Mẹ và vợ xung đột bạn đứng về 'phe' nào?

Có nhiều nguyên nhân cơ bản, 'truyền kiếp' dẫn đến sự xung đột giữa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Nếu hai bên xảy ra xung đột, là người đàn ông ở giữa bạn đứng về 'phe' nào?

Lẽ thường, người mẹ nào khi con trai mình lớn lên cũng muốn chúng lập gia đình. Nhưng khi cưới dâu về, không ít bà mẹ chồng với nàng dâu có sự bất hòa. Có khi là chỉ là việc chưa hiểu nhau. Hoặc mỗi người có cách sinh hoạt khác mà không có thiện chí, thẳng thắn “ngồi vào” đóng góp.

Nguyên nhân chính thường diễn ra, đó là bà mẹ chồng bị con dâu “phỏng tay trên” cục cưng của mình, hay gặp phải nàng dâu hậu đậu, không chăm sóc con trai mình chu đáo… Ngoài ra, sự “trả treo” của những nàng dâu hiện đại cũng là nguyên nhân đẩy sự thể đến cao trào, đi đến nạn nứt. Rơi vào tình huống đó, nhiều ông muốn điên đầu, bất lực.

Vai trò vô cùng quan trọng trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu thuộc về người đàn ông “đứng cửa giữa”

Thiên Lương, cháu tôi, biết mẹ mình khó tính, trước khi cưới vợ, cháu cương quyết xin mẹ xây nhà, ở riêng bên cạnh. Lúc đầu chị tôi hơi buồn, vì có một đứa con trai duy nhất. Nhưng tôi thuyết phục chị nên chấp nhận để tránh xung đột sau này. Chị vui vẻ đồng ý. Hằng ngày, hai vợ chồng đi làm về là cháu dâu tôi tranh thủ chạy sang thăm mẹ chồng. Khi thì mang ký thịt, lúc thì hộp bánh mà chị tôi thích.

Ngày giỗ cha, cháu trai tôi “tư vấn” cho vợ, mua thức ăn mang qua nhà để nấu cúng rất chu đáo. Đầu năm nay, chị mừng ra mặt, khoe với tôi sinh nhật chị, con dâu tặng cho đôi giày xịn cùng bộ mỹ phẩm. Ngược lại, biết vợ mình mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu trai tôi thường nhắc mẹ điện thăm hỏi, dặn dò vợ khi cô ấy đi công tác xa…

Từ việc cháu trai tôi luôn làm chiếc cầu nối giữa mẹ và vợ nên càng ngày chị tôi với con dâu càng thương yêu nhau. Cứ vài hôm con dâu bận việc ở cơ quan, chưa kịp về nhà là chị nôn nóng, điện thoại hỏi thăm, giục về mau: Mẹ nhớ. Ngược lại, biết mẹ chồng sống một mình, cháu dâu tôi cũng luôn quan tâm, động viên chị. Khi con dâu sinh em bé, chị tôi luôn bên cạnh giúp đỡ cháu để bù đắp vì cháu không còn cha mẹ ruột.

Mẹ và vợ xung đột bạn đứng về ‘phe’ nào?

Luân, đồng nghiệp trẻ của tôi cũng là một người có cách ứng xử khéo léo trong việc làm cầu nối cho mẹ và vợ. Chẳng hạn như thỉnh thoảng sắm quà gì cho vợ, anh cũng không quên mua cho mẹ một thứ gì đó mà mẹ thích. Anh khéo léo, chọn lúc cả nhà đầy đủ, vui vẻ, thì mang quà ra tặng hai người một lúc. Vậy là mẹ chồng – nàng dâu cùng cảm thấy thoải mái dần xóa đi khoảng cách trước đó (tất nhiên cũng có nhiều lúc chỉ tặng quà cho mỗi mình vợ, anh phải giấu mẹ).Sự hòa thuận, gắn bó ấy không phải tự dưng mà có. Ấy là do cháu trai tôi biết tích lũy kinh nghiệm từ cuộc sống, biết tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hai phía bằng tình thương yêu chân thành đối với mẹ và vợ.

Lúc vợ mới về làm dâu, Luân trao đổi với mẹ và vợ về tính tình, thói quen của hai người để hiểu và cảm thông nhau hơn. Trong sinh hoạt hằng ngày, Luân luôn tránh những những cử chỉ yêu vợ thái quá trước mặt mẹ mình. Dù là chuyện vặt, nhưng các bạn trẻ cần tránh để nó ngấm ngầm tạo ra khoảng cách giữa mẹ và vợ mình.

Những lúc vợ chồng thân mật nên tế nhị, kín đáo, tránh để mẹ thấy dễ mủi lòng

Dân gian có câu: “Chén trong sóng còn khua”. Cuộc sống không thể không có sự “va quẹt”. Sự thấu hiểu, cảm thông nhau trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu là rất cần thiết trong các mối xung đột thường nhật này. Tuy nhiên, vai trò vô cùng quan trọng lại thuộc về người đàn ông “đứng cửa giữa”. Trong trường hợp có sự xung đột, người đàn ông cần tìm ra nguyên nhân, cũng như kiên nhẫn đưa ra giải pháp tốt nhất để hóa giải mâu thuẫn. Tránh trường hợp nghiêng về một phía.

Thiết nghĩ cánh đàn ông trẻ nên tạo điều kiện cho mẹ và vợ thương yêu nhau, cảm thông cho nhau, chủ động sắp xếp thế nào cho mẹ với vợ mình tránh xung đột. Cố gắng đừng để khi xảy ra chuyện mới hòa giải.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/me-va-vo-xung-dot-ban-dung-ve-phe-nao-155852.html