Mẹ Việt tại Canada sinh 3 con với chi phí 0 đồng

Chị Hồng Phước thích sinh nhiều con vì mọi dịch vụ thai sản ở Alberta, nơi chị sống, đều được miễn phí.

Một ngày của chị Judy Hồng Phước, sống tại Red Deer (Alberta, Canada) bắt đầu lúc 5h bằng việc thức dậy, nấu bữa sáng cho cả nhà. Sau đó chị luôn tay chuẩn bị quần áo, cặp sách để ông xã và ba con kịp giờ đi học, đi làm. Cuộc sống của bà mẹ đông con bận tối mắt nhưng vui vẻ. Chị Hồng Phước là con một nên từ khi kết hôn đã giao hẹn với chồng sẽ sinh nhiều để các con có chị, có em. Anh Jules Wilkinson, ông xã chị Phước, vui vẻ đồng ý vì ở Alberta, mọi người đều được miễn phí dịch vụ y tế, giáo dục tới khi 18 tuổi.

Chị Judy Hồng Phước cùng các con: bé Xuân Uyên (8 tuổi), Uyên Khanh (6 tuổi) và Khanh Nguyên (4 tuổi).

Chạng vạng tối một ngày đầu năm 2011, chị Hồng Phước khi ấy đang mang thai tháng cuối con gái đầu lòng, thấy hiện tượng lạ nên nhờ chồng chở tới bệnh viện. Lúc này, chị bình tĩnh, đi lại hoạt bát nên ông xã trêu chẳng ra dáng bà đẻ.

Vào tới phòng hộ sinh, chị được y tá yêu cầu đi bộ. Khoảng 20 phút sau, nước ối bắt đầu rỉ ra nhưng không có dấu hiệu đau trở dạ. Nhớ lời người thân dặn lúc gần sinh phải đi bộ thật nhiều, chị Phước nhờ chồng dẫn đi dạo rồi leo cầu thang nhiều lần. Khoảng 22h, bác sĩ kiểm tra thấy chưa có dấu hiệu sinh nên vợ chồng chị xách đồ ra về.

Hơn 12h hôm sau, chị Phước cảm nhận cơn đau lâm râm kéo dài khoảng 30 giây, cách nhau chừng 4 phút. Chị muốn đi đại tiện nhưng cứ chạy tới, chạy lui trong nhà vệ sinh mà không thể giải quyết. Mẹ đẻ chị Phước không cho con gái ngồi lâu trên bồn cầu vì sợ... rơi em bé. Chồng chị đứng nhìn cười khoái trí khiến không khí gia đình náo nhiệt khác hẳn ngày thường.

Rạng sáng ngày kế tiếp, bà bầu Hồng Phước bị dày vò bởi cơn đau gấp và gần nhau hơn. Chị sợ làm chồng thức giấc nên chạy ra cầu thang, đứng dựa tường gần một tiếng. Khoảng 2h, không chịu nổi đau đớn, chị Phước gọi mẹ và chồng dậy đưa vào viện.

Chị Hồng Phước được đưa tới phòng sinh truyền nước khi cổ tử cung đã mở 7 cm. Chị liên tục nhăn nhó, xin tiêm thêm thuốc vì những cơn đau quặn. Anh Jules Wilkinson đứng cạnh vợ, nắm tay chị Judy, xoa lưng và động viên. Chị hít thở sâu theo sự chỉ dẫn của y tá, còn mẹ đẻ đứng cạnh khóc ròng vì thương con.

Chị Hồng Phước lấy hết sức rặn nhưng toàn hụt hơi. Anh Jules Wilkinson nâng vợ nằm nghiêng, đặt một chân chị lên vai anh, hai vợ chồng cùng... rặn. Lúc chị mếu máo: "Anh ơi, em không làm được", anh liên tục trấn an: "Em làm được mà".

Bỗng nhiên, chị Hồng Phước thấy trong người nhẹ bẫng. Tất cả bác sĩ, y tá và người nhà đều reo hò. Bé Xuân Uyên, con gái đầu lòng của chị Phước, chào đời khóc rất to. Khi nữ hộ sinh đặt con lên ngực chị Phước, bà mẹ Việt tại Canada, òa khóc.

Giây phút chị Phước được ôm con vào lòng.

Cảm giác đau đớn của chị Hồng Phước được xoa dịu bởi sự ân cần của các y tá, bác sĩ tại bệnh viện Alberta. Có 3 bác sĩ, 3 y tá túc trực trong quá trình chị Phước vượt cạn, liên tục chườm khăn ấm lên bụng dưới, động viên, vỗ về để sản phụ cảm thấy dễ chịu. Khoảnh khắc con gái chào đời, chị Phước được tung hô, chúc mừng và khen ngợi như "nữ anh hùng".

"Sự rạng ngời trên khuôn mặt mọi người khiến tôi cảm thấy như mình đã cứu nguy cả đất nước", chị Phước nhớ lại.

Chị Phước được đưa vào phòng nghỉ cùng con sau khi y tá hoàn thành việc khâu vá, làm vệ sinh, chích ngừa và nhỏ thuốc nhỏ mắt cho em bé. Đêm đầu tiên bên con với chị thật khó khăn. Xuân Uyên liên tục khóc không lý do khiến bà mẹ trẻ phải bấm chuông gọi y tá. Sáng hôm sau, biết chuyện, chồng chị Phước trách vợ vì sao không gọi anh vào cùng chăm con.

Sản phụ ở Canada thường chỉ nằm một đêm tại bệnh viện rồi về nhà. Buổi sáng, bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho mẹ con chị Phước rồi đề nghị anh Jules ký một số giấy tờ nhưng không phải trả viện phí. Chính phủ nơi đây khuyến khích phụ huynh tích lũy tài chính cho việc học sau phổ thông của con. Nếu bố mẹ mở tài khoản học tập sẽ nhận được 500 CAD từ chính phủ, 500 CAD từ tỉnh Alberta. Mỗi tháng, vợ chồng chị Phước gửi thêm 100 CAD, hưởng lãi suất 20%. Toàn bộ số tiền bố mẹ gửi vào tài khoản trong suốt quá trình giới hạn ở mức 50.000 CAD. Ở mốc 7 tuổi và 14 tuổi của đứa trẻ, chính phủ tặng thêm vào tài khoản 500 CAD mỗi lần. Khoản này được dành để trang trải chi phí học tập cho con sau 18 tuổi. Nếu trẻ không tiếp tục học, toàn bộ số tiền chính phủ cấp sẽ bị lấy lại. Phần tiền phụ huynh gửi vào được chuyển sang thành lương hưu cho bố mẹ.

Sau khi xuất viện, chị Phước và con gái được y tá ghé thăm kiểm tra sức khỏe, hỏi han những khó khăn, trở ngại trong hai ngày đầu. Việc này lặp lại vài lần sau đó cho tới khi em bé tròn một tháng tuổi.

Giai đoạn mang bầu, chị Hồng Phước đi khám thai mỗi tháng một lần và tăng dần tần suất lúc sắp sinh. Ngoài khám thường, chị siêu âm 2-3 lần, thử đường huyết... Mọi dịch vụ đều miễn phí.

Chị Hồng Phước không ngại sinh nhiều con vì được hưởng nhiều đặc quyền.

Chị Alen Trần, sống tại Toronto (Canada) cho hay: Hầu hết các địa phương tại Canada đều miễn phí dịch vụ thai sản, kể cả với du học sinh và người lao động nước ngoài. Riêng tại Toronto, sản phụ phải chi 850 CAD khi sinh tại bệnh viện; nếu chọn sinh tại nhà, bà đỡ sẽ hộ trợ tận nơi mà không mất chi phí. Các dịch vụ đi kèm như tiêm thuốc giảm đau, chăm sóc em bé sau sinh cũng không hề tốn tiền.

Trải nghiệm lần đầu sinh con tại bệnh viện ở Toronto của chị Alen rất tốt. Con gái chị được nhân viên bệnh viện tặng quà, chụp hình kỷ niệm, sau đó tiến hình kiểm tra tổng quát trước khi xuất viện. Sản phụ được thoải mái dùng sữa và nước uống trong tủ lạnh; có thể tham gia lớp học cho con bú; được cấp sữa công thức cho bé trong lúc sữa mẹ chưa về.

Lam Trà

Nguồn Ngôi Sao: https://ngoisao.net/tin-tuc/gia-dinh/me-viet-tai-canada-sinh-3-con-voi-chi-phi-0-dong-3717188.html