “Dự án Zeus” nên nó không còn là vũ khí bí mật nữa.

Làm thế nào mà “Dự án Zeus” bị rò rỉ vẫn luôn là một bí ẩn, bây giờ nhiều người cho rằng sự kiện này có liên quan đến Hora. Những năm 1950 bà làm việc tại NMRA và được tiếp cận những thông tin tình báo về quá trình phát triển bom hạt nhân và tên lửa.

NMRA đã hợp tác với Mỹ nghiên cứu và cải tiến kim loại dùng để chế tạo tên lửa Nike Zeus.Việc rò rỉ hệ thống chống tên lửa thế hệ đầu tiên của Mỹ đã cho phép Liên Xô nhanh chóng phát triển tên lửa chống đạn đạo có vành cao su nổi tiếng, nó từng xuất hiện trong cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười năm 1964 gây chấn động toàn cầu.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các thông tin tình báo do Melita gửi về đã giúp nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin biết rõ về công trình chế tạo bom nguyên tử của Anh hơn cả Thủ tướng Anh Clement Attlee cùng các thành viên Nội các của ông ta.

Chưa hết, việc làm của Melita còn góp phần ngăn chặn không cho cuộc chiến tranh hạt nhân bùng nổ trong thế kỷ 20. Bởi theo phân tích, sau khi ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki , nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Triều Tiên, thậm chí cả Chiến tranh Việt Nam nếu họ biết Liên Xô chưa sở hữu thứ vũ khí khủng khiếp này.

Sự thật ra sao, có lẽ chỉ có những nhà lãnh đạo ở KGB biết rõ. Nhưng dù sao công lao của Melita đã được KGB ghi nhận. Năm 1958, KGB quyết định tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, huân chương cao nhất của ngành tình báo Liên Xô cho Melita.

Tuy nhiên, phải tới năm 1979, trong một lần tới thăm Moscow cùng chồng, Melita mới có vinh dự nhận và đeo nó một lần duy nhất trong đời. Bởi nguyên tắc bí mật và vì sự an toàn, bà vẫn chưa được phép lộ diện.

Melita Norwood - những năm tháng cuối đời

Sau chiến tranh, các cơ sở nghiên cứu khoa học của Anh ở Mỹ và Canada được đưa về nước và tiếp tục bí mật phát triển bom nguyên tử.

Sau khi Liên Xô thử thành công bom nguyên tử vào năm 1949, KGB đã đệ trình báo cáo phân tích lên Điện Kremlin trong đó nêu rõ trong vòng ba năm Anh sẽ trở thành nước thứ ba có vũ khí hạt nhân. KGB đưa ra dự đoán trên dựa trên thông tin tình báo do điệp viên ở Anh cung cấp.

Năm 1999, khi sự thật được giải mật Melita rất tự hào và cho rằng những gì mình làm là đúng.

Melita khẳng định việc bà hợp tác tới tình báo Liên Xô không phải vì tiền mà bởi bà tin rằng Liên bang Xô viết đem đến cho người dân những điều kiện sống, giáo dục, chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sẽ là bất công khi Mỹ, Anh ra sức phát triển thứ vũ khí chết người mà Liên Xô lại không có cơ hội sở hữu nó.

“Tôi đã làm việc này vì những động cơ trong sáng mà nhiều người khó có thể hiểu nổi", Melita nói với phóng viên báo chí khi được phỏng vấn.

"Đặc vụ Hola" qua đời tại nhà riêng ở Wombourne ngày 2/6/ 2005, hưởng thọ 93 tuổi.

Khắc Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/ho-so/melita-norwood-nu-diep-vien-nguyen-tu-cuoi-thoi-chien-tranh-lanh-3426687/