Mẹ nuôi yêu quý

Chị lấy anh là nhờ… mẹ nuôi. Hạnh phúc gia đình hiện nay có được cũng nhờ rất nhiều vào mẹ nuôi chú ý tháo gỡ những vướng mắc. Đó là điều khiến chị cảm tạ trời đất vì may mắn chị có được người mẹ nuôi mà chị coi gần như là mẹ ruột.

Cuộc sống của gia đình chị hết sức vất vả. Gia đình làm nông suốt ngày quần quật ngoài ruộng đồng cũng chỉ đủ ăn. May mắn là (không biết may hay rủi), chị lại là đứa học giỏi, ngoan ngoãn. Chị thi đậu vào trường chuyên của tỉnh, cầm giấy báo trúng tuyển mà lòng buồn bã, lo lắng. Bởi, từ làng quê ra phố thị, chị không hiểu sẽ sống ra sao khi nhà không có xu dính túi cho chị, dù tiền ăn, tiền ở, tiền học đã được nhà trường lo. Tuy nhiên, chị cũng khăn gói lên tỉnh nhập học.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một hôm, chị được cô giáo dạy toán gọi riêng vào phòng giáo viên nói chuyện. Chị rất lo lắng, không biết mình có lỗi gì. Cô giáo đã đứng tuổi, trông nghiêm nghị. Cô nhìn chị và nói: “Trông em xanh xao lắm. Em cứ về nhà cô mà ở. Cô ở một mình, con cái đã lớn, đứa lấy chồng ra ở riêng, đứa còn đi học đại học. Cô có thể dạy kèm thêm môn toán cho em. Cô sống một mình cũng hơi buồn”…
Chị về nhà ở với cô giáo từ đó. Cô coi chị như là đứa con của mình. Cô chăm chị từ ăn uống, đến học hành, mua cho chị từ sách vở đến tài liệu. Chị như có người mẹ thứ hai vậy. Sức khỏe của chị nhanh chóng cải thiện, sức học cũng tăng lên có thể đuổi kịp những đứa bạn “siêu giỏi trong lớp”.
Điều cảm động là thỉnh thoảng mẹ của chị ra thành phố thăm con, mang lỉnh kỉnh gạo, khoai sắn, gà vịt… đều đến nhà cô giáo của chị và được đón tiếp niềm nở, coi như người nhà.
Rồi chị cũng tốt nghiệp phổ thông trung học, vào đại học, đi làm. Thời gian nhanh chóng trôi qua, chị giờ đã là một nữ bác sĩ giỏi giang, xinh đẹp. Điều đặc biệt, có chuyện gì vui chị cũng kể với mẹ ruột lẫn mẹ nuôi (chị nghĩ về cô giáo của mình như vậy). Một hôm, trong một buổi hội thảo, chị gặp một “đại ca” trong nghề. Anh có một bản tham luận khoa học thu hút mọi người lắng nghe. Chị không ngoại lệ. Giờ nghỉ giải lao, họ cùng ra hành lang bàn uống cà phê. Chị chủ động lại hỏi thăm anh. Điều bất ngờ là anh cùng học trường chuyên với chị, trên mấy lớp. Anh cũng học ngành y nhưng sau đó ra nước ngoài học sau đại học mấy năm rồi mới về nước và hiện đang làm việc tại một bệnh viện lớn. Bất ngờ hơn, anh hỏi: “Em có biết cô Hiền dạy toán không?”. Anh lặng người khi nghe chị nói về cô với sự tôn kính và đầy yêu thương.
Mấy ngày sau khi chị gọi điện về cho cô kể chuyện gặp anh tại cuộc hội thảo. Cô trả lời đã nghe anh nói chuyện và cho biết đó là trò cưng của cô, cũng ở nhà cô mấy năm giống chị. Cô nói thêm: “Hai đứa hợp nhau đấy”. Cô kể về anh khá nhiều, hoàn cảnh gia đình, tính tình…
Mấy ngày sau, anh chủ động gọi điện cho chị và xin được hẹn hò. Chị vốn cảm mến anh nên gần như lập tức đồng ý.
Vài năm sau, anh chị lấy nhau. Đám cưới được cô giáo đến dự.
Cuộc sống gia đình của chị nói chung là êm đẹp. Duy có điều cả hai đều là bác sĩ nên hết sức bận rộn và nhiều áp lực. Khi có những vướng mắc, chị đều tâm sự với cô giáo và được chỉ dẫn tận tình. Chị có cảm giác như mình vẫn là cô trò nhỏ của cô ngày nào.
Hôm làm thôi nôi cho đưác con đầu lòng, chị mời bố mẹ và cô giáo ra nhà chơi. Sau buổi tiệc, anh và chị đến nói với cô rằng, tuy cô chưa bao giờ nhận cô là mẹ nuôi, chưa bao giờ cô kể công ơn của mình với anh chị, cũng không mong báo đáp điều gì, nhưng anh chị xin cô cho được làm con nuôi. Chị hứa: “Chúng con nếu được nhận là con nuôi, chúng con được thêm một người mẹ tuyệt vời”.
Cô giáo nói: “Các con từ lâu là con của cô rồi. Không chỉ hai con mà nhiều đứa nữa. Điều quan trọng không phải là mẹ nuôi hay không mà sự đối xử nhân ái với nhau, quan tâm lẫn nhau, nhất là khi các con có nhiều khó khăn”.
Anh chị hiểu điều cô giáo nói, và tự trong tận sâu đáy lòng của mình họ từ lâu đã xem cô như người mẹ thứ hai, người không có công sinh nhưng có công dưỡng. Con của họ có thêm một người bà, ngoài bà nội và bà ngoại. Hạnh phúc gia đình chị thực sự may mắn khi có được người mẹ nuôi đầy lòng nhân ái.

Cát Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/gia-dinh-me-nuoi-yeu-quy-424115.html