Mẹ vợ 'tuyên chiến', con rể ngán không muốn về nhà

Em hỏi đi đâu thì chồng nói ở nhà khó chịu nên ra quán ngồi. Nếu cứ mâu thuẫn mẹ vợ con rể thế này, mọi chuyện rồi sẽ về đâu?

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 32 tuổi, đã lập gia đình và vừa có bé thứ hai. Vợ chồng em tự lập nên khá vất vả, mọi việc đều phải tự lo lấy. Thời gian này em sinh con nên phải nhờ mẹ em từ quê lên chăm nom em và bé lớn vì chồng em thường xuyên tăng ca không nghỉ được.

Mẹ em đã phải hy sinh rất nhiều, bỏ nhà cửa vườn tược, để ba em với các em của em tự xoay xở mà lên đây với em. Thế nhưng, chồng em hình như không hiểu được chuyện đó. Tính anh xưa nay ăn nói cụt lủn, hay làm mất lòng người khác.

Bây giờ có mẹ lên ở cùng lẽ ra anh phải giữ ý, thưa gửi đàng hoàng nhưng anh xưa nay vẫn vậy, đi làm không chào, về nhà không hỏi, có hỏi chuyện gì cũng nói năng ngang ngang. Em có nói chuyện với mẹ về tính tình của chồng em, coi vậy thôi, cộc tính nhưng tốt bụng.

Mẹ em ban đầu cũng cố gắng hiểu, nhưng sau đó thì bực bội. Mẹ nói mẹ lên đây nuôi con gái, chứ mẹ không việc gì phải nuôi con rể. Quần áo anh tự giặt tự ủi, sáng tự ra ngoài ăn sáng, về nhà tự tìm đồ ăn còn dư trong tủ lạnh, hâm lên mà ăn. Mẹ nấu cơm cho em và đón cháu về nhà, chơi với cháu, cho cháu ăn đã hết thời gian.

Hơn hai tuần nay chồng em về nhà trễ, thứ Bảy, Chủ nhật cũng đi, em hỏi đi đâu thì anh nói ở nhà khó chịu nên ra quán ngồi. Em lo lắm. Bây giờ nếu không có mẹ thì một mình em không thể lo cho hai đứa, mà mẹ lại mâu thuẫn với con rể, chồng em không muốn xung đột nên bỏ nhà đi. Rồi mọi chuyện sẽ về đâu?

Thanh Lương (TP.HCM)

Mẹ vất vả nuôi cháu, chăm con gái ở cữ, nhưng chồng em cứ lầm lì, khó chịu, khiến mẹ nổi giận - Ảnh minh họa

Em Thanh Lương thân mến,

Hoàn cảnh em lúc này đang khó khăn, rất cần sự giúp đỡ của mẹ. Hãy cố gắng nói chuyện với mẹ nhiều hơn và nói chuyện với chồng em nữa, để hai người chấp nhận nhau được chừng nào tốt chừng ấy.

Qua thư, Hạnh Dung thấy chồng em có vẻ chịu nhún nhường trước mẹ vợ, cố gắng né bớt để không gây thêm xung đột. Đó cũng là điểm tốt. Nếu có thể, em chủ động tham gia thêm chút nữa: những việc nào chồng cần bàn tay chăm sóc, em cố gắng làm, ví dụ chồng về nhà thì vợ dọn cơm, rảnh rỗi được lúc nào tranh thủ ủi cho chồng cái áo… để chồng em vẫn thấy mình được vợ quan tâm, không đến nỗi bị “ra rìa, hắt hủi”.

Những việc đó không thể phó mặc chồng tự xoay xở hay bắt mẹ phải làm. Mối quan hệ gắn kết hai người ấy bền chặt đến đâu tùy vào em. Em có cố gắng thì mối quan hệ ấy mới tốt lên được.

Thực ra, “mẹ lên nuôi con” là một cách để nói chuyện mẹ lên ở với con, chăm sóc con, chứ chưa hẳn là “nuôi” đúng nghĩa. Vợ chồng em vẫn phải lo chi phí trong ngoài, vẫn phải có đủ tiền thì mới yên ổn. Mặt khác, cái gốc rễ cốt lõi của gia đình là vợ chồng, mẹ chỉ giúp một thời gian, không thể thay thế hoàn toàn vai trò của ai trong gia đình em.

Em nên nghĩ khó khăn này chỉ là tạm thời, đến khi em có thể tự xoay xở được việc nhà thì mẹ cũng phải về quê chứ đâu ở mãi với em. Nhận thức vậy để có chuyện gì thì mình cố bỏ qua, mọi chuyện có lệch pha một chút cũng ráng kê cho bằng, giữ không khí trong nhà hòa thuận.

Phụ nữ thường vất vả, nhiều lúc, tưởng là có người chăm sóc, có mẹ nâng niu, chồng yêu thương nhưng xét cho cùng, để giữ được hòa khí trong nhà, mình lại là người phải nắm đầu này kéo đầu kia, mệt mỏi hơn cả.

Thêm một điều nữa, từ quê lên sống ở phố, có thể rất nhiều việc mẹ chưa quen, cần hướng dẫn. Nếu chồng em không khéo trong việc hướng dẫn, có thể gây cảm giác khó chịu, mặc cảm cho mẹ. Người mẹ nào cũng thương con. Em nên thủ thỉ hướng dẫn mẹ. Khi mẹ cảm thấy thoải mái hơn, quan hệ mẹ vợ chàng rể cũng sẽ được cải thiện. Vẫn biết vậy là quá nhiều việc cho một bà mẹ mới sinh nhưng cố gắng một chút em nhé, để giữ được tình cảm giữa những người thân yêu của mình.

HẠNH DUNG

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Huỳnh Hương (Q.Thủ Đức, TP.HCM): Mẹ không phải là người giúp việc

Ngày ấy, khi ở cữ, chưa bao giờ tôi nhờ mẹ lên ở cùng để giúp tôi chăm con. Lúc tôi nói quan điểm của mình, bạn bè đã ồ à phản đối bởi lẽ chẳng ai thương mình bằng mẹ. Nhưng tôi nghĩ khác, rằng tại sao mình có thể ích kỷ với mẹ mình đến vậy. Đã không lo được cho mẹ thì thôi, lại còn hành mẹ lên xuống ở độ tuổi lẽ ra cần được nghỉ ngơi.

Nhưng thực tế, chính điều đó khiến chồng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm hơn với con, với vợ. Nên từ đứa đầu đến đứa sau, một tay anh chu toàn chăm sóc. Thời điểm nào ngặt nghèo quá, chúng tôi thuê người giúp việc, đồng thời cố kiếm thêm tiền để trang trải.

Mẹ của mình không phải là người giúp việc. Tại sao mẹ phải còng lưng làm mọi thứ cho bạn, cho chồng bạn, cho con bạn? Tôi nói thẳng, mong bạn đừng buồn. Nên tìm một giải pháp và giải pháp ấy phải do vợ chồng bạn đồng thuận. Đừng mang mẹ vào chuyện của những người trưởng thành.

Tôi nói từ kinh nghiệm của bản thân chứ không hề lý thuyết. Phận làm con, ta nên thương cha mẹ, đừng ích kỷ đến mức bắt ông bà sống xa nhau chỉ vì chuyện nhà của ta dù đó là việc chẳng đặng đừng.

Trở lại hoàn cảnh của bạn, với chồng, với mẹ, bạn đâu cần phải vòng vo. Cứ nói thẳng cho chồng biết mẹ mình không phải là người giúp việc, rằng nếu muốn, anh nên thuê người giúp việc chuyên nghiệp về làm. Trong trường hợp rất cần đến sự giúp đỡ của mẹ, hãy tôn trọng mẹ, bắt đầu từ lời ăn tiếng nói…

Nhật Hạ (Cam Ranh, Khánh Hòa): Thẳng thắn là cách tốt nhất

Với tính cách của chồng bạn - như là biểu hiện của sự không hài lòng - mẹ bạn bất bình cũng đúng. Tôi nghĩ bạn nên thẳng thắn với chồng, rằng chúng ta đang rất cần sự giúp đỡ của mẹ.

Thật ra, giữa đàn ông với mẹ vợ thường ít nảy sinh bất hòa như kiểu mẹ chồng - con dâu. Mới sinh bé non ngày tháng, bạn cần nghỉ ngơi nhiều. Mấy việc này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần. Mà có đáng gì đâu, cả mẹ, cả chồng đều là người nhà. Sao lại phải làm căng để ảnh hưởng đến bạn thế này?

Theo tôi, bạn cứ trò chuyện thẳng thắn với mẹ và chồng để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất thay vì cứ loay hoay tự nghĩ cách giải quyết trong vai trò người đứng giữa.

Theo www.phunuonline.com.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/chuyen-nha/me-vo-tuyen-chien-con-re-ngan-khong-muon-ve-nha-270284.html