Mẹ Việt ở Đức biến hóa ban công chỉ 8 mét vuông thành góc nhỏ đáp ứng 50% nhu cầu bữa ăn gia đình

Tự tay dọn dẹp ban công, nhổ cỏ, gieo hạt, bón phân..., chị Thủy càng hạnh phúc hơn khi thu hoạch thành quả năm đầu tiên của mình. Làm vườn, với chị, cũng là một cách để chăm sóc tâm hồn mình.

"Nhà mình chỉ có một góc ban công be bé khoảng tám mét vuông vốn nóng rực và trống trải mỗi mùa hè, nhưng năm nay mình đã quyết tâm cải tạo nó thành một khu vườn xanh mướt. Sau mấy tháng làm vườn, mình nhận ra rằng trồng rau củ không chỉ nuôi cái bụng - nó chăm sóc cho cả tâm hồn mình nữa."

"Nhà mình chỉ có một góc ban công be bé khoảng tám mét vuông vốn nóng rực và trống trải mỗi mùa hè, nhưng năm nay mình đã quyết tâm cải tạo nó thành một khu vườn xanh mướt. Sau mấy tháng làm vườn, mình nhận ra rằng trồng rau củ không chỉ nuôi cái bụng - nó chăm sóc cho cả tâm hồn mình nữa."

Chị Thủy hào hứng miêu tả mảnh vườn "nhỏ mà có võ" nhà mình - chỉ rộng khoảng 8 mét vuông nhưng rực rỡ màu sắc ở ban công và giúp ích cho chị rất nhiều trong mỗi bữa ăn...

Biến ấp ủ thành sự thật

Sang Đức được gần 10 năm, kể từ cuối năm 2010, chị Thủy vẫn luôn dành một tình yêu đặc biệt đối với ẩm thực Việt Nam. Bởi thế, chị rất hào hứng với những nguyên liệu thuần Việt. Trong mảnh vườn của riêng mình, loại rau nào đặc trưng của Việt Nam chịu được thời tiết lạnh của Đức, chị chắc chắn dành cho nó một góc nhỏ.

"Mình ao ước có một mảnh vườn riêng từ cuối năm ngoái rồi. Tuy nhiên thời tiết ở Đức khá lạnh nên trồng các loại rau Việt Nam là một thử thách đấy. Nên mình chỉ trồng rau thơm thôi. Còn các loại rau khác thì mình vẫn trồng các loại rau giống nước ngoài, trừ cải chíp."

Để hoàn thành mong muốn này, chị tập trung 5 tháng trời để biến ước mơ thành sự thật. Cuối tháng 2 - đầu tháng 3, khi những đợt tuyết cuối cùng bắt đầu tan, chị Thủy bắt tay vào chuẩn bị làm vườn.

Chị vô cùng tỉ mỉ trong từng công đoạn: từ dọn dẹp lại ban công, cọ sàn, dọn đất, nhổ cỏ đến đo và vẽ sơ đồ trồng rau để tối ưu hóa diện tích ban công, chọn thiết kế các raised bed, mua nhà kính mini để hỗ trợ cho việc gieo hạt sớm...

Ảnh: Her 86m2.

Các raised bed hỗ trợ cây sinh sôi nảy nở tốt hơn, dễ xử lý đất, tránh ốc sên... Vì vườn bé nên chị Thủy chọn 5 cái tất cả: 2 cái cao và 3 cái thấp với với kích thước 45 x 100 x 40 cm. Chị tận dụng thêm cả những thùng gỗ có sẵn từ năm trước để trồng cây. Một tay chị Thủy cũng tỉ mẩn, kiên nhẫn lựa chọn phân bón và đất.

Từ khâu gieo hạt, chăm sóc hay làm giàn đỡ cây, chị Thủy thấy cũng chẳng khó bằng khâu sắp xếp ban đầu. Chị bảo, "vì vườn bé nên mình thấy khó nhất là khâu sắp xếp, trồng gì ở đâu. Đôi khi "tham lam" cái gì cũng muốn trồng". Do là năm đầu tiên nên chị ưu tiên chọn các loại cây dễ trồng, đảm bảo chắc chắn được thu hoạch như: các loại cà chua, các loại xà lách, rau thơm, rau cải, đỗ, bí ngòi, dưa chuột…

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Chị áp dụng luân canh và xen canh khi trồng rau củ để các cây hỗ trợ nhau cùng tăng trưởng, phát triển tốt, ví dụ như cà chua bi trồng cùng xà lách, bí ngòi trồng cũng đỗ hay trồng nhiều loại rau thơm trong cùng một chậu. Ngoài ra, chị Thủy cũng lưu ý tới cây ưa nắng thì trồng chỗ nhiều nắng, cây tránh gió thì trồng sau giàn đỡ cây...

Với một số loại cây cần giãn đỡ như dưa chuột, đỗ, bầu, bí…. chị gợi ý mọi người có thể làm giàn hay khi mới bắt đầu gieo trồng. Giàn có thể được làm từ các que tre hoặc các thanh gỗ, hoặc làm giàn dạng lưới với các loại cây cho quả nhỏ (dưa chuột mini, mướp bao tử…)

Mảnh vườn "nhỏ mà có võ"

Trông mảnh vườn 8 mét vuông ấy thế mà số rau chị Thủy đang trồng đáp ứng được 50% nhu cầu bữa ăn gia đình. Bắt đầu từ tháng 6, hai vợ chồng chị liên tục được thu hoạch rau củ từ mảnh vườn "nhỏ mà có võ" ấy. Nhiều khi ăn không kịp, chị tìm cách muối rau củ để giữ được lâu hơn hoặc đem tặng hàng xóm.

Chị Thủy nói ban công mùa hè rất nóng nên mảnh vườn nhỏ cần che phủ đất để giữ nước, có thể dùng rơm, cỏ khô, dăm gỗ hoặc vụn lá... Khi được thực hiện đúng cách, lớp phủ sẽ cắt giảm thời gian cần thiết để tưới nước, làm cỏ và chống lại sâu bệnh.

Trong vườn, "kẻ thù" dai dẳng nhất là lũ rệp xanh (cả rệp đỏ và trắng). Một trong những cách phòng trừ sâu bệnh hoàn toàn thiên nhiên của chị Thủy là băm nhỏ 100 gram tỏi pha vào 3 lít nước nóng. Nước để nguội thì lọc tỏi rồi cho vào bình phun 2 lần sáng, chiều.

Ảnh: Her 86m2.

Kể về một lần trồng cây không-được-như-ý, chị nói: "Chết thì chưa có cây nào bị chết, nhưng không thu hoạch được thì cũng có. Đó là khi mình trồng súp lơ xanh, cây rất tốt nhưng có thể do thời tiết ở Đức khá thất thường nên cây bị ra hoa sớm nên không thu hoạch được nữa. Mình chỉ thu hoạch được đúng 200 gram thôi là cây nở hoa hết luôn."

Với kinh nghiệm trồng rau thơm và cà chua bi năm ngoái, năm nay vì quyết tâm trồng nhiều nên chị Thủy đọc rất nhiều sách nông nghiệp: gieo hạt, ủ hạt, các loại cây thích hợp trồng trên ban công... để có kiến thức chăm lo cho mảnh vườn của nhà mình. Ngoài ra, chị cũng không quên tìm hiểu trên Google thêm các loại cây muốn trồng.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Ảnh: Her 86m2.

Công việc hiện tại của chị Thủy là "làm mẹ" fulltime và gần đây chị bắt đầu tập tành làm YouTuber. Cuộc sống của chị hiện tại tuy không hào nhoáng nhưng vô cùng hạnh phúc với những điều nhỏ bé, bình dị. Đúng như chị nói, "trồng rau củ không chỉ nuôi cái bụng - nó chăm sóc cho cả tâm hồn mình nữa".

Ninh Linh

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/me-viet-o-duc-bien-hoa-ban-cong-chi-8-met-vuong-thanh-goc-nho-dap-ung-50-nhu-cau-bua-an-gia-dinh-520202389142747.htm