Mẹ xứ Huế có con mọn mà VÔ TƯ ĂN NGỦ TRỌN GIẤC nhờ tuyệt chiêu luyện con tự ngủ cực hay

Khác với suy nghĩ của nhiều người, có con nhỏ là phải vất vả thức khuya dậy sớm, chị Ngọc (thành phố Huế) vẫn hoàn toàn có thể ngủ tròn giấc 7-8 tiếng ngay từ khi con mới được 2 -3 tháng tuổi.

Chị Ngọc cho rằng, luyện cho con tự ngủ là một vấn đề hết sức cần thiết. Bởi việc bé không tự ngủ sẽ kéo theo hệ lụy mút ti để ngủ, làm cả con và mẹ mất ngủ cả đêm, đầu ti mẹ nứt cổ gà đau điếng. Và đương nhiên những bé không tự ngủ được thì giấc ngủ ngày cũng rất ngắn, nhiều khi bế ru cả tiếng mới chịu ngủ nhưng được 30-40 phút đã dậy khóc. Hoặc là bố mẹ ông bà cứ thay nhau bế ru ngủ với hi vọng ra tháng sẽ ngoan, ra tháng chưa ngoan thì động viên nhau hết 3 tháng 10 ngày sẽ ngoan, nhưng thực chất cái viễn cảnh bế - ru - ti - ngủ nó cứ kéo dài lê thê khiến ai cũng mệt mỏi.

Chị Ngọc và con trai

Chị Ngọc và con trai

“Mình không dùng từ "luyện tự ngủ" hay "rèn con" vì nghe nó có vẻ hà khắc và quân phiệt. Trong tư tưởng của mình, bố mẹ là bạn và là thầy của con. Có vai trò hỗ trợ con tự ngủ. Muốn vậy đầu tiên phải có kiến thức, và là nơi mang đến cho mình những kiến thức thiết thực, bổ ích, đó chính là cuốn sách “Đọc vị mọi vấn về của trẻ” và “Nuôi con không phải cuộc chiến”. Ở đây có đầy đủ các nội dung về ăn ngủ cho đến các vấn đề của trẻ”, bà mẹ xứ Huế chia sẻ.

Theo đó, chị Ngọc cho biết công cụ hỗ trợ được chị sử dụng bao gồm: tiếng ồn trắng (rất rất quan trọng), ti giả, quấn sơ sinh chuyên dụng (nên mua loại chất lượng tốt, co giãn tốt), nôi cũi có thể có hoặc không (nhưng nên mua, không có điều kiện thì mua đồ cũ cho tiết kiệm, vì môi trường ngủ an toàn nhất cho bé là cũi, và xung quanh không có gối, chăn, gấu bông).

Bên cạnh đó, cần phải có đồng đội cùng thuyền, đó chính là chồng. Cả hai sẽ cùng nhau thảo luận và đi đến thống nhất trong mọi hành động. Sau đó hãy thuyết phục hoặc ít nhất là làm công tác tư tưởng cho ông bà trước khi tiến hành làm, nếu như sống chung với ông bà.

Thời gian chuẩn bị có thể mất ít nhất 1 tuần, mẹ cần sắp xếp lại những gì mình đã tham khảo được từ các nguồn, cũng như lên dây cót tinh thần. Mẹ cần dành 1 tuần để ghi lại chi tiết sinh hoạt hàng ngày của con: thức dậy buổi sáng lúc mấy giờ, các cữ bú vào thời gian nào và lượng bao nhiêu (nếu bú bình), con ngủ giấc ngày vào lúc nào, mỗi lần bao nhiêu phút. Ngủ giấc đêm lúc mấy giờ, bú đêm mấy lần và khi nào, khi đó bạn sẽ nhận ra dù con sinh hoạt có vẻ rất lung tung, nhưng nếu theo dõi kĩ, bạn sẽ hình dung được thật ra nó có tính quy luật.

Khi bắt đầu tiến hành luyện con tự ngủ, sẽ mất tầm 2 tuần để con có thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình và thích nghi với nó, có thể lâu hơn hoặc nhanh hơn, nhưng không bao giờ là vài ngày được. Khi các mẹ nhìn thấy một đứa bé tự ngủ ngon lành, ai cũng ước ao, nhưng để được như thế cả mẹ và con đã phải trải qua một khoảng thời gian vô cùng khó khăn mà ít ai hiểu được. Nên là, các mẹ hãy xác định sẽ lâu dài và mệt cho cả nhà nhiều nhiều.

Bé Kuti ăn ngủ rất điểu độ và khoa học sau khi được mẹ luyện cho tự ngủ

Cùng với đó chị Ngọc cũng đưa ra một số vấn đề cần lưu ý như sau:

+ Window: đó là thời gian chuyển tiếp giữa thời gian thức và ngủ. Khi con chuẩn bị đến giờ đi ngủ, hãy làm các thủ tục thường quy như ánh sáng phòng và tiếng ồn, giảm các hoạt động mạnh và chơi tĩnh,...tóm lại để con biết sắp đến giờ đi ngủ.

+ Nút chờ: dù lựa chọn bất cứ phương pháp nào thì nút chờ là vô cùng quan trọng và cần được thực hiện. Nút chờ là khoảng thời gian để mẹ đặt niềm tin vào con, rằng con có thể tự ngủ được mà không cần ti mẹ. Nếu sau thời gian chờ (tùy vào từng độ tuổi) mà con không ngủ lại được thì mới hỗ trợ con theo phương pháp mình chọn.

+ Nhiều mẹ khi con khóc bị rối: Ví dụ khi bế lên đặt xuống 20 phút rồi mà con vẫn gào khóc, hoảng quá quay sang bế ru đung đưa, chợt nhớ ra không được như thế hoặc vẫn không thấy con nín, lại quay sang bế lên đặt xuống tiếp, Điều này hoàn toàn sai! Mọi hành động trong mọi trường hợp cần thống nhất thì con mới hiểu được và chấp nhận nó.

+ Khi chọn cio hoặc cio with check (để bé khóc/ Để bé khóc có kiểm soát): môi trường ngủ của con nên là cũi, để đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho con.

Quá trình tập cho con tự ngủ được bà mẹ xứ Huế chia sẻ cụ thể như sau: “Hồi bắt đầu tập, mình cũng khá gà mờ, bây giờ sau nhiều lần chuyển lịch sinh hoạt cho con và tư vấn cho các mẹ, mình mới đỡ hơn. Mình chọn cio with check khi con 9 tuần, môi trường ngủ là giường. Chọn giấc ngủ đầu tiên trong ngày, và đêm trước ngày đó con ngủ khá ngon.

Ngày 1: Thời gian chờ 3,5,7 phút con đương nhiên khóc rất dữ. Hầu như cả nap con không ngủ được tí nào. Cứ khóc kiệt sức lại nín, rồi khóc tiếp. Mà khoảng con khóc hư hử đó lại không được tính vào thời gian chờ (ví dụ con khóc to 3 phút, sau đó hư hử 10 phút, rồi lại khóc to tiếp thì thời gian chờ lại được bắt đầu tính từ lúc khóc to lại) thành ra 2 tiếng con nằm trong giường hầu như khóc với mệt. Đến giờ con ti, do trước đó không ngủ được nên giờ vừa ăn vừa ngủ gật, mình lại phải tìm mọi cách bắt con thức chứ không được ngủ”.

Ngày 2, con đỡ khóc hơn, 2 tiếng ngủ thì con cũng chia ra đoạn đầu khóc 30-45 phút, mệt ngủ 30 phút dậy khóc đến hết nap.

Ngày 3, con chỉ còn khóc tầm 20p là ngủ nhưng vẫn chỉ ngủ được 30 phút là dậy khóc rồi lại ngủ lại được lát thì hết giờ ngủ.

Ngày 4, con khóc 10-15 phút rồi ngủ nhưng vẫn bài ca nghe 30 phút dậy khóc".

Chị Ngọc và chồng vô cùng xót con.

"Ngày 5, bố dùng cái ga chun bọc nệm, quấn xoắn lại để quấn cho con ngủ, lần đầu tiên con ngủ ngay trong vòng một nốt nhạc và liên tù tì 2 tiếng. Tuy nhiên vẫn nap được nap không. Cứ như vậy, sau khoảng 2-3 tuần tập, con hầu như vẫn catnap (ngủ ngày rất ngắn tầm 30-45 phút)".

Lúc này con đã bước qua 4 tháng, chị Ngọc quyết định giải quyết vấn đề catnap bằng bế lên đặt xuống. Khi con chuyển giấc không được, dậy khóc, chị Ngọc chờ 10 phút. Vào bế lên, con nín khóc lập tức đặt xuống, con khóc lại bế lên, không bế quá 4-5 phút trong mỗi lần bế, nếu bế 3 phút rồi mà con vẫn khóc to không nín thì vẫn cứ đặt xuống rồi bế lên tiếp. Phải nói phương pháp này đòi hỏi người mẹ vô cùng bình tĩnh và kiên nhẫn, vì nhiều lúc không thể kiếm chế nổi.

Cuối cùng sau 2 tuần (tức là khi con khoảng 13-14 tuần) con đã tự ngủ được giấc ngày. Nhưng khoảng 3-4 giờ sáng, con lại thức giấc và khóc đến 40-50 phút khiến chị Ngọc stress nặng nề. Ban ngày ồn ào còn đỡ, đêm đến con khóc vang khắp nhà, mỗi lần con ngủ lại là chị Ngọc lại ôm chồng khóc rưng rức vì mệt, vì thương con, vì cảm giác như mình độc ác không cho con ti. Nhưng may thay, tình trạng ấy chỉ kéo dài 3 đêm, sau đó đến giờ bé Kuti đã không còn dậy khóc giờ đó nữa.

Nhờ vậy mà dù có con mọn nhưng chị Ngọc vẫn có thể yên tâm ngủ trọn giấc đến sáng đủ 7 – 8 tiếng. Đó là điều mà có lẽ rất nhiều bà mẹ có con nhỏ đang ao ước.

Văn Anh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/lam-me/me-xu-hue-co-con-mon-ma-vo-tu-an-ngu-tron-giac-nho-tuyet-chieu-luyen-con-tu-ngu-cuc-hay-20190212115801438.htm