Mẹ Việt bật mí cách 'đàm phán' với con sử dụng tiền lì xì hợp lý

Khi trân trọng, biết rõ giá trị của từng đồng tiền mừng tuổi mình nhận được, con hoàn toàn có quyền tự chủ số tiền ấy cho chi tiêu riêng.

Ngày bé, tôi rất thích rong ruổi đi chúc Tết cùng bố mẹ và háo hức chờ nhận tiền mừng tuổi. Thời ấy, mệnh giá tiền mừng tuổi rất nhỏ, chỉ là những đồng 1.000, 2.000 hay nhiều nhất cũng chỉ 5.000 đồng. Nhỏ thôi nhưng mà quý lắm.

Số tiền ấy được coi là một số tiền may mắn đầu năm cho mỗi đứa trẻ, và được đặt vào một chiếc phong bao màu đỏ in bằng giấy nhám. Cứ họ hàng càng thân thiết thì số tiền mừng tuổi càng lớn, tương ứng với tình yêu thương và quan tâm mà họ dành cho mình.

Có năm, tôi đến nhà cậu tôi chúc Tết, khi ấy tôi 8 tuổi, khoảng năm 1991. Nhà cậu lúc ấy đông khách đến chúc Tết. Cậu bận rộn và quên mất tiền mừng tuổi cho cô cháu gái mà cậu vô cùng yêu quý hay bế lên tay và quay tròn vài vòng mỗi lần gặp.

Vừa về nhà, bao nhiêu ấm ức, tủi hờn dồn nén, tôi bật khóc nức nở. Mẹ gặng hỏi mãi tôi mới nói rằng, tại cậu chưa mừng tuổi. Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng giọt nước mắt và nỗi buồn kia đủ thấy cái cảm xúc háo hức, chờ đợi của một đứa bé mỗi khi được nhận tiền mừng tuổi như thế nào. Số tiền mừng tuổi mỗi năm tôi có được, đều được mẹ đồng ý cho vào con lợn nhựa tiết kiệm. Rồi cuối năm mổ lợn ra để lấy tiền mua quần áo mới hoặc sách vở.

Khi trân trọng, biết rõ giá trị của từng đồng tiền mừng tuổi mình nhận được, con hoàn toàn có quyền tự chủ số tiền ấy cho việc chi tiêu riêng.

Khi trân trọng, biết rõ giá trị của từng đồng tiền mừng tuổi mình nhận được, con hoàn toàn có quyền tự chủ số tiền ấy cho việc chi tiêu riêng.

Thời gian qua đi, cuộc sống dần đổi thay, bọn trẻ bây giờ nhận tiền lì xì với những mệnh giá tiền lớn hơn, có khi tờ 100, 200 hay thậm chí 500 ngàn đồng. Nhưng tôi tự hỏi bọn trẻ có háo hức không, có vui và trân trọng, có cảm thấy ý nghĩa trọn vẹn của tiền lì xì này không? Hay đơn giản là cứ tiền mừng tuổi có mệnh giá cao là thích. Hay bọn trẻ thờ ơ với mỗi đồng tiền lì xì nhận được, dù ít hay nhiều?

Cuộc sống quá đủ đầy đôi khi cũng khiến con người ít quan tâm đến ý nghĩa của từng hành động, cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp thực sự của món quà, dù nhỏ bé. Lòng trân trọng, sự biết ơn, và đâu đó là một tâm hồn trong sáng đầy yêu thương khi đón nhận món quà từ người khác dường như ít thấy nữa trong cuộc sống bộn bề thời hiện đại.

Vậy những đứa trẻ khi nhận được tiền lì xì đầu năm chúng sẽ làm gì với số tiền ấy? Ngoài việc giúp đứa trẻ có nhận thức đúng đắn về món quà chúng nhận được, cha mẹ cũng cần hướng dẫn con quản lý số tiền ấy sao cho hợp lý, có ý nghĩa.

Gia đình bạn bè tôi, đa phần bọn trẻ được bố mẹ gợi ý sẽ cho tiền lì xì vào một chiếc hộp tiết kiệm hay lợn nhựa. Số tiền ấy thường sẽ được dùng cho việc du học, hay đăng ký khóa học nào đó hoặc mua một thứ gì đó mới… Điều này cũng được thống nhất chung giữa cha mẹ và con.

Có những bạn khác sẽ tích lũy bằng cách nhờ cha mẹ lập một cuốn sổ tiết kiệm ngoài ngân hàng. Sau nhiều năm tiết kiệm, bọn trẻ có một số tiền kha khá với một mức lãi suất nhỏ. Đây cũng là cách để cha mẹ hướng dẫn con cách quản lý tiền để sinh ra lợi nhuận. Đồng tiền, dù ít hay nhiều thì đó cũng là dòng chảy cần lưu thông trong xã hội, và các bạn nhỏ biết ý nghĩa của việc tiêu tiền đúng cách.

Cá nhân tôi, từ khi con trai còn nhỏ, tôi đã giải thích cho cậu hiểu ý nghĩa của tiền lì xì. Dù ít, dù nhiều, nhưng đó là tiền mừng tuổi mang lại may mắn và bình an cho những ai nhận được.

Lì xì không nằm ở giá trị của mệnh giá tiền, mà nằm ở niềm vui khi nhận được và lời cầu chúc của người trao. Khi hiểu được ý nghĩa của lì xì đầu năm, con trai tôi rất trân trọng từng đồng tiền bé nhận được. Vợ chồng tôi quyết định để bạn ấy được quyền tự chủ số tiền nhận được cho việc sinh hoạt riêng. Bạn ấy có một chiếc hộp nhỏ đựng tiền lì xì của hai anh em.

Con trai lớn của tôi hiện 13 tuổi, cũng chịu trách nhiệm quản lý luôn tiền quỹ đó. Bạn ấy sẽ dùng một khoản nhỏ để mua sách vở, một phần cho bố mẹ vay, một phần giữ lại để dùng cho chuyến du lịch trong năm. Hiện bạn ấy mới biết ý thức phải trân trọng số tiền ấy và chi tiêu sao cho hợp lý, chứ cũng chưa nghĩ đến việc dùng số tiền đó sinh lợi nhuận.

Dù vậy, nhưng tôi lại thấy hạnh phúc vì cậu bé biết trân trọng số tiền mừng tuổi con nhận được và chi tiêu một cách có trách nhiệm, hợp lý với kế hoạch cụ thể. Tôi nghĩ, khó nhất là dạy bọn trẻ biết quản lý chi tiêu, và tài chính từ khi nhỏ để mai này ít bỡ ngỡ khi trưởng thành.

Vân Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/lam-dep/me-viet-bat-mi-cach-dam-phan-voi-con-su-dung-tien-li-xi-hop-ly-ar523903.html