Mẹ phi công Khuất Mạnh Trí nén nỗi đau động viên con dâu

Mất chồng khi mới 40 tuổi nay lại mất con trai độc nhất ở tuổi ngoài 60, mẹ phi công - Trung tá Khuất Mạnh Trí - vẫn không quên nhắc nhở mọi người động viên con dâu trong những giây phút tiễn biệt anh lần cuối.

Thương tiếc người phi công anh hùng

Sáng nay 29/7, ngay từ sớm, mọi ngả đường từ Hà Nội lên thị xã Sơn Tây, quê nhà của Trung tá Khuất Mạnh Trí như gần lại và ấm áp hơn, bởi hình ảnh những đồng đội khoác trên mình màu áo xanh của bầu trời đang đứng chốt trạm, tham gia điều tiết giao thông để tiện chỉ đường, hướng dẫn cho người thân, gia đình, bạn bè, đồng đội của anh Trí về viếng tang lễ, chia buồn với gia đình và tiễn đưa phi công Trí về nơi an nghỉ cuối cùng.

Căn nhà nhỏ của gia đình anh Trí nằm nép trong ngõ nhỏ của phố Lạc Sơn, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây. Sau khi được truy điệu ở TP Vinh (Nghệ An), linh cữu anh được đưa về Đài hóa thân hoàn vũ ở Văn Điển (Hà Nội). Sáng sớm nay, anh được đồng đội, người thân đưa về nhà với nghi lễ trang nghiêm, phủ đầy hoa thơm xung quanh. Trong bức chân dung, gương mặt anh bình thản, tươi cười với mọi người.

Rất nhiều vòng hoa của các đoàn thể, cá nhân, bạn bè, đồng đội Trung tá Khuất Mạnh Trí

đến tiễn biệt anh và chia buồn với gia đình anh

Dọc con đường trước ngõ nhà anh là dòng người vào viếng mỗi lúc một đông hơn. Những vòng hoa lần lượt được dựng gọn, xếp chen nhau ở một góc.

Ông Trần Hà, 70 tuổi, là bạn học của mẹ anh Trí tần ngần đứng ở phía bên kia đường nhìn vào ngõ nhỏ, ông đã đợi suốt hơn 2 giờ đồng hồ, nhưng vẫn chưa đến lượt mình vào viếng. Ông Trần Hà tâm sự: “Tôi với mẹ cậu Trí là bạn học cấp 3, sau này cậu Trí cũng học chung trường với con tôi hồi cấp 1, 2, 3. Con tôi và con bà Lan (mẹ của anh Trí) cùng học xong cấp 3 thì rủ nhau thi vào Học viện Phòng không không quân. Cậu Trí đỗ, còn con tôi thi đến vòng thứ 3 thì trượt”.

“Ngay từ khi học cấp 2, cấp 3, cậu Trí đã rất giỏi các môn thể dục, thể thao, nhất là học võ. Cậu ấy có năng khiếu từ nhỏ, nên học những môn đó, Trí luôn được thầy gọi lên làm mẫu cho các bạn khác học theo” - ông Trần Hà kể thêm.

Ngày cuối cùng anh về thăm vợ con chính là ngày giỗ bố

Từ hôm nghe tin chồng mất, chị Thùy, vợ anh Trí, như người mất hồn vì sự ra đi quá đột ngột của anh. 37 tuổi, chị đã góa chồng, 2 con còn nhỏ dại, con gái lớn học lớp 4, cháu trai nhỏ mới lớp 2.

Lần cuối cùng, anh Trí về thăm mẹ già, thăm vợ con, họ hàng, làng xóm cách ngày anh Trí mất đúng 2 tuần. Đó là ngày giỗ của bố anh. Ông cũng từng là quân nhân, là tử tù, đã có giấy báo tử về gia đình, nhưng may mắn là sau vài năm, ông vẫn tìm được về với vợ con. Tuy không mất vì chiến tranh, bom đạn, vì sự tra tấn của kẻ thù, nhưng ông lại mất vì căn bệnh hiểm nghèo khi mới 55 tuổi. Ông ra đi để lại cho mẹ anh khi ấy mới 40 tuổi 2 con nhỏ, anh Trí là con trưởng trong gia đình.

Ngày giỗ bố cũng là lần cuối cùng anh Trí về thăm nhà. Anh chào hỏi mọi người và gửi gắm mẹ, vợ con nhờ anh em, họ hàng giúp đỡ vì anh đi xa biền biệt. Đó cũng là lời vĩnh biệt, gửi gắm của anh, nỗi lo canh cánh của người đàn ông trụ cột trong gia đình.

Gần đến giờ đưa tiễn nhưng dòng người đến tiễn biệt anh vẫn đông

Nén chặt nỗi đau, mẹ anh động viên con dâu

Sáng nay (29/7), vì nhà anh Trí rất đông người đến viếng, nên 2 con của anh được người thân đưa sang nhà người họ hàng chơi tạm. Bà Lan, mẹ anh Trí, khó đứng dậy nổi để chào khách. Nén nỗi đau khôn cùng ngày nào khi mất chồng sớm, giờ lại mất con trai duy nhất quá đột ngột, bà vẫn cố dặn người thân để ý, động viên vợ anh Trí.

Chị Hoàn, hàng xóm cận kề nhà anh Trí, khẽ lau nước mắt nói: “Hiếm có người mẹ chồng nào tốt và nhân hậu như mẹ anh Trí. Ở nhà, bà thay anh chăm sóc con dâu mà không một lời than vãn. Bà không làm nghề giáo, nhưng bà dạy các cháu học chữ, học viết để vào lớp 1 rất tận tụy. Mọi việc nhà, cơm nước, nhà cửa, bà cũng lo thu vén chu toàn. Nhiều người bảo bà việc gì phải khó nhọc khi bà còn có con dâu, nhưng bà cười hiền: “Chồng nó đi xa suốt, tôi thương con dâu, nên vài việc vặt trong nhà thì đáng gì. Nó thiệt thòi nhiều. Tôi cố gắng bù đắp cho nó được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu, cũng là giúp con trai mình yên tâm làm nhiệm vụ”.

Lần nào về nhà, anh Trí cũng đi chào hỏi tất cả hàng xóm, rồi về nhà giúp vợ con dọn nhà, sửa lại mái bếp. Anh không ngại bất cứ việc gì. Nhiều lúc sắp xa nhà, anh cứ ngó hết chỗ này, chỗ kia, xem còn việc gì để làm nốt cho vợ con và mẹ ở nhà yên ấm.

Những dòng tiễn biệt, tiếc thương của đồng, đội, bạn bè, người thân lưu lại bên anh

Thiếu tướng Bùi Anh Chung, Phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, nín lặng hồi lâu mới nói như một người anh với đứa em mình: “Tôi thương Trí quá. Sự ra đi quá đột ngột, chưa kịp nói gì với đồng đội, với các anh, nhất là Trí chưa có lời tâm sự với người vợ đáng yêu và căn dặn 2 đứa con thơ dại. Hôm nay, tôi thắp nén nhang thơm vĩnh biệt em…”.

Chị Trần Thị Bích Thủy, dẫn đầu đoàn lớp cấp I, cấp II ở trường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây vừa lau nước mắt tiễn đưa, vừa nói lời vĩnh biệt: “Trí ơi, cả khóa cấp I, cấp II Lê Lợi đã đến bên bạn, tiễn đưa bạn đi nốt đoạn đường cuối của cõi tạm này. Chúng mình sẽ nhớ mãi những giây phút bên nhau, trà đá vỉa hè, karaoke, bia bọt, bóng đá… Nụ cười của bạn sẽ mãi trong tim chúng tớ. Yên giấc ngàn thu nhé bạn hiền”.

Khánh Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/me-phi-cong-khuat-manh-tri-nen-noi-dau-dong-vien-con-dau-post46312.html