Mẹ ơi! Đừng bỏ con!

TGTTO LTS: 'Mẹ ơi! Đừng giết con' là tên của chiến dịch kêu gọi chống nạn nạo phá thai tràn lan ở Việt Nam, do hai bạn trẻ Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1988, TP.HCM) và Lê Huỳnh Hà (sinh năm 1990, Phú Yên) đồng sáng lập, với sự tham gia của nhiều bạn trẻ.

Chiến dịch, ngay sau khi phát động, lập tức gây sự quan tâm của cộng đồng, bởi thông điệp mà những người trẻ đưa ra thật nhân văn mà cũng thật sự gây sốc. Bên cạnh thông điệp này, hai bạn trẻ còn lập trang web để xin 100.000 chữ ký kiến nghị Quốc hội xem xét xây dựng và ban hành 'Luật cấm nạo phá thai' tại Việt Nam.

Nhận thấy đây là một vấn đề thật sự nghiêm túc, cần được sự quan tâm của cộng đồng, TGTT Online mở diễn đàn "Mẹ ơi! Đừng bỏ con!" đăng tải các ý kiến xoay quanh vấn đề này. Kính mời quý độc giả chia sẻ ý kiến về địa chỉ email: toasoan@thegioitiepthi.vn.

Không có người mẹ nào muốn giết con mình!

“Bạn có biết thảm họa nhân đạo nào đang giết chết 300.000 sinh mạng mỗi năm tại Việt Nam?”. Đó chính là do nạn nạo phá thai chứ chẳng phải là thảm họa hay thiên tai nào. Một con số kinh hoàng.

Quả thật, nếu như không theo dõi chiến dịch này thì tôi không biết con số nạo phá thai hằng năm ở nước ta lại nhiều đến như vậy. Con số này có chính xác không? Lấy từ nguồn nào? Nếu đó là con số thật thì thật sự đáng báo động.

Trong những ngày qua thì dư luận dường như chia thành hai phe, bên tán đồng, bên phản đối. Quả thật, đây là vấn đề vô cùng nan giải, với tất cả sự tế nhị, sự hiểu biết, được soi xét dưới góc độ quyền con người, vấn đề nữ quyền và cả những uẩn khúc không thể gọi tên.

Rõ ràng, nạn nạo phá thai tràn lan, đặc biệt trong giới trẻ là đáng lên án, không thể chấp nhận được. Không chỉ phá bỏ thai nhi, nhiều người mẹ trẻ còn dễ dàng vứt bỏ đứa con mới lọt lòng. 300.000 sinh mạng mỗi năm bị “giết”, và bao nhiêu sinh linh phải nương tựa nơi cửa chùa, mái ấm tình thương, hay quặt quẹo một kiếp người?

Các bạn trẻ với slogan của chiến dịch kêu gọi chống nạo phá thai

Không chạm đến thì thôi, còn chạm đến thì quá kinh khủng. Nhưng ở đây, theo tôi, slogan của chiến dịch thật sự gây sốc: “Mẹ ơi! Đừng giết con”. Cái chữ “giết” thật kinh hoàng, ác nghiệt. Có người mẹ nào đang tâm giết chính đứa con máu mủ của mình? Đâu phải trường hợp nạo phá thai nào cũng đáng lên án? Nên nhớ, tự người phụ nữ không thể tạo tác thai nhi trong bụng mình, đứa con là sự tác hợp giữa hai người, đàn ông và đàn bà. Cho nên, tội lỗi, nếu có phải được nhìn từ hai phía. Đây là điều cẩn trọng cần thiết. Trên các diễn đàn, tôi thấy có ý kiến hài hước rằng: “Tại sao phải là “Mẹ ơi! Đừng giết con”; mà không đơn giản rằng: “Bố ơi! Hãy dùng bao cao su”? Ừ, tại sao lại không thế nhỉ? Nhưng câu chuyện có đơn giản như việc dùng bao cao su không? Có lẽ là không đơn giản như vậy.

Nhưng dù thế nào thì tôi vẫn tin rằng, trên thế gian này, không có người mẹ nào đang tâm “giết” đi chính đứa con ruột thịt của mình. Có chăng, trong một hoàn cảnh nào đó, trong một cảnh huống tâm lý nào đó, họ bắt buộc phải “bỏ” nó đi mà thôi. Cho nên, theo tôi thì: “Mẹ ơi! Đừng bỏ con” sẽ hợp lẽ hơn, trách nhiệm hơn mà cũng yêu thương hơn.

Một người mẹ, có thể trong một lúc nào đó đã “bỏ rơi” đứa con của mình, nhưng trong lòng thì vẫn giữ mãi những nỗi buồn đau; còn “giết” thì đó là một tội ác, một hành vi không thể dung thứ. Chữ nghĩa vẫn là chữ nghĩa, nhưng nếu chúng ta không cẩn trọng thì nó cũng có thể “giết” chết người khác, mà ở đây chính là những người phụ nữ đang phải chống chọi với nỗi đau riêng mình.

TRẦN NHÃ THỤY

Không phải trường hợp phá thai nào cũng là tội ác

Trong một lần tìm đến khoa Hiếm muộn của một bệnh viện tại TP.HCM, tôi chứng kiến không ít giọt nước mắt, nỗi đau đớn của vô số cặp vợ chồng sau nhiều năm chạy chữa ngược xuôi, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn không có được mụn con. Cũng vì không thể sinh con, nhiều cặp vợ chồng đành phải ngậm ngùi đường ai nấy đi để tìm cho mình sự lựa chọn mới. Chứng kiến những cảnh tượng đó mới thấm thía nỗi khát khao làm mẹ, làm cha vô bờ bến của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Thế nhưng, cũng tại bệnh viện này, tôi bắt gặp không ít chị em phụ nữ (ở nhiều độ tuổi khác nhau) tìm đến bác sĩ để xin phá bỏ sinh linh bé bỏng đang tồn tại và lớn dần trong bụng mình mà không một chút đắn đo. Thực tế này khiến tôi – một người phụ nữ từng điều trị hiếm muộn cảm thấy bức xúc và không ngừng đặt câu hỏi, tại sao những người mẹ đó lại lạnh lùng, nhẫn tâm rũ bỏ những thiên thần bé bỏng vô tội như thế. Nếu như không muốn sinh con thì tại sao họ lại không tìm cách phòng ngừa, tránh thai để rồi vứt bỏ con mình không thương tiếc… Cứ thế, trong tôi xuất hiện vô số ý nghĩ hờn giận, trách cứ những người mẹ nhẫn tâm nạo phá bào thai trong bụng mình và cho rằng đó là tội ác không thể nào tha thứ được.

Rồi đến một lần có dịp đi công tác ở một tỉnh vùng cao, tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng, dở khóc dở cười của việc mang thai ngoài ý muốn. Đó là trường hợp của một bé gái 12 tuổi bị cha ruột hãm hại nhiều lần nhưng không dám kể với ai vì sợ bị đánh đòn. Cho đến khi người mẹ ruột của bé gái này phát hiện thì nạn nhân đã mang trong mình bào thai 22 tuần tuổi.

Không phải trường hợp phá thai nào cũng là tội ác. Ảnh minh họa

Cách đây chưa đầy một tháng, tôi gặp một nữ sinh lớp 6 bị gã thanh niên gần nhà hãm hại dẫn đến mang thai 29 tuần. Thế nhưng, vì tuổi còn quá nhỏ nên em nữ sinh này không hề hay biết về sự xuất hiện sinh linh bé bỏng trong bụng mình cho đến khi được mẹ ruột mang đi khám bệnh. Xót xa trước những cảnh tượng ấy, tôi và nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu những đứa trẻ được những người mẹ “nhí” ấy sinh ra sẽ có tương lai ra sao, chúng sẽ sống như thế nào khi biết sự ra đời của mình xuất phát từ một hoàn cảnh nghiệt ngã. Và tương lai của những người mẹ “nhí” ấy sẽ như thế nào khi đã mang trên mình nỗi đau cùng cực?

Để trả lời cho những thắc mắc của bản thân, tôi tìm đến một cơ sở bảo trợ xã hội thì được chứng kiến nhiều đứa trẻ sống vật vã với những căn bệnh như: đao, chậm phát triển, dị tật… chỉ vì ra đời sau khi người mẹ bị hãm hiếp. Vì không có khả năng nuôi dưỡng nên sau khi sinh, các bà mẹ “nhí” và gia đình đành nhờ đến sự giúp đỡ, chăm sóc của cơ sở bảo trợ xã hội. Cũng tại nhiều cơ sở bảo trợ xã hội có không ít đứa trẻ may mắn sinh ra lành lặn, kháu khỉnh nhưng bị người thân bỏ rơi từ khi mới cất tiếng khóc chào đời.

Hay đó là cảnh tượng, nhiều người phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng núi khó khăn sinh đến con thứ 8, thứ 9 chỉ vì “lỡ”, không biết phòng tránh thai. Thực tế này khiến cho kinh tế gia đình họ ngày càng đi vào ngõ cụt. Con đông, không có kế sinh nhai, nhiều gia đình sống lay lắt, bữa đói nhiều hơn bữa no, con cái không những không được đến trường mà phải đi làm thuê, cuốc mướn khi còn rất nhỏ.

Từ những cảnh đời éo le ấy, tôi nghĩ rằng, không phải trường hợp phá thai nào cũng là tội ác. Bởi những đứa trẻ được sinh ra ngoài ý muốn, không được nuôi dạy đến nơi đến chốn không chỉ sẽ trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội mà còn khiến cho tương lai của các cháu ngày càng tồi tệ hơn. Qua đó cũng cho thấy, để ngăn chặn nạn phá thai thì không chỉ là trách nhiệm của những người phụ nữ...

THƠ TRỊNH

(Đăk Nông)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/me-oi-dung-bo-con-20111.html