Mẹ 'phát rồ' với con gái lớp 5 lúc nào cũng 'chậm như rùa'

Vốn lề mề nên hôm nào con gái lớp 5 của chị Nguyễn Khánh Phương (Minh Khai, Hà Nội) cũng đi học muộn. Mẹ thì 'phát rồ' còn con cứ đủng đỉnh như thể không có chuyện gì xảy ra.

Tính lề mề, chậm chạp của con khiến nhiều cha mẹ... phát điên. Ảnh minh họa

Không ngày nào chị Phương không điên tiết với con gái lúc nào cũng “chậm như rùa”. Từ lúc ngủ dậy đến lúc đi ngủ, chẳng có lúc nào con có thể nhanh chân nhanh tay. Việc gì con cũng lề mề, thủng thẳng. Buổi sáng, phải gọi đến 10 phút, con mới cố giương 2 mí mắt lên. Con chậm chạp đi vào nhà vệ sinh và ngồi trong đó "ngủ" thêm 10 phút nữa. Đến đánh răng, ăn sáng, mặc quần áo, con cũng chậm rãi dù sát giờ đi học. Thậm chí, ngày nào cũng bị cô giáo và bạn bè phê bình vì đến lớp muộn, nhưng điều đó cũng không làm thay đổi được thói quen chậm chạp của con.

Chính sự lề mề ảnh hưởng khá nhiều cuộc sống của con. Lẽ ra việc làm bài tập về nhà của con chỉ mất 45 phút đến 1 tiếng, nhưng với kiểu vừa học vừa chơi, vừa làm vừa nghĩ đến việc khác nên hôm nào con cũng mất 2- 3 tiếng. Tối nào 11h30, thậm chí 12h đêm con mới hoàn thành xong bài để đi ngủ.

Thói quen chậm chạp cũng khiến kết quả học tập của con không tốt. Khi bài thi, bài kiểm tra giới hạn thời gian thì vẫn thói quen thủng thẳng nên không bài nào con làm xong dù khả năng của con không tồi. Chị Phương cho biết, trước đây con không có tính “câu thời gian” như vậy. Nhưng từ khi bước vào lớp 5, con lại bất ngờ chậm chạp.

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần chú trọng cải thiện thói quen lề mề cho con bởi tính cách này nếu không thay đổi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, việc học tập của con sau này.

Cha mẹ tránh những sự vật dễ khiến trẻ phân tâm như không được để đồ chơi trong tầm mắt của trẻ, càng không được để trẻ vừa chơi vừa mặc quần áo, để tránh hình thành thói quen lề mề. Buổi sáng ngủ dậy có thể mở những bản nhạc có nhịp điệu để trẻ tăng tốc hành động, dành ra một chút thời gian ôm trẻ vào lòng để trẻ cùng tăng tốc với cha mẹ. Không nên nói với trẻ những câu có hàm ý trách móc: “Nhanh lên, nếu không lại đến muộn đấy!”.

Thi thoảng, cha mẹ để trẻ trả giá vì sự lề mề của mình. Chỉ sau khi nếm trải những tổn thất do tính lề mề gây ra thì trẻ mới tự giác thay đổi.

Cha mẹ cần bồi dưỡng quan niệm giá trị thời gian cho trẻ. Ảnh minh họa

Cha mẹ không nên hối thúc, càng không nên trách cứ hoặc đánh mắng khi trẻ lề mề. Những phương thức thô bạo này không có tác dụng, trẻ tạm thời do bị hù dọa mà tốc độ làm việc nhanh hơn một chút, nhưng sau khi sự việc lắng dịu thì đâu lại vào đấy.

Thực ra, những biện pháp mà cha mẹ áp dụng là lợi bất cập hại. Tuy trẻ còn nhỏ, nhưng chúng cũng cần được tôn trọng, khi bị cha mẹ quát tháo và đánh mắng, cảm nhận của chúng chắc chắn là không tốt, đôi khi có thể chúng sẽ không quan tâm đến hành vi của cha mẹ, hoặc cố tình kéo dài thời gian để thể hiện sự chống đối.

Cha mẹ có thể đặt ra thời gian cố định cho trẻ, để trong khoảng thời gian này chúng phải hoàn thành việc mặc quần áo, rửa mặt... đồng thời để chuông hẹn giờ để nhắc nhở trẻ phải để ý đến thời gian. Đối với trẻ hành động chậm chạp thì thường phải dùng biện pháp khích lệ để thúc giục trẻ, tăng tốc làm việc, đi nhanh, ăn nhanh, mặc quần áo nhanh...

Đặc biệt, cha mẹ cần bồi dưỡng quan niệm giá trị thời gian cho trẻ. Trẻ làm việc lề mề phần lớn cũng bởi trẻ vẫn chưa có quan niệm về giá trị thời gian và cũng không biết thời gian có ý nghĩa như thế nào, cho nên, bồi dưỡng quan niệm giá trị thời gian là điều vô cùng quan trọng đối với những trẻ có tính lề mề. Cha mẹ phải tìm cách để trẻ nhận thức được rằng, thời gian là tài sản quý báu nhất trên thế giới; phải tìm cách để trẻ hiểu rằng: Quý trọng thời gian chính là quý trọng cuộc sống.

Nhật Minh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/me-phat-ro-voi-con-gai-lop-5-luc-nao-cung-cham-nhu-rua-post35807.html