Thi hành án kinh tế, tham nhũng: Chủ động ra quyết định hay theo đơn yêu cầu?

Thời gian qua xảy ra một số vụ án kinh tế, tham nhũng tài sản của Nhà nước nhưng các cơ quan hoặc tổ chức quản lý tài sản của Nhà nước không làm đơn yêu cầu thi hành án.

Ảnh minh họa từ internet.

Từ đó, dẫn đến việc mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không có căn cứ ra quyết định thi hành án, tạo kẽ hở cho người phải thi hành án tẩu tán tài sản, tài sản nhà nước không được thu hồi nên rất cần sự chủ động của cơ quan Thi hành án mà không phụ thuộc vào đơn yêu cầu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn đang có ý kiến khác nhau về việc cơ quan Thi hành án có nên chủ động ra quyết định hay không.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 là cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án đối với “khoản thu khác cho Nhà nước”. Để có cơ sở thống nhất trong việc thực hiện, khoản 3 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nêu rõ khoản thu khác cho Nhà nước thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án gồm: “…các khoản bồi thường trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng”.

Liên quan đến quy định này, Bản án số 45/2012/HSST ngày 27-30/3/2012 của TAND TP Hải Phòng và Bản án số 454/2012/HSPT từ ngày 28-30/8/2012 của TANDTC (vụ Vinashin) đang được thi hành. Theo đó: Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin 991.376.423.000 đồng; Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên và Đỗ Đình Côn phải liên đới bồi thường cho Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 34.894.338.000 đồng; Phạm Thanh Bình và Tô Nghiêm phải liên đới bồi thường cho Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân 32.9109.835.000 đồng và Công ty TNHH MTV điện Cái Lân 32.910.835.000 đồng.

Tuy nhiên, có hai quan điểm về việc ra quyết định thi hành án trong trường hợp này. Cụ thể, quan điểm thứ nhất cho rằng, các khoản thi hành cho các công ty trên là các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan THADS phải chủ động thi hành. Còn theo quan điểm thứ hai, các khoản thi hành cho các công ty trên không phải là các khoản bồi thường cho Nhà nước mà là bồi thường cho doanh nghiệp nên cơ quan THADS chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.

Để thống nhất áp dụng cho các cơ quan THADS về việc ra quyết định thi hành án, đại diện Cục THADS TP Hải Phòng cho rằng, cần sửa đổi quy định hiện hành theo quan điểm thứ hai (ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu). Cục THADS Hải Phòng phân tích, theo quy định của Điều 74, Điều 97; Điều 99 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 73, khoản 2 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự; bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần có vốn góp nhà nước có tư cách pháp nhân và có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình…

Hơn nữa, khoản 8 Điều 7 và khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp quy định khi Nhà nước góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền sở hữu đối với tài sản của doanh nghiệp (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản); việc Nhà nước góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp thì vốn góp trở thành tài sản của doanh nghiệp, Nhà nước có quyền sở hữu đối với doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ góp vốn không có nghĩa là tài sản của Nhà nước đầu tư vào danh nghiệp vẫn là tài sản của Nhà nước.

Ngoài ra, theo Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; phòng, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp.

Vì vậy, nếu cho rằng khoản tiền bồi thường cho các công ty nêu trên trong vụ Vinashin thuộc sở hữu nhà nước và phải thu hồi cho Nhà nước thì tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã quy định: “Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án”. Bởi thế, trong trường hợp này, các công ty trên phải làm đơn yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật THADS.

Thành Công

Nguồn Dân Việt: http://baophapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/thi-hanh-an-kinh-te-tham-nhung-chu-dong-ra-quyet-dinh-hay-theo-don-yeu-cau-385270.html