Mẹ tự tử cùng con - Bài 2: Lỗi tại người chồng?

'Từ xưa đến nay, tư tưởng cố hữu 'mất cha ăn cơm với cá, mất mẹ liếm lá ngoài đường' luôn ăn sâu. Người mẹ tự tử cùng con để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảnh bơ vơ, mồ côi mẹ, vất vưởng đầu đường xó chợ...' - các chuyên gia tâm lý hé lộ nguyên nhân bi kịch mẹ chết cùng con.

Vụ việc đau lòng mẹ tự tử cùng con trai 18 tháng tuổi ở Hà Tĩnh hôm 29.10

Ngày 28.10, dư luận rúng động vụ việc mâu thuẫn với chồng, người vợ pha thuốc diệt cỏ vào sữa cho 2 con uống, rồi tự uống thuốc diệt cỏ tự tử cùng con ở Thanh Hóa. Trước đó, cũng không ít trường hợp do bi kịch gia đình, người mẹ ép con cùng kết liễu.

Nhiều người bàng hoàng đặt câu hỏi: "Hổ dữ không ăn thịt con", tại sao những người mẹ này lại chọn cách tự tử và kết liễu cuộc đời con trẻ? Uẩn khúc tâm lý của những bà mẹ như thế nào trước bi kịch hôn nhân?

Bất bình đẳng giới

Dưới góc độ khoa học, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: Hành vi giết con cũng đã được nêu trong y văn như một dạng rối loạn tâm thần.

Nguyên nhân của hành vi này có thể do nhiều lý do như người mẹ đang bị tổn thương sức khỏe tâm thần, đang bị trầm cảm hoặc loạn thần sau sinh nhưng không được phát hiện, chăm sóc và điều trị đúng.

Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra có khoảng 72% các trường hợp bố mẹ sát hại con đều có các vấn đề về rối loạn tâm thần gồm trầm cảm, rối loạn nhân cách, tâm thần phân liệt, loạn thần, mang ý định tự sát.

Lý giải thêm về hành vi quẫn trí này, chuyên gia Thành Nam cho rằng: Không loại trừ nguyên nhân các bà mẹ chịu quá nhiều áp lực do các trách nhiệm trong cuộc sống, áp lực tài chính do phải nuôi con mà không được sự hỗ trợ của những người thân như chồng, gia đình chồng. Những áp lực dồn lên khi có thêm một đứa con khiến họ không chịu nổi và có hành vi dại dột trong một thoáng mất kiểm soát.

Đặc biệt, nhiều bà mẹ chọn bước đường cùng vì trải qua những sang chấn tâm lý quá lớn như có con bị khuyết tật, nhận tin con bị bệnh nan y, chồng ngoại tình hoặc bị chồng bạo hành lâu dài dẫn đến tâm lý tuyệt vọng.

Có nhiều năm kinh nghiệm, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, bất bình đẳng giới góp phần "châm ngòi" bi kịch. Nhiều phụ nữ vẫn mang nặng tư tưởng "khổ sở nhọc nhằn mình em chịu, dành phần ngon ngọt để chồng con".

Tuy nhiên, có nhiều người chồng không biết trân trọng mà rẻ rúng, bội bạc, hắt hủi, dùng bạo lực trấn áp người phụ nữ. Áp lực quá lớn, nhận thấy hi sinh vô ích và không có sự giúp đỡ tích cực, dẫn đến quyết định bản năng “sống thế này không bằng chết đi cho xong”.

Mẹ thắt cổ tự tử cùng con trai 18 tháng tuổi ở Hà Tĩnh hôm 29.10 vừa qua để lại nỗi đau khôn cùng. Ông Nguyễn Văn Tỷ đau đớn trước cái chết thương tâm của con gái và cháu ngoại. Ảnh: baophapluat.vn

Tư tưởng "mất mẹ liếm lá ngoài đường"

Dưới góc độ tâm lý và văn hóa, chuyên gia Thành Nam đã có những kiến giải về hiện tượng tự tử cùng con: Có thể với văn hóa truyền thống phương Đông, người mẹ cho rằng con mình là một phần cơ thể, là khúc ruột của mình đẻ ra nên mình cần mang nó theo khi tự tử. Nếu bỏ con lại khi tự tử tức là sự gắn kết mẹ con không nhiều, không chặt chẽ, đồng nghĩa với việc cá nhân bà mẹ cảm nhận mình là một bà mẹ tồi tệ.

"Ngoài ra, nhiều bà mẹ tin rằng để con chết có thể tái sinh ở một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tự tử cùng con cũng là cách để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảnh bơ vơ đầu đường xó chợ, mồ côi mẹ, không được dạy dỗ" - chuyên gia Nam nói.

Đau lòng trước những bi kịch, chuyên gia An Chất không nén nổi tiếng thở dài: Mẹ chết đi sợ con ở lại khổ. Bao đời nay vẫn vậy, người mẹ luôn sợ "mất cha ăn cơm với cá mất mẹ liếm lá ngoài đường".

Còn tiếp

Thảo Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/me-tu-tu-cung-con-bai-2-loi-tai-nguoi-chong-639541.ldo