Mẹ nhiễm rubella trong thai kỳ, trẻ nguy cơ bị dị tật bẩm sinh

Trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu mắc rubella có thể lây cho thai nhi với tỷ lệ rất cao (có thể lên đến 80%).

Trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu mắc rubella có thể lây cho thai nhi với tỷ lệ rất cao (ảnh minh họa)

Trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu mắc rubella có thể lây cho thai nhi với tỷ lệ rất cao (ảnh minh họa)

Mới đây, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã đưa ra cảnh báo bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu mắc rubella có thể lây cho thai nhi với tỷ lệ rất cao (có thể lên đến 80%).

Mắc rubella bẩm sinh khiến bé bị các dị tật nghiêm trọng như: tim mạch, đục thủy tinh thể, chậm phát triển... Nếu bà mẹ nhiễm rubella giai đoạn giữa thai kỳ, tỷ lệ con bị rubella bẩm sinh khoảng 25%.

Theo báo Thanh niên, thông tin trên được đưa ra tại chương trình giao lưu với chuyên gia về tiêm chủng vắc xin sởi - rubella đã được Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa).

Đại diện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, lịch tiêm vắc xin sởi - rubella là thời điểm trẻ 12 tháng tuổi. Nếu chưa tiêm vắc xin theo lịch thì cần tiêm càng sớm càng tốt sau đó.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, để phòng bệnh rubella cho mẹ và phòng hội chứng rubella bẩm sinh cho con, cần được tiêm vắc xin rubella tối thiểu 3 tháng trước khi dự định mang thai.

Rubella bẩm sinh nguy hiểm thế nào?

Những yếu tố nguy cơ mắc Rubella bẩm sinh bao gồm: mẹ đang mang thai nhưng chưa chủng ngừa Rubella, mẹ đang mang thai tiếp xúc với người bị Rubella.

Theo báo Sức khỏe Đời sống, thời gian 12 tuần đầu thai kỳ là thời gian nguy hiểm nhất khi nhiễm Rubella ở người mẹ, virut Rubella từ máu của mẹ chuyển qua rau thai vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh. Virut này có khả năng phá hủy hay làm chậm sự phát triển của phôi thai và đây là nguyên nhân gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Tùy vào thời điểm nhiễm bệnh, tỷ lệ con bị hội chứng Rubella bẩm sinh thay đổi: 80% khi thai dưới 12 tuần, 54% khi thai được 13 - 14 tuần, 35% ở tuổi thai 13 - 16 tuần, 10% khi thai 16 tuần và sau 20 tuần thì tỷ lệ này không đáng kể.

Trong trường hợp mẹ nhiễm Rubella trước tuần thứ 18, sự lây truyền từ mẹ sang thai nhi có thể được khẳng định hoặc loại trừ bằng cách định lượng IgM máu cuống rốn sau tuần lễ thứ 22. Nếu IgM dương tính sẽ khẳng định trẻ nhiễm Rubella với độ chính xác 94%, nếu IgM âm tính sẽ loại trừ trẻ nhiễm Rubella với độ chính xác 82%.

Triệu chứng lâm sàng: thai nhẹ cân, chậm phát triển trong tử cung, đục thủy tinh thể, điếc, tật đầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ, ban trên da khi đẻ.

Biến chứng:

- Mắt: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, viêm võng mạc.

- Tim: còn ống động mạch, thông liên thất, hẹp động mạch phổi.

- Thần kinh: chậm phát triển tinh thần, tật đầu nhỏ, viêm não-màng não.

- Biến chứng khác: gan to, điếc, bệnh mềm xương.

Xem thêm: Thanh Hóa: Bé 15 tháng tuổi tử vong với nhiều vết thương 'lạ', gia đình nói lỗi tại bệnh viện

Mai Anh (t/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/me-nhiem-rubella-trong-thai-ky-tre-nguy-co-bi-di-tat-bam-sinh-53837-9.html