'Mẹ ơi, nhà mình thuê người chăm bà đi, bà ốm phiền phức quá!'

Lần đó, mẹ tôi bị ngã, thâm tím một bên chân nên đi lại khó khăn, phải nhờ con cháu giúp đỡ khi cần. Biết mình không thể ở bên mẹ cả ngày, tôi dặn con gái để ý chăm sóc bà.

Ảnh minh họa

Lúc đầu, con gái tôi cũng vui vẻ đồng ý. Nhưng, mới qua ngày thứ 3 thì cháu phụng phịu, nói: “Mẹ ơi, nhà mình thuê người chăm bà đi. Bà ốm thế này phiền phức quá”.

Tôi thấy lòng đau nhói, không hiểu sao con gái mình lại có thể nói ra những lời vô tâm như vậy. Tuy nhiên, tôi vẫn cố giữ bình tĩnh để không buông ra những lời trách cứ con nặng nề mà từ tốn hỏi con:

- Vì sao con lại thấy bà phiền phức?

- Thì bà suốt ngày nhờ con giúp cái này, cái kia. Con vừa lấy cho bà cốc nước, chưa kịp về phòng thì bà đã sai lấy cho bà cái khăn. Con giúp bà lấy khăn xong, bà lại bảo con đấm lưng cho bà.

- Mẹ thấy mấy việc đó với con đâu có khó?

- Không khó nhưng con không thích bị bà sai bảo như vậy. Con cần yên tĩnh để học bài, đọc sách hay đơn giản là nằm nghe một bản nhạc mà không bị bà làm phiền.

- Vậy con nghĩ mình thuê người giúp việc chăm bà thì bà sẽ vui sao?

- Mình chăm hay thuê người chăm bà có khác gì đâu mẹ. Chỉ cần mẹ bỏ tiền ra thuê người thì cũng coi như nhà mình báo hiếu bà mà.

Tạm thời, tôi không tranh cãi với con về việc này mà chỉ nói, sẽ suy nghĩ thêm. Bởi tôi biết, ngay lúc này tôi có nói với con thế nào về đạo hiếu của con cháu với ông bà, cha mẹ thì con cũng không chịu tiếp thu.

Ảnh minh họa

Hai hôm sau, con gái tôi rời nhà, tham gia một khóa học đào tạo về kỹ năng sống ở vùng ngoại thành trong vòng một tháng. Khi đi, cháu rất lo lắng vì không biết cuộc sống xa nhà như thế nào. Quả nhiên, mới được 2 ngày, cháu đã gọi điện về, nói ở đó chán lắm, muốn tôi mang cho cháu thêm ít đồ. Tôi biết, điều kiện sinh hoạt ở nơi tổ chức khóa học không quá khó khăn, chỉ là con tôi quen được nuông chiều nên mới như vậy. Vì thế, tôi nói con hãy cố gắng thích nghi và hẹn con cuối tuần sẽ tới thăm con.

Đến hẹn, tôi tới thăm con nhưng không vào. Thay vào đó, tôi nhờ anh bạn quen đi cùng tôi mang đồ vào đưa cho cháu. Lúc trở ra, anh bạn kể con tôi vẫn khỏe, trông rắn rỏi hơn nhưng mít ướt, mếu máo đòi gặp mẹ. Cháu nhờ anh nhắn là lần sau mẹ phải đích thân vào thăm cháu.

Một tuần trôi qua, tôi tiếp tục nhờ anh bạn thay mình gặp con. Sở dĩ tôi làm vậy vì các thầy cô giáo trong khóa học đã giúp tôi âm thầm theo dõi, chăm sóc con sát sao. Nếu có việc gì khẩn cấp tôi sẽ xuất hiện còn không tạm thời tôi vẫn “lánh” con.

Đến tuần thứ ba, con tôi đã không thể kiên nhẫn được nữa. Cháu tỏ ra giận dỗi tôi khi gọi về nhà:

- Mẹ ơi, mẹ ghét con lắm phải không? Tại sao mẹ không vào thăm con?

Tôi vờ tỏ ra ngạc nhiên:

- Sao con lại nói mẹ ghét con. Mẹ vẫn yêu con nhưng vì nhà mình xa quá, mẹ không tiện lên thăm con đấy thôi. Nhưng mà mẹ vẫn nhờ người mang bao nhiêu đồ đến cho con mà.

- Con không cần mấy thứ đó mà con cần mẹ. Mẹ có biết không, đồ do chú ấy mang vào khác với đồ mà mẹ đưa cho con chứ… Mẹ là mẹ con mà mẹ lại không muốn chịu vất vả vì con.

Cuối cùng, cuộc điện thoại của hai mẹ con tôi chấm dứt, kéo theo sự thất vọng của con về tôi.

Cuối tuần đó, cháu không gọi về nữa thì tôi lại đích thân đến gặp con. Nhìn thấy tôi, ban đầu, cháu định bỏ đi luôn nhưng tôi đã gọi con ngồi xuống. Tôi bảo con, mấy tuần vừa rồi chỉ là “kế” của tôi thôi, chứ thực ra, tôi vẫn luôn đến tận khu học để cập nhật tình hình của con. Tôi giải thích để con thấy, cảm giác được người thân yêu của mình chăm sóc, quan tâm còn quan trọng hơn là sự đủ đầy về vật chất.

Có lẽ, cháu đã rất buồn khi biết tôi than vãn việc đi thăm cháu thật phiền nhiễu nên chọn ở nhà để nhàn thân. Sau đó, tôi liên tưởng tới lời đề nghị thuê người chăm bà của con. Trong tình huống ấy, bà ngoại cũng rất buồn nếu con cháu ngại khó, không muốn giúp đỡ bà mà chọn cách bỏ tiền ra nhờ người ngoài “báo hiếu” giúp.

Nghe tôi nói xong, con gái tôi rơm rớm nước mắt, nói đã hiểu thông điệp của mẹ là gì. Đến lúc này, bà ngoại của cháu xuất hiện. 3 tuần đã đủ cho bà phục hồi đôi chân, nên ngay khi lành bệnh, bà đã nói tôi đưa bà cùng đi thăm cháu. Xa cháu lâu ngày, bà cũng sốt ruột, muốn xem cháu ra sao, có bị gầy đi nhiều không.

Chưa để cho bà cất tiếng hỏi thăm, con gái tôi đã vùng đứng dậy, chạy lại ôm chầm lấy bà, mếu máo: “Bà ơi, cháu yêu bà nhiều lắm. Sau này, cần gì, bà cứ gọi cháu giúp bà nhé”.

Hoàng Lâm

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/me-oi-nha-minh-thue-nguoi-cham-ba-di-ba-om-phien-phuc-qua-post52754.html