Mẹ than con chán học lại không muốn về nhà, PGS.TS ở Hà Nội 'hiến kế' khiến ai nấy đọc xong cũng phải rưng rưng

Khi con bệnh, bạn có thể dễ dàng điều trị bằng cách cho con uống thuốc. Tuy nhiên, với những đứa trẻ tuổi 'ẩm ương' cùng những màn 'chống đối' công khai thì 'liều thuốc' nào mới thực sự hiệu quả?

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.

Bạn sẽ làm gì, ứng xử ra sao khi một ngày "trái gió", đứa trẻ tuổi teen nhà mình bỗng dưng không thích đi học, không muốn về nhà, cấm cản thế nào cũng như không? Phản ứng đầu tiên nảy sinh trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ hẳn sẽ là mắng cho con một trận, ép buộc con đi học, thậm chí dùng đòn roi.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Nhịp cầu Đức CTC; tác giả cuốn sách được nhiều phụ huynh yêu thích "Cuộc chiến tuổi dậy thì" cho rằng mọi vấn đề đều có nguyên nhân sâu xa của nó: "Con không thích về nhà chắc chắn vì về nhà không thấy vui, không thấy ấm áp, không thấy sự quan tâm, chia sẻ,... Và về nguyên tắc, nếu muốn con (hay ai đó) nghe lời thì không được đặt mình vào thế đối đầu, tấn công...".

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa.

Bố mẹ nào cũng yêu con vô điều kiện nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để học được cách làm cha mẹ thông thái. Dù là ở bất cứ độ tuổi nào, thứ những đứa trẻ cần không phải là sự thừa mứa về vật chất mà quan trọng hơn, là sự quan tâm và thấu hiểu.

Dù là ở bất cứ độ tuổi nào, thứ những đứa trẻ cần không phải là sự thừa mứa về vật chất mà quan trọng hơn, là sự quan tâm và thấu hiểu. (Ảnh minh họa)

Qua câu chuyện và các bước "gỡ rối" của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa sau đây, mong rằng bố mẹ sẽ có cách ứng xử phù hợp trước những "ẩm ương" của đứa con đang ở độ tuổi nhiều xáo trộn này. Nội dung mở đầu bằng cuộc hội thoại như sau:

- Con em không thích học, giục thế nào cũng không học, và con cũng không muốn về nhà bác ạ. Cháu chỉ về nhà để ngủ. Cứ tan học là cháu đi làm thêm ở quán cafe đến nửa đêm mới về. Cấm cản thế nào cũng không được.

- Cháu lớp mấy rồi em?

- Dạ, lớp 10.

- Ok, tạm gác câu chuyện con không thích học lại nhé, vì thực ra cái sự học bây giờ cũng chẳng có gì để làm con thích đâu em. Nếu từ bé, con đã không thích học thì chẳng có lý do gì để lớn bỗng dưng con thích cả. Giờ ta nói chuyện tại sao con không muốn về nhà. Con không thích về nhà chắc chắn vì về nhà không thấy vui, không thấy ấm áp, không thấy sự quan tâm, chia sẻ,... Em chắc lại hay la mắng, chì chiết con chứ gì?

- Dạ có, tức không thể nhịn được, nói thế nào cháu cũng vẫn không chịu bỏ làm để tập trung vào học.

- Vậy là em đã mắc sai lầm rồi nhé. Về nguyên tắc, nếu muốn con (hay ai đó) nghe mình thì không được đặt mình vào thế đối đầu, tấn công con. Em phải mừng vì con em tuy không thích về nhà nhưng còn lao vào làm ở quán cafe chứ không phải chôn thân ngoài quán nét. Còn may chán đấy. Giờ thì em nên làm thế này, nhớ làm kheo khéo để con không nghĩ là em làm trò hay diễn kịch với con nha.

1. Tuổi này các con đang muốn khẳng định mình bằng nhiều cách khác nhau, không ít đứa làm theo cách của con em, kiếm tiền (làm ra tiền oai chứ, muốn tiêu gì không phải xin bố mẹ).

Vậy em hãy "khen" con đi, chẳng hạn bảo ngày xưa bằng tuổi con mẹ chả biết gì, kiếm tiền càng không biết, bọn con giờ "khôn" hơn hẳn "bọn mẹ" ngày xưa nhiều.

2. Hỏi han về công việc của con, chẳng hạn:

- Con làm ở quán cafe có học được cách pha cafe ngon không, mẹ cũng thích uống cafe, khi nào bày mẹ cách pha với nhé.

- Quán họ thường nhập những loại cafe nào, có loại nào đặc biệt không, khi nào mẹ cũng muốn đến uống thử xem sao.

- Đã bao giờ con gặp phải khách hàng khó tính/ củ chuối chưa? Nếu con nói gặp rồi thì lựa lời bảo nó kể lại tình huống và hỏi xem con đã xử sự như thế nào, nếu có gì hay thì góp ý cho con, theo mẹ, có lẽ mình nên như thế này thì khách sẽ.... Nếu bày được cho con cách giao tiếp với các loại khách thì càng tốt.

Rồi dần dần lân la:

Những giờ nào quán thường đông khách nhất, những giờ nào vắng khách hoặc không có khách? Những lúc không có khách con thường làm gì? Mẹ nghĩ những lúc rảnh quá thì mình có thể xin phép chủ được mang sách ra đọc, con đọc những cuốn truyện con thích, hoặc mang bài tập ra tranh thủ làm cũng tốt. Nhưng con nhớ xin phép chủ quán đã nhé.

Rất nên lựa theo gout quần áo của con và mua tặng con hoặc gợi ý cho con mua vài bộ để đến chỗ làm cho lịch sự.

Nói chung, đừng dại gì mà đối đầu với bọn nhóc tuổi ấy. Hãy đứng về phía con, cố gắng cảm thông, chia sẻ, thậm chí là "đồng lõa" với chúng. Bạn thân của mình ngày trước có 2 đứa con nghiện game, cô ấy còn đi học đánh game để về đánh với con cơ đấy.

Nói chung, đừng dại gì mà đối đầu với bọn nhóc tuổi ấy. Hãy đứng về phía con, cố gắng cảm thông, chia sẻ, thậm chí là "đồng lõa" với chúng. Bạn thân của mình ngày trước có 2 đứa con nghiện game, cô ấy còn đi học đánh game để về đánh với con cơ đấy.

Và sẽ thật tuyệt, khi đêm thằng bé trở về nhà, mẹ để sẵn một vài món ăn nó thích kèm tờ giấy dặn dò: "Con trai mẹ ăn ngon miệng rồi ngủ sớm cho đỡ mệt nha. Mẹ yêu và thương con trai của mẹ thật nhiều". Thi thoảng thức đợi được con về là tốt nhất.

Nhà nhớ thật nhiều hoa, cắm khắp nơi, chỉ cần mỗi lọ 1 hoặc vài bông nhỏ xinh là cả nhà đã tràn đầy sinh khí rồi.

Hạ Uyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/me-than-con-chan-hoc-lai-khong-muon-ve-nha-pgsts-o-ha-noi-hien-ke-khien-ai-nay-doc-xong-cung-phai-rung-rung-20210124205443714.htm