Mẹ Việt bật mí bí quyết dạy tiếng Anh cho con từ thưở lọt lòng

Làm sao để bé 3 tuổi nói tiếng Anh trôi chảy mà mẹ không vướng áp lực về thời gian và tiền bạc?

Ngày nay, giáo dục tiếng Anh hiệu quả cho con trẻ đã trở thành một “nhiệm vụ” cho hầu hết các ông bố, bà mẹ. Hình ảnh những em bé còn chưa đi học lớp 1 nhưng đã được bố mẹ đầu tư cho học tiếng Anh ngày càng phổ biến, và việc những cô cậu nhóc chưa đầy 5 tuổi, nhưng đã có thể giao tiếp tiếng Anh ở mức cơ bản cũng đã không còn xa lạ.

Mẹ M.T. ở Hà Nội là một trong những bà mẹ đi theo xu hướng cho con tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Bé M.Đ. của mẹ M.T. được nghe mẹ nói những câu tiếng Anh đầu tiên từ khi mới từ… phòng sinh trở về. Năm nay 3 tuổi, M.Đ. đã có thể ngồi “mạn bàn” với mẹ về việc ai là Tổng thống Mỹ và ông Donald Trump có ở Nhà Trắng hay không. Trước đó, khi 2 tuổi, bé đã có thể diễn đạt những nhu cầu đơn giản, như muốn ăn gì, uống gì, đi đâu…

Tự nhận là một bà mẹ “lười”, “già mà vẫn ham chơi” và “chưa muốn bỏ tiền cho con học ở ILA hay Apollo”…, chị M.T. sẵn sàng chia sẻ những bí quyết dạy tiếng Anh cho con từ thưở lọt lòng của mình.

Học tiếng Anh không bao giờ là quá sớm

Hai vợ chồng đều đã từng đi du học nước ngoài là lợi thế lớn nhất cho việc dạy tiếng Anh của chị M.T. Vì vậy, chị không hề ngần ngại khi cho con tiếp xúc tiếng Anh ngay từ những ngày đầu trong cuộc đời. “Mỗi khi thay tã hay trước khi cho bé uống sữa, tôi đều sử dụng những mẫu câu tiếng Anh đơn giản với bé,” chị M.T. kể. “Khi bé thức và chơi với mẹ, tôi đều chỉ vào các đồ vật, hỏi bé ‘What is this, M.Đ.?’ và tự trả lời bằng tiếng Anh.”

Ở giai đoạn đầu, hãy cố gắng nói những câu mệnh lệnh, câu trần thuật đơn giản và có khả năng minh họa bằng hành động hay hình ảnh ngay lập tức sau khi nói. VD như: Hãy uống sữa nhé, hãy thay bỉm nhé, hãy mở cửa sổ nhé...

Không bao giờ là quá sớm để rèn luyện phản xạ tiếng Anh cho con

“Khoảng hơn 1 tuổi, một hôm M.Đ. chỉ vào một đồ vật nào đó và hỏi tôi ‘oát dít”, chị M.T. nhớ lại. “Ban đầu, tôi không hiểu ý, khiến bé tức giận và nhắc đi nhắc lại. Một lúc sau, khi nghĩ ra bé đang hỏi tiếng Anh với mình, cảm xúc lúc đó thật sự rất thành tựu.” Kể từ đó, bé M.Đ có thể hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Anh với mẹ; tất nhiên ở những mẫu câu đơn giản và khả năng phát âm cũng ngày càng “tròn vành rõ chữ” hơn. Con càng lớn, mẹ bắt đầu nói nhiều vấn đề hơn, giới thiệu nhiều từ mới và mẫu câu mới hơn cho con thông qua các hoạt động khác như đọc sách, xem TV, chơi trò chơi, nghe nhạc… Đối với M.Đ, việc nói tiếng Anh dường như đã trở thành một phản xạ. Khi được hỏi bằng tiếng Anh, bé có thể lập tức trả lời mà không phải mất công chuyển đổi từ tư duy tiếng Việt sang.

Con không bao giờ lẫn lộn giữa tiếng Anh và Tiếng Việt

Đây là lời khẳng định và bảo đảm của chị M.T. Điều quan trọng, không phải là bạn nói tiếng Anh có chuẩn hay không (vì những câu và từ ở mức độ đơn giản như thế này, bố mẹ không khó để có thể phát âm đúng); mà là, không bao giờ sử dụng lẫn lộn giữa tiếng Anh và tiếng Việt. VD như, hạn chế tuyệt đối kiểu hỏi: “M.Đ ơi, quả táo tiếng Anh là gì nhỉ?”.

Nếu các mẹ giữ vững nguyên tắc, khi nói tiếng Việt, chỉ sử dụng tiếng Việt; và khi nói tiếng Anh, chỉ sử dụng tiếng Anh; thì tư duy ngôn ngữ của bé sẽ phát triển song song hai thứ tiếng – giống như trong trường hợp các em bé có bố và mẹ là người nước ngoài. M.Đ. có thể nói với mẹ “Mummy, I have an apple” và ngay lập tức quay sang ông và nói bằng tiếng Việt “ông ơi, cháu có một quả táo.” Và tất nhiên, bên cạnh tiếng Anh, bé vẫn có thể tán chuyện thoải mái bằng tiếng Việt với mẹ.

Các sách ngoại văn có thiết kế và màu sắc phong phú dễ dàng khơi dậy hứng thú dạy và học tiếng Anh của cả 2 mẹ con

Trong hầu hết trường hợp, bé đều có thể nhớ ra từ hoặc câu tiếng Việt tương ứng nếu được hỏi. Còn nếu, bé nhìn một hiện tượng mà chỉ nói ra được từ tiếng Anh, thì nguyên nhân lớn nhất, có lẽ là do, bố mẹ “quên” chưa dạy bé hiện tượng đó nói tiếng Việt là như thế nào, chị M.T. nhắc nhở.

Học tiếng Anh sớm giúp tăng khả năng nói tiếng mẹ đẻ của con

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rất nhiều lợi ích của việc phát triển khả năng song ngữ cho trẻ em ngay từ khi mới sinh ra, trong đó, đáng chú ý là việc học hai ngôn ngữ song song giúp cân bằng sự phát triển cả não trái và não phải của bé.

Đối với việc cho M.Đ. học tiếng Anh sớm, cũng có lúc chị M.T. gặp phải những ánh mắt hồ nghi, nhưng chị tâm niệm, sống tại Việt Nam, con sẽ có cả cuộc đời để phát triển tiếng Việt, nhưng cơ hội để rèn luyện việc nói tiếng Anh như một phản xạ thì sẽ hiếm hoi hơn rất nhiều, và những năm đầu đời là một trong số đó.

Học tiếng Anh sớm giúp bé nói tiếng Việt tốt hơn

May mắn thay, chị M.T. cho biết, ban đầu, bé M.Đ có vẻ chậm nói tiếng Việt hơn một, hai tháng so với một số bé cùng lứa; nhưng khi đã bắt đầu nói, bé tiến bộ rất nhanh, và nói theo tư duy rất rõ ràng, câu dài, đầy đủ từ ngữ và từ cảm thán. Và hiện tại, M.Đ. 3 tuổi thật sự nói tốt hơn so với các bé cùng độ tuổi; trong khi đó, khả năng nói tiếng Anh của bé cũng tiến bộ không ít. Nếu trước đây, bé không thể phát âm các “âm đuôi” của từ, thì hiện tại, bé đã bắt đầu có ý thức, đồng thời nói được những câu dài, phức tạp hơn, đúng ngữ pháp...

Nhàn mẹ, nhàn con, “nhàn túi tiền”

Chị M.T. không kỳ vọng M.Đ. có thể nói được tiếng Anh “nuột nà” giống các em bé sinh ra trong gia đình đa sắc tộc hay có giọng phát âm chuẩn Anh, Mỹ như các bà mẹ khác mong muốn khi cho con theo học những trung tâm có giáo viên người nước ngoài. “Tôi khá thoải mái trong việc đặt mục tiêu cho hai mẹ con. Nếu sinh sống, học tập và làm việc trong môi trường nói tiếng Việt, thì đừng kỳ vọng có thể đào tạo ra những em bé nói tiếng Anh chuẩn Anh – Mỹ 100%. Ngoài ra, theo tôi, quan trọng là nội dung bạn định nói là gì, còn cách phát âm và phong cách nói chỉ cần phù hợp quy chuẩn quốc tế là được,” chị M.T. nói.

Vì vậy, trước mắt, khi M.Đ. còn nhỏ, chị M.T. chưa định cho con theo học bất kỳ trung tâm tiếng Anh nào. Theo chị, việc học tiếng Anh hiệu quả nhất vẫn là 1 -1. Ở trung tâm ngoại ngữ, cho dù các giáo viên người nước ngoài, thời lượng đối thoại trực tiếp giữa thầy và trò vẫn không nhiều do sỹ số lớp đông; ngoài ra, ở độ tuổi này, học kết hợp với chơi, lượng kiến thức các em tiếp thu không cần nặng: “Vì vậy, xem ra, hai mẹ con tự nói chuyện vẫn hiệu quả và tiết kiệm hơn.”

Gọi là “nhàn” nhưng chị M.Đ. cho biết, các bà mẹ dạy con tiếng Anh ở nhà cần phải kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình; đặc biệt là sau khi con đi học mẫu giáo. Bỏ qua sự phản đối từ các thành viên khác trong gia đình (nếu có); trẻ em đi mẫu giáo sẽ có cả ngày nói tiếng Việt tại trường, và thời gian nói tiếng Anh với mẹ tại nhà sẽ chỉ còn rất ít. Vì vậy, phản xạ nói tiếng Anh của các bé sẽ bị ảnh hưởng là điều chắc chắn. Trong trường hợp này, các bà mẹ có thể kết hợp nhiều biện pháp khác nhau để con thêm hứng thú nói tiếng Anh; và tất nhiên, vẫn giữ vững nguyên tắc Anh ra Anh, Việt ra Việt, và sử dụng tiếng Anh với con bất kỳ khi nào có thể.

Bộ phim hoạt hình Anh Peppa Pig rất thích hợp cho các bé dưới 5 tuổi làm quen với tiếng Anh

Chị M.T. cho biết, ở nhà ngoài việc nói tiếng Anh với M.D., chị thường đọc các truyện tiếng Anh đơn giản cho bé (bố mẹ có thể tìm mua sách, truyện tiếng Anh cho các bé dưới 3 tuổi tại hiệu sách ngoại văn hoặc các trang bán sách trên mạng), cho bé xem phim hoạt hình (serie hoạt hình được M.Đ. ưa thích nhất là Peppa Pig…), cho bé nghe nhạc (các bài hát tiếng Anh trên youtube) và chơi trờ chơi (trên Ipad nhưng khá hạn chế, đặc biệt là tuyệt đối không áp dụng cho bé dưới 1 tuổi)…

Lan Phương

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/me-viet-bat-mi-bi-quyet-day-tieng-anh-cho-con-tu-thuo-lot-long-220774.html